Bài viết dưới đây là dòng tâm sự của cô Kim (Trung Quốc) đang được chia sẻ trên nền tảng Sohu.
Sinh ra trong một gia đình khó khăn, ngay khi từ khi còn nhỏ, tôi đã ý thức được rằng bản thân phải nỗ lực hết mình để thoát nghèo bằng việc học. May mắn sau khi ra trường, tôi được mời làm việc tại một công ty kiểm toán có tiếng. Công việc vất vả song đổi lại là mức thu nhập mơ ước.
Ngay khi kiếm được tiền, tôi ý thức được rằng mình cần có trách nhiệm và nghĩa vụ hỗ trợ tài chính cho bố mẹ. Vì vậy, từ tháng lương đầu tiên, tôi đã gửi về cho gia đình 3.000 NDT (khoảng 10 triệu đồng). Tôi mong muốn số tiền ít ỏi này sẽ giúp họ cải thiện cuộc sống và hưởng phúc tuổi già.
Trong trí tưởng tượng của tôi, bố mẹ sẽ dùng khoản tiền có thêm này để ăn những bữa ăn ngon, mua sắm đồ đạc để cuộc sống tiện nghi hơn, thậm chí là có cả những chuyến du lịch nghỉ dưỡng.
Tuy nhiên, sau 2 năm trở về thăm nhà, những gì nhìn thấy khiến tôi hoàn toàn sốc. Bữa nào bố mẹ cũng chỉ ăn dưa chua và cháo trắng, thỉnh thoảng có thêm chút thịt. Chiếc máy giặt ở nhà đã hỏng nhưng bố mẹ lại không mua. Thay vào đó ông bà vẫn giặt tay.
Nhìn cuộc sống của bố mẹ tôi vô cùng đau lòng. Tôi đã hỏi tại sao họ lại không dùng tiền tôi gửi về để cải thiện cuộc sống. Mẹ mỉm cười và nói: “Bố mẹ đã lớn tuổi, không cần chi tiêu quá nhiều. Bố mẹ mong muốn tiết kiệm khoản tiền đấy để sau này cho con phòng khi trường hợp khẩn cấp xảy ra”.
Sau khi nghe mẹ nói câu đó, tôi đã oà khóc. Trong 1 tuần ở nhà, tôi quan sát kỹ cuộc sống của bố mẹ và thấy họ không thiếu thốn về vật chất. Điều họ cần hơn cả là sự bầu bạn và chăm sóc của con cái.
Bố mẹ mong muốn chia sẻ mọi khoảnh khắc trong cuộc sống cùng với con cái, muốn nghe giọng nói và nụ cười của các con. Nhưng vì quá bận rộn, tôi đã phớt lờ nhu cầu này của họ và luôn xem rằng chỉ cần dùng tiền là có thể bù đắp được tất cả.
Nói chuyện nhiều hơn với bố mẹ, tôi nhận ra rằng việc gửi 3.000 NDT hàng tháng cho bố mẹ thực chất chỉ là một cách để chạy trốn trách nhiệm. Tôi dùng tiền để không phải chăm sóc bố mẹ và nghĩ rằng điều này là hiếu thảo. Song thực tế sự hiếu thảo chân thành không đo bằng tiền bạc, điều cần làm là sự đồng hành.
Vì vậy, sau 2 năm đều đặn gửi tiền về cho mẹ, tôi quyết định ngừng việc này. Song điều này không có nghĩa là tôi không bỏ mặc họ. Ngược lại tôi dành nhiều thời gian để đồng hành và chăm sóc bố mẹ. Tôi thường xuyên trở về nhà để trò chuyện, ăn uống và đi tập thể dục cùng họ. Nhận thấy trong nhà còn thiếu đồ đạc gì, tôi chủ động mua sắm thêm. Cứ khoảng 3 tháng/1 lần, tôi lại tổ chức một chuyến du lịch cho cả nhà. Nhờ thế, tôi thấy bố mẹ khỏe mạnh và tâm trạng cũng tốt hơn trước. Tôi cũng tin rằng nhờ sự nỗ lực này của mình, mối quan hệ của gia đình sẽ bền chặt hơn. Bố mẹ cũng cảm thấy an yên ở những năm tháng tuổi già.
Ảnh minh hoạ
Trải nghiệm này giúp tôi nhận ra rằng phụng dưỡng cha mẹ, chu cấp cho họ bằng khoản tiền mình kiếm được là điều con cái nên làm. Tuy nhiên, những người làm con như chúng ta cũng cần phải dành thời gian cho đấng sinh thành. Bầu bạn cùng cha mẹ, quan tâm đến sức khỏe và nói lời yêu thương họ mỗi ngày là cách tốt nhất để thể hiện lòng hiếu thảo.
Khi còn nhỏ, cha mẹ chỉ mong con phát triển khỏe mạnh. Lớn hơn một chút, cha mẹ bắt đầu kỳ vọng nhiều hơn, mong con học tốt, tránh xa những thứ tiêu cực. Và lúc con bắt đầu bước vào ngưỡng cửa đại học, cha mẹ mong con mình sau khi tốt nghiệp tìm được một công việc tốt.
Những kỳ vọng của cha mẹ đều hướng đến mục đích chung là mong con nên người, có cuộc sống vui vẻ. Thế nhưng càng lớn, với những bộn bề của cuộc sống, công việc, nhiều người hiếm khi quan tâm xem cha mẹ thật sự cần gì ở mình. Dù không nói ra, song cha mẹ nào cũng mong được con cái kề cận, yêu thương mỗi ngày.
Con cái không thể chỉ dùng tiền bạc để bày tỏ lòng hiếu thảo mà còn cần cảm nhận nhu cầu của bố mẹ bằng cả tấm lòng. Chỉ bằng cách này, chúng ta mới làm tròn trách nhiệm của 2 từ “hiếu thảo”.