Ngọc Dung (sinh năm 1993), quê ở Đà Lạt và đã làm việc, học tập tại TPHCM từ năm 2011. Do ảnh hưởng từ dịch bệnh và một số lý do cá nhân, từ năm 2021 cô đã chuyển về Đà Lạt làm online. Sau đó 1 năm mở quán cà phê và ở lại quê hương cho đến bây giờ.
Ngọc Dung
Khoảng năm 2022, đường trước nhà Ngọc Dung ở Đà Lạt mở rộng nên cô quyết định tận dụng mặt bằng mở quán cà phê với dự tính chi phí ban đầu là 350 triệu đồng bao gồm khoản chi vận hành chạy quảng cáo những tháng đầu tiên 50 triệu đồng. Tuy nhiên, đường xá được mở rộng kéo theo nhu cầu xây sửa nhà tăng, vật giá tăng quá cao nên tính tới thời điểm hiện tại, chi phí cố định khi mở quán cà phê đã phát sinh lên gần 600 triệu đồng.
Trong quá trình này, cô đã vay mượn 300 triệu đồng. Có những tháng không tính đến trả nợ, doanh thu chỉ vừa đủ cho chi phí vận hành. Để tiết kiệm chi phí, cô là người tự đứng quầy pha chế nên khá gò bó về mặt thời gian. Bên cạnh đó, không tính đến mùa mưa gió nên thiết kế trong nhà của quán cà phê khá nhỏ. Vào mùa đông, quán sẽ không đủ chỗ cho lượng khách lớn.
May mắn, Ngọc Dung và chồng vẫn có những khoản thu nhập khác để trả nợ. Hiện tại, chồng cô vẫn duy trì công việc ở TPHCM và Ngọc Dung tranh thủ làm một số công việc online.
Quán cà phê của Ngọc Dung
Cũng giống như Ngọc Dung, vợ chồng Xuân Thảo (sinh năm 1996) và Thành Tâm (sinh năm 1994) đã từ TPHCM chuyển lên sống ở Đà Lạt từ đợt dịch bệnh. Được biết, ước mơ về Đà Lạt mở quán có từ những ngày đầu yêu nhau. Bên cạnh đó, vợ chồng Xuân Thảo và Thành Tâm đều xác định không thể đi làm công cả đời được, nên việc tự kinh doanh là quyết định phù hợp, nhất là khi chưa có con.
“Tụi mình bỏ ra khoảng 180 triệu cho tất tần tật các chi phí mở cà phê. Thực ra, tụi mình không phải là những người mạo hiểm, nên cũng không xem quán cà phê là nguồn thu nhập chính, một phần vì quy mô quán cũng nhỏ, một phần cũng vì đây là lần đầu tiên mở quán. Vậy nên, chồng mình vẫn dạy tiếng Anh, mình vẫn làm content freelance. Việc mở quán lần đầu giống như một bài học thực tế để hai đứa tự rút kinh nghiệm, sẵn sàng cho những quy mô lớn hơn, nhưng nói để thỏa đam mê cũng không sai”.
Vợ chồng Xuân Thảo và Thành Tâm
Có thể thấy vợ chồng Ngọc Dung và Xuân Thảo đều duy trì đa dạng nguồn thu nhập để không bị phụ thuộc cũng như giảm rủi ro khi mở quán cà phê. Bên cạnh đó, Xuân Thảo cho rằng cần chuẩn bị 3 thứ khi quyết định về quê và kinh doanh khởi nghiệp, bao gồm tâm lý, người đồng hành và tài chính. Tâm lý vững vàng, sẵn sàng đón nhận bất cứ điều gì sẽ đến, phải tự xác nhận rằng con đường tự kinh doanh làm gì có chuyện dễ dàng, chỉ là bản thân chuẩn bị đến đâu và có dám bước qua những khó khăn hay không thôi.
Người đồng hành khá quan trọng. “Đây là người sẽ bổ trợ bạn những mặt còn thiếu sót, nói vui thì lỡ ngày nào ế khách, buổi tối còn có người đi ăn bánh tráng nướng nói chuyện đời cùng, chứ về nhà nằm một mình thì cô đơn lắm”.
Chuyện quan trọng cuối cùng là tài chính. Tiền nhiều đến mấy cũng hết. Do vậy, nếu bạn không có thật nhiều tiền, phải thận trọng, lên kế hoạch kỹ càng, làm trong khả năng cho phép, đừng bay quá, và nếu có thể hãy tạo thu nhập từ nhiều nguồn khác nhau.
“Mình không cho rằng bỏ phố về quê là một xu hướng, mình nghĩ nó là sự lựa chọn. Chọn bất kể một thành phố nào cũng đều có hai mặt hết. Có người thay đổi khiến họ thành công, nhưng số thất bại cũng không ít. Mình hy vọng rằng dù thành công hay thất bại, bạn có thể gọi tên nó là những trải nghiệm”, Xuân Thảo chia sẻ về quan điểm bỏ phố về quê của cô bạn.
Quán cà phê của vợ chồng Xuân Thảo
Còn đối với Ngọc Dung, có đôi lúc cô cảm thấy khá hối tiếc khi quyết định bỏ phố về quê mở quán cà phê. Những lúc quá mệt mỏi vì công việc không thuận lợi, nhìn bạn bè vui vẻ đi đây đó với gia đình, còn vợ chồng cô sống xa nhau nên cảm thấy tủi thân và hối hận. Song vợ chồng cô luôn động viên nhau cố gắng, nuôi suy nghĩ tích cực để vượt qua sự hối hận đó, hy vọng sẽ có một ngày thành công với lựa chọn của mình.
"Người trẻ cần chuẩn bị tinh thần thép cho việc bù lỗ thời gian đầu và một nguồn tài chính đủ để vận hành quán trong ít nhất 6 tháng đầu. Các bạn đừng nghĩ bỏ vốn 1 lần là đủ, khai trương xong là bắt đầu có lương. Một khi đã bắt tay vào làm sẽ có rất nhiều chi phí phát sinh. Hơn thế nữa, thị trường quán cà phê ở Đà Lạt đang bị bão hòa nên rất khó để cạnh tranh và thu hồi vốn. Do đó, hãy cân nhắc kỹ về mô hình kinh doanh với nguồn tài chính có sẵn", lời khuyên của Ngọc Dung cho những bạn trẻ cũng muốn kinh doanh quán cà phê.