Trên mạng có bài đăng thế này:
Một chiếc điện thoại di động cao cấp, 70% chức năng của nó chưa bao giờ được hầu hết mọi người sử dụng; một chiếc ô tô sang trọng, 70% tốc độ chỉ thể hiện ở quy mô; một biệt thự sang trọng, 70% số phòng trống; bữa ăn thịnh soạn, 70% thức ăn sẽ bị vứt đi.
Dù là người bình thường hay người giàu, nhu cầu hàng ngày đều có giới hạn. Bạn không thể thay mười bộ quần áo một ngày, ăn mười bữa lớn một ngày.
Vì nhu cầu có hạn, tại sao con người vẫn ham muốn có nhiều hơn nữa? Đây chính là cái gọi là “lòng người vô đáy, như rắn mà đòi nuốt voi”.
Người càng không biết đủ thì càng kém hạnh phúc. Vốn dĩ bản thân đang lái chiếc xe sang nhiều người thèm khát, nhưng khi nhìn thấy ai đó lái xe sang hơn mình thì ghen ăn tức ở, bực bội trong lòng, tìm đủ mọi cách để có cho bằng được. Như vậy phải chăng là “tâm cao hơn trời”?
Hạ thấp sự đòi hỏi trong cuộc sống chính là sự lựa chọn thông minh của người bình thường trong xã hội ngày nay để dễ dàng sở hữu hạnh phúc.
Có câu thế này: Thứ bạn có thể tiếp cận bằng cách kiễng chân chính là mục tiêu. Thứ mà bạn không thể đạt được khi kiễng chân lên là ảo tưởng.
Bạn chỉ có thể kiếm được 20 triệu mỗi tháng, đó là giới hạn của bạn. Tuy nhiên, bạn lướt mạng xã hội và thấy rất nhiều người giàu sở hữu gia tài bạc tỷ nên bạn đặt mục tiêu cho mình là trở nên giàu có như họ trong tương lai.
Điều này thực sự có thể? Đương nhiên nỗ lực không bao giờ sai, chỉ là bạn không nên ôm quá nhiều hy vọng, đã đặt bản thân lên bàn cân quá sức này rồi thì phải chuẩn bị tâm lý dung dị với mọi kết quả. Đôi khi buông tay và biết hài lòng cũng là một loại năng lực.
Luôn có những khoảng cách giữa con người với nhau. Phải có kẻ yếu và kẻ mạnh. Mạnh hay yếu không phải là vấn đề. Vấn đề là chúng ta phải làm những gì có thể.
Ưu tú thì hãy làm việc lớn. Người bình thường, chỉ quan tâm đến những điều nhỏ nhặt của riêng mình. Chỉ cần tham vọng phù hợp với sức lực của bản thân thì mọi chuyện sẽ ổn thôi.
Con người chúng ta rất dễ có cảm xúc “ngưỡng mộ, ghen tị và thù hận”. Và cốt lõi của những cảm xúc này đều là do đủ loại so sánh gây ra.
Về quê ăn Tết, họ hàng cạnh tranh nhau, so sánh xem ai giàu, ai ở nhà to hơn, hay con cái ai khá giả... Những so sánh đến rồi đi, nhưng vấn đề ở đây là gì?
Một số người sẽ nói rằng nếu thắng trong cuộc so sánh, bạn sẽ được người khác tôn trọng và có được thể diện.
Nếu sống với kiểu suy nghĩ này thì chắc chắn cuộc đời bạn sẽ là một chuỗi bi kịch. Bạn phải biết rằng luôn có người giỏi hơn và người giàu hơn bản thân.
Nếu mọi người ở những môi trường khác nhau, có nghề nghiệp khác nhau và có những quan điểm khác nhau thì sự so sánh là vô nghĩa.
Con người dù có tài đến mấy cũng đừng so sánh với người khác mà hãy hài lòng và hạnh phúc. Nếu không, khi gặp phải người mạnh mẽ hơn, tâm lý của chúng ta sẽ dễ bị ảnh hưởng và suy sụp, hạnh phúc rời xa.
Hiện nay có một thuật ngữ phổ biến là cuộc sống tối giản, ám chỉ việc tránh xa những môi trường phức tạp, loại bỏ những người và vật vô nghĩa và tận hưởng cuộc sống đơn giản.
Nếu bạn không đủ tiền mua nhà thì đừng mua. Chẳng phải sẽ hạnh phúc hơn nếu chúng ta không trở thành “nô lệ” trong nhà, không bị ràng buộc bởi các khoản nợ, không phải chịu áp lực lớn mà được sống tự do, thoải mái?
Nếu con bạn không thể đậu vào các trường đại học danh tiếng thì hãy chấp nhận sự tầm thường của chúng. Bản thân chúng ta là những người bình thường, vậy làm sao có thể yêu cầu con mình trở nên phi thường? Chỉ cần trẻ cố gắng hết sức là đủ.
Có người sẽ cho rằng nếu sống mà không có tham vọng thì chẳng phải là không thể thành công sao? Thật vậy, nếu không có khát khao thì có lẽ nhiều người thành công trên thế giới không thể có được ngày hôm nay. Song trên đời này có mấy người được như vậy?
Bạn có thể cố gắng thử sức, nhưng đảm bảo rằng bạn thấy vui với sự nỗ lực ấy. Nhưng nếu nỗ lực mà dằn vặt bản thân, không thấy vui với quá trình này, thì hãy thử buông bỏ để tìm kiếm điều khác phù hợp hơn. Thế giới này có muôn vàn sự lựa chọn, việc bạn cần làm là chọn sao cho đúng.