Anh Nguyễn Văn Thành (Cầu Giấy, Hà Nội) vẫn đang chạy đôn chạy đáo để tìm trường cho con khi biết con trượt nguyện vọng vào THPT công lập. “Tôi nghỉ cả làm để đến một số trường THPT công lập có điểm chuẩn thấp hơn tìm hiểu thông tin nộp hồ sơ cho con, nhưng phần lớn đây đều là những trường khu vực ngoại thành, con phải đi từ 5 rưỡi sáng mới kịp giờ học, quá vất vả trong 3 năm. Nhưng nếu đăng ký học các trường THPT ngoài công lập khu vực Cầu Giấy gần nhà thì áp lực tài chính khá lớn. Trung bình mỗi tháng cũng hết hơn 10 triệu đồng chưa kể tiền học thêm, ôn luyện bên ngoài. Năm tới cháu lớn vào lớp 12, chi phí học tập sẽ rất lớn. Gia đình có 2 con đi học nếu kinh tế không quá khá giả, việc học trường ngoài công lập sẽ gây áp lực rất lớn cho bố mẹ”.
Phụ huynh xếp hàng nộp hồ sơ cho con vào trường ngoài công lập
Chị Nguyễn Kim Tuyến (Long Biên, Hà Nội) cũng đang rất hoang mang khi con đạt 34 điểm và trượt cả THPT công lập cũng như trường ngoài công lập THPT Lê Văn Thiêm (Long Biên). Chị Tuyến cho biết, ban đầu trường THPT Lê Văn Thiêm lấy 34 điểm sàn, xét từ cao xuống thấp cho đến khi đủ chỉ tiêu. Nhưng ngày hôm sau lại tiếp tục tăng điểm sàn lên 35 điểm. “Ban đầu gia đình có hy vọng con sẽ trúng tuyển trường Lê Văn Thiêm, nhưng đến khi điểm sàn tăng thì không còn cơ hội dù nộp hồ sơ từ rất sớm. Đến giờ cả con và bố mẹ đều rất hoang mang, dự kiến gia đình sẽ nộp hồ sơ cho con tại một trường ngoài công lập khác trên địa bàn quận, con sẽ phải chấp nhận đi học xa hơn rất nhiều”, chị Tuyến cho biết.
Theo thống kê của Sở GD-ĐT Hà Nội, toàn thành phố còn khoảng 33.000 thí sinh chưa trúng tuyển vào các trường THPT công lập, điều này đồng nghĩa với việc các em sẽ phải học tại các trường ngoài công lập hoặc Trung tâm giáo dục thường xuyên.
Tưởng rằng kỳ thi tuyển sinh lớp 10 chỉ cam go khi giành vé vào trường công, thế nhưng cuộc đua để có suất học tại các trường công lập tự chủ tài chính, ngoài công lập chất lượng tốt cũng gian nan không kém.
Tại một số trường như THPT Hoàng Cầu (Đống Đa, Hà Nội), THPT Tạ Quang Bửu (Hai Bà Trưng, Hà Nội), hàng trăm phụ huynh phải ngồi "canh" tại cổng trường từ đêm hôm trước để đợi nộp hồ sơ cho con vào trường.
Học trường nào không quan trọng bằng học như thế nào
Thầy Nguyễn Cao Cường, Hiệu trưởng Trường THCS Thái Thịnh (Đống Đa, Hà Nội) cho rằng, thực tế có nhiều thí sinh đã xác định tâm lý có thể trượt THPT công lập từ trước khi thi, song các em vẫn đăng ký các nguyện vọng mong muốn với hy vọng được thử sức. Với những trường hợp này, phụ huynh cũng đã xác định trước phương án học tập cho con nên khá chủ động. Song cũng có không ít trường hợp cha mẹ bị động khi con thi trượt lớp 10 công lập. Với số lượng trường lớp cả công lập và ngoài công lập như hiện nay, chắc chắn mọi học sinh Hà Nội đều có cơ hội học tập.
Thầy Nguyễn Cao Cường, Hiệu trưởng Trường THCS Thái Thịnh (Đống Đa, Hà Nội)
Theo thầy Nguyễn Cao Cường, với những học sinh có năng lực học tập tốt, cha mẹ nên tiếp tục định hướng cho con theo học các trường THPT ngoài công lập, các trung tâm giáo dục thường xuyên để hoàn thành bậc THPT. Việc chọn trường cần cân nhắc các đến các yếu tố phù hợp về môi trường, năng lực học tập, khả năng đáp ứng của các trường THPT, điều kiện tài chính gia đình và định hướng của gia đình với các con trong tương lai.
Bên cạnh đó, cũng có những trường hợp cha mẹ cần nhìn thẳng vào năng lực của các con, có thể lựa chọn các trường cao đẳng nghề đào tạo theo mô hình nghề 9 cộng. “Hiện nay có rất nhiều nghề có cơ hội việc làm tốt như điện tử, điện lạnh, thiết kế đồ họa, tin học, nấu ăn… Nhiều trường hợp học sinh được định hướng học nghề sớm từ lớp 10 đã rất thành công. Cha mẹ cần ngưng việc phân tích nguyên nhân vì sao con trượt, bình tĩnh đồng hành cùng các con vì phía trước vẫn còn rất nhiều cơ hội”.
Nói về sức nóng của đợt đăng ký vào các trường ngoài công lập, thầy Nguyễn Cao Cường cũng cho rằng, những năm gần đây, một số trường ngoài công lập có kế hoạch giáo dục tốt, tạo dựng được thương hiệu và uy tín với các bậc phụ huynh. Do đó số lượng hồ sơ nộp vào rất đông. Trong khi đó, trường ngoài công lập rất khó xác định được số lượng thí sinh sẽ đăng ký xét tuyển, việc đưa ra mức điểm sàn chủ yếu dựa vào kinh nghiệm các năm và phổ điểm thi.Tuy nhiên khi số lượng học sinh nộp hồ sơ tăng vọt, nếu các trường không có cách tổ chức hợp lý sẽ rất dễ dẫn đến tình trạng đã xảy ra trong những ngày qua, phụ huynh phải thức thâu đêm đợi nộp hồ sơ cho con.
“Nếu ngày càng có nhiều ngôi trường đáp ứng kỳ vọng của cha mẹ học sinh thì sức nóng của công tác tuyển sinh lớp 10 sẽ giảm hơn. Phụ huynh cũng hy vọng có thêm nhiều trường học, song trong bối cảnh khó khăn về quỹ đất, kế hoạch, việc có thêm trường học cần có lộ trình cụ thể. Hiện nay khoảng cách giữa trường công và trường tư đã được thu hẹp rất lớn. Nhiều trường ngoài công lập thu hút được sự quan tâm của đông đảo phụ huynh, song các trường cũng cần tính toán mức học phí để chia sẻ với phụ huynh, tạo thêm cơ hội học tập cho học sinh”, thầy Nguyễn Cao Cường nhấn mạnh.
Thầy Nguyễn Văn Xuân, Hiệu trưởng Trường THCS Hạ Bằng (Thạch Thất, Hà Nội) cho biết, với khu vực ngoại thành, việc trượt nguyện vọng 1 vào lớp 10 không quá áp lực với phụ huynh và học sinh.
“Nhiều phụ huynh xác định chỉ cần con trúng tuyển vào trường công lập là được. Dù các trường các con đăng ký nguyện vọng 2 điểm chuẩn có thể chỉ 17, 18 điểm, thấp hơn những trường đăng ký nguyện vọng 1 đến gần chục điểm nhưng phụ huynh vẫn sẵn sàng cho con theo học thay vì học ngoài công lập. Còn tại khu vực nội thành, điều kiện kinh tế tốt hơn, nhiều phụ huynh dù có con đủ điểm vào các trường công lập top giữa, tóp dưới nhưng vẫn sẵn sàng cho con học ngoài công lập để chọn môi trường tốt hơn. Nhiều trường ngoài công lập có tiếng bởi vậy cũng nóng không kém trường công.
Thầy Nguyễn Văn Xuân, Hiệu trưởng Trường THCS Hạ Bằng (Thạch Thất, Hà Nội) kiểm tra, động viên học sinh các lớp
Bên cạnh đó, ở các khu vực ngoại thành, nhiều gia đình sẵn sàng cho con theo học tại các trường nghề khi tốt nghiệp THCS. Điều này cũng giúp giảm áp lực của kỳ thi chuyển cấp.
Trong khi đó, ở khu vực nội thành, không ít phụ huynh vẫn có tâm lý e ngại khi nói đến việc cho con học nghề. Hiện nay theo chương trình học nghề 9 cộng, các em vẫn được học song song cả chương trình phổ thông và học nghề, khi tốt nghiệp có cả 2 bằng nghề và bằng tốt nghiệp THPT, đương nhiên vẫn có cơ hội học lên cao đẳng, đại học”, thầy Nguyễn Văn Xuân phân tích.
Thầy Xuân cho rằng, việc học ở đâu không quan trọng bằng học như thế nào, do đó phụ huynh không nên quá áp lực chạy đua vào những trường điểm, lớp chọn.