Trấn Thành vẫn là ông hoàng phòng vé, nhưng Bộ Tứ Báo Thủ cho thấy ngay cả ông hoàng cũng có thể vấp ngã. Dù thu về hàng trăm tỷ đồng, bộ phim này lại là tác phẩm bị chê bai nhiều nhất của anh. Phải chăng, khi rời xa những câu chuyện có thông điệp sâu sắc để tập trung vào giải trí, Trấn Thành đã để lộ những điểm yếu trong tay nghề làm phim của mình?
Tính đến thời điểm hiện tại, Bộ Tứ Báo Thủ đang phá kỷ lục phim có doanh thu cao kỷ lục trong chuỗi 4 bộ phim của Trấn Thành, dù mức độ bị chê bai của phim cũng ở vào hàng cao nhất. Nghịch lý này tiếp tục tạo ra tranh cãi và hoang mang với cả khán giả đã và chưa xem phim. Liệu, Trấn Thành đang là nạn nhân của những bài seeding dìm hàng ác ý? Hay những bình luận chê bai trên mạng hoàn toàn không phản ánh được thị hiếu đa số đi xem phim ngoài rạp?
Thực tế, việc 1 bộ phim bị chê bai thậm tệ vẫn lập kỷ lục phòng vé hoàn toàn không phải chuyện hiếm có trên thế giới, đặc biệt là với doanh thu của tuần đầu tiên của những thương hiệu phim lớn được kỳ vọng. Tiêu biểu có thể kể đến Batman vs Superman, được đánh giá rất thấp bởi cả giới phê bình (29% điểm Rotten Tomatoes của giới phê bình) lẫn khán giả (chỉ 55% khán giả cho trên trung bình) nhưng lại có kỷ lục doanh thu 300 triệu usd cho tuần đầu và 879 triệu usd doanh thu tổng, nằm trong top phim ăn khách của năm 2016.
Trấn Thành, đương kim vua phòng vé Việt Nam với liên tiếp 3 phim trong 3 năm nằm top 4 doanh thu kỷ lục phòng vé phim Việt của mọi thời đại; hoàn toàn có thể dễ dàng phá kỷ lục của chính mình với bộ phim thứ 4; khi danh tiếng và niềm tin được xây dựng từ 3 bộ phim trước đang ở đỉnh cao.
Thêm vào đó, thị trường phim Tết luôn là một thị trường phim có phần đặc biệt của Việt Nam. 70% top 20 bộ phim có doanh thu cao nhất mọi thời đại của phim Việt được phát hành mùa Tết. Cũng tương tự với thị trường Trung Quốc; nơi có kỳ nghỉ Tết Nguyên Đán kéo dài và thói quen cả gia đình giải trí đầu năm; việc ra rạp xem phim Tết đã là 1 thói quen trải nghiệm tiêu dùng của phần đông khán giả, và Trấn Thành lại càng có lợi thế khi đã 3 mùa phim Tết ghi điểm và tạo kỷ lục với khán giả Việt Nam. Đặt cạnh các dự án phim Việt lẫn Quốc Tế ra mắt cùng mùa Tết, Bộ Tứ Báo Thủ vẫn là dự án hấp dẫn nhất về thương hiệu, về quảng bá truyền thông và tất nhiên; nếu cả gia đình cùng ra rạp xem phim Tết như 1 thói quen hàng năm; Bộ Tứ Báo Thủ của Trấn Thành vẫn đang là lựa chọn có vẻ đáng tin nhất.
Một chuyên gia nghiên cứu doanh thu phim chia sẻ: “Với các thương hiệu phim có sự trông chờ càng lớn thì ảnh hưởng từ phản hồi về chất lượng sẽ đến càng muộn; có thể từ tuần thứ 2 hoặc thậm chí từ tuần thứ 3 tuần thứ 4. Như loạt bom tấn Holywood bị khán giả chê như Transformer, Suicide Squad vì kỳ vọng và độ hấp dẫn thương hiệu lớn nên doanh thu tuần đầu rất cao dù điểm vote khán giả thấp; chỉ đến tuần thứ 2 thứ 3 thì tỷ lệ doanh thu sụt đi rất nhanh, từ 40% đến 60% mỗi tuần.
Với Mai hay Bố Già, hiệu ứng truyền miệng và viral của những đoạn cut, những khen ngợi dành cho bộ phim giúp cho phim vẫn tăng doanh thu mạnh nhiều tuần sau đó. Với Bộ Tứ Báo Thủ, nhà làm phim chưa thể vội mừng. Doanh thu mạnh mẽ trong tuần đầu tiên chỉ là sự phản ánh của niềm tin và kỳ vọng đã được xây dựng từ các tác phẩm trước đó, chứ không phải là minh chứng cho chất lượng thực sự của phim”.
Có 2 khuôn mẫu lặp đi lặp lại khi nói về Bộ Tứ Báo Thủ: các nhận xét tiêu cực lặp đi lặp lại 2 từ “ồn”, “nhạt”; còn Trấn Thành cũng nhắc đi nhắc lại “đây là một bộ phim giải trí”.
Là người rất kỳ vọng ở Trấn Thành với tư cách nhà làm phim sau Mai; tôi cần khẳng định vấn đề của Bộ Tứ Báo Thủ không phải là phim ồn, cũng không phải do phim là “phim giải trí”.
Bằng một cách nào đó, nhiều nhà làm phim khi làm 1 tác phẩm mà ở đó họ không đầu tư quá nhiều vào nhân vật, câu chuyện, hay thông điệp; sẽ hay gắn mác bộ phim đó là “phim giải trí” để phân biệt nó với những tác phẩm khác họ đầu tư tâm huyết hơn, có chiều sâu hơn và rút ruột rút gan hơn.
Nhưng có thật là làm phim giải trí dễ vậy không?
Thực tế, một tác phẩm giải trí đòi hỏi tay nghề và kỹ thuật của biên kịch đạo diễn phải rơi vào hàng thượng thừa. Khi không có một cốt truyện “nặng” hay thông điệp sâu sắc để “nâng đỡ” câu chuyện, nhà làm phim phải dựa vào những yếu tố rất kỹ thuật như tình huống hài hước mặn mà, nhân vật quyến rũ thu hút và đủ mọi kỹ thuật trong lời thoại, tình huống, nhịp điệu phim để bộ phim hấp dẫn lôi cuốn. Điều này không hề dễ; vì thiếu đi sức nặng, bộ phim rất dễ nhạt nhòa, hời hợt nếu nhà làm phim không đủ ngón nghề gia công cho phim hấp dẫn. Thông điệp của phim có thể không quá sâu sắc nhưng vẫn cần rõ ràng mạch lạc; tình huống hấp dẫn nhưng hợp lý, nhân vật thu hút, diễn biến logic, xử lý mâu thuẫn khéo léo thuyết phục.
Bộ Tứ Báo Thủ có cách đặt vấn đề tương đối hấp dẫn: một mâu thuẫn phổ biến của 1 cặp đôi lâu năm, khi 1 người đi quá nhanh 1 người đi quá chậm. 1 nữ chính xinh đẹp, ngây ngô có thể thấy đâu đó trong đời thường. 1 hội người thân phiền hà, ồn ào. 1 tiểu tam đầy tính đe dọa hứa hẹn mang đến sự căng thẳng gay cấn cho câu chuyện.
Nhưng rất nhanh chóng, bộ phim trở nên thiếu mục đích, lạc lối và gây khó chịu như chính nhân vật nữ chính Quỳnh Anh vậy. Gánh nặng cho thành công của thể loại Rom-Com sẽ đè đến 70% từ sự hấp dẫn và phản ứng hóa học của nam nữ chính - kể cả về diễn xuất lẫn xây dựng nhân vật. Sự cường điệu về mức độ vô tri của nhân vật Quỳnh Anh thiếu hài hước duyên dáng mà lại dư độ ồn ào và khó chịu; khiến cho khán giả khó có thể hòa mình vào trong hành trình giành lại Quốc Anh đầy lê thê mệt mỏi của cô. Nhân vật Quỳnh Anh có tiền đề tốt để trở thành một nữ chính thú vị, nhưng việc đẩy sự ngây ngô lên mức cực đoan lại phản tác dụng. Cô không mang đến sự đồng cảm cần thiết cho khán giả, mà thay vào đó tạo ra sự khó chịu vì thiếu chiều sâu và động lực rõ ràng. Một nữ chính có thể thiếu khéo léo, có thể phạm sai lầm, nhưng phải có điểm khiến khán giả muốn dõi theo hành trình của cô.
Đối chiếu với Yêu Nhầm Bạn Thân, nhân vật của Baifern và Kaity Nguyễn cũng ở ranh giới giữa đáng ghét và đáng yêu; tuy nhiên vẫn được xây dựng đủ thu hút để người xem phần nào đồng cảm cho tình yêu của nam chính để dõi theo hành trình của anh.
Đặt tương quan với những tác phẩm được khen ngợi hơn của Trấn Thành; đối trọng 2 cha con trong Bố Già hay nữ chính Mai đều là những nhân vật đầy đặn, sống động và khiến khán giả dõi theo hành trình của họ đến đoạn kết. Hoặc ở tuyến phản diện; nhân vật át chủ bài được cho là hấp dẫn và dễ viral nhất- Karen cũng được phát triển 1 cách lộn xộn và cuối cùng được giải quyết tầm phào thiếu logic nhất quán, uổng phí hoàn toàn sự hấp dẫn hứa hẹn ban đầu và tất nhiên đuối sức xa so với Đào của Hồng Đào.
“Ồn vì nó dở, chứ phim không dở vì phim ồn. Vì xem xong không đọng lại được bất cứ điều gì và không có một sự đồng cảm hay đông điệu với bất cứ nhân vật nào, nên thứ đọng lại duy nhất là những pha quăng miếng không vui, những câu thoại chồng chéo nhau nghe lúc được lúc mất, những drama cố tình được đưa vào để ráng đẩy câu chuyện đi tiếp và yếu tố hài mang tính hoạt náo, hình thể. Tổng hoà lại nó ra cái tiếng "ồn"” - Lucas Luân Nguyễn, một cây bút phân tích phim nhận định về Bộ Tứ Báo Thủ.
Trong 3 bộ phim đầu tiên của mình, Trấn Thành đã có thể truyền tải những câu chuyện và thông điệp đậm tính thời đại một cách rất lôi cuốn và giải trí. Vậy nhưng, khi gác lại những thông điệp để làm phim “giải trí”, Trấn Thành lại nhận về nhiều lời chê hơn bao giờ hết.
Bộ Tứ Báo Thủ không mắc những lỗi mới, mà tái lặp những vấn đề đã từng tồn tại trong các phim trước của Trấn Thành. Lời thoại dài dòng nhưng thiếu sức nặng, nhân vật nữ chính bị đẩy vào những trạng thái tâm lý cực đoan không cần thiết, và sự rập khuôn trong cách xây dựng hình tượng nhân vật bình dân. Nếu những bộ phim trước của Trấn Thành có thể dùng nhân vật hấp dẫn và thông điệp mạnh để bù đắp những điểm yếu về kỹ thuật, thì Bộ Tứ Báo Thủ không có được sự may mắn đó. Khi không còn một câu chuyện có chiều sâu làm trụ cột, những điểm yếu về lời thoại, tâm lý nhân vật, và cách xử lý mâu thuẫn thiếu thuyết phục trở nên lộ rõ hơn bao giờ hết.
“Việc Bộ Tứ Báo Thủ sẽ có phần đuối sức, là điều nằm trong dự đoán của nhiều người. 2 tác phẩm tốt nhất của Trấn Thành - Bố Già là phim đầu tay, nơi những ý tưởng ấp ủ lâu năm và sự mới mẻ của 1 đạo diễn được bung xõa; trong khi Mai là câu chuyện tâm đắc được dành trọn đầu tư chăm chút và khẳng định tay nghề trưởng thành của đạo diễn. 2 bộ phim cách nhau 2 năm, với ở giữa là 1 tác phẩm có phần đuối hơn về chất liệu - Nhà Bà Nữ. Với vòng quay 12 tháng cho kịch bản, sản xuất, đạo diễn, hậu kỳ; việc có 1 bộ phim hay ngay sau 1 tác phẩm tâm đắc ấp ủ nhiều năm là chuyện gần như không thể. Dù vậy, với sự lên tay ở Mai, khán giả và giới làm phim vẫn kỳ vọng Bộ Tứ Báo Thủ có thể không xuất sắc nhưng sẽ là 1 phim đáng xem. Vậy nhưng bộ phim lại cho thấy làm phim hay vẫn thật khó, ngay cả với 1 ông vua phòng vé hiện tại là Trấn Thành”, một kênh review phim cho biết.
Việc đón nhận phản ứng tiêu cực từ khán giả là một việc không dễ dàng vì vốn một bộ phim làm ra, ekip đã dành cho nó những gì họ cho là tốt nhất vào lúc đó. Chẳng ai muốn làm ra phim dở, kể cả những bộ phim ăn cà chua thối tệ nhất. Chắc chắn khi đưa phim ra đến khán giả, ai cũng tự tin và tự hào rằng đây là bộ phim tử tế, đủ hay để mọi người đón nhận. Đón nhận những lời chê bai lại càng khó hơn nữa với một nhà làm phim tự tin và đang ở đỉnh hào quang với 3 kỷ lục phòng vé mùa Tết, và bộ phim của mình vẫn đang liên tiếp phá những kỷ lục doanh thu mới chưa từng có.
Là một nhà làm phim thông minh, được kỳ vọng bậc nhất tại Việt Nam hiện tại, 1 bộ phim gây ức chế cạnh 3 phim thành công chưa phải 1 vấn đề quá lớn của Trấn Thành. Sự kỳ vọng cho bộ phim tiếp theo mà Trấn Thành hứa hẹn là sẽ đã hơn vào năm sau sẽ không bị ảnh hưởng quá nhiều. Khán giả sẽ vẫn đi xem, vẫn đón nhận chưa từng có nếu đó là 1 tác phẩm thuyết phục, được đầu tư tâm huyết - đây là 1 điều không phải quá khó nếu Trấn Thành không ngừng cầu thị và nỗ lực rút kinh nghiệm.
Vấn đề không phải là phim có doanh thu cao hay thấp, mà là sự mất cân bằng giữa kỳ vọng của khán giả và trải nghiệm thực tế họ nhận được. Một bộ phim có thể không hoàn hảo, nhưng khi lượng phản hồi tiêu cực áp đảo, đó là dấu hiệu cho thấy có một sự lệch pha lớn giữa những gì phim hứa hẹn và những gì nó thực sự mang lại. Khi ra rạp xem một phim không như kỳ vọng, có lẽ người thiệt thòi nhất chỉ có khán giả. Những khán giả đã lỡ đặt niềm tin và kỳ vọng rằng phim của Trấn Thành thì không thể không hay được. Khán giả không có nhu cầu làm nhà phê bình; nhưng có thể bị tấn công hoặc quy chụp nếu thành thật với cảm nhận của bản thân. Họ sẽ ra về trong ấm ức và cảm thấy niềm tin của mình nhẹ thì hao hụt, nặng thì đã bị phản bội, giữa một bộ phim vẫn đang ngập tràn những kỷ lục do họ góp phần.
Nguồn ảnh: NSX