Theo nghiên cứu, khoảng 10% dân số có khả năng dị ứng ít nhất một trong những thành phần của mỹ phẩm. Nhưng điều đáng lo ngại là rất ít người kiểm tra phản ứng trước khi quyết định sử dụng mỹ phẩm, nhất là ở những cơ sở làm đẹp, dẫn đến tăng nguy cơ viêm da dị ứng tiếp xúc do mỹ phẩm.
Đắt tiền thì an toàn?
BSCKII Trần Ngọc Phương, Khoa Thẩm mỹ da - Bệnh viện Da liễu (TP HCM), cho biết mỹ phẩm được xem là các sản phẩm làm đẹp như dầu gội, dầu xả, lăn nách, sơn móng tay, các sản phẩm trang điểm, dưỡng da, nước hoa...
Tại Bệnh viện Da liễu, trung bình mỗi tháng có khoảng 60-80 bệnh nhân dị ứng mỹ phẩm đến điều trị. Trong đó, thường gặp là bệnh nhân sử dụng các nhóm hoạt chất AHA, BHA hoặc retinol điều trị mụn, sạm, nám… Đây là những sản phẩm dễ gây kích ứng da, nếu sử dụng không đúng cách, nồng độ không hợp lý sẽ dễ xảy ra các vấn đề như viêm, loét, bong tróc, nhiễm trùng, tăng sắc tố da…
Bác sĩ Trần Ngọc Phương thăm khám cho bệnh nhân (Ảnh: HẢI YẾN)
Ngồi chờ tái khám, chị N.H.T (25 tuổi) cho biết vì da nổi mụn nên chị tham khảo thông tin trên mạng xã hội và mua các sản phẩm như kem dưỡng trắng, kem dưỡng ẩm, peel da… với số tiền hơn 3 triệu đồng. Chị dùng cùng 1 lúc các loại mỹ phẩm trên vì nghĩ "mua đắt tiền sẽ không ảnh hưởng gì".
Sau 3 tháng sử dụng, da chị T. bắt đầu nổi mụn đỏ nhiều, bong tróc, ngứa rát… "Tôi có mua thuốc dị ứng về bôi nhưng tình trạng ngày càng nặng hơn nên đến bệnh viện kiểm tra. Bác sĩ chẩn đoán tôi bị dị ứng khiến hàng rào bảo vệ da bị tổn thương. Hơn 2 tuần điều trị, hiện tình trạng da của tôi đã không còn nổi mụn, hết ngứa. Tuy nhiên, để phục hồi làn da như ban đầu phải mất nhiều thời gian" - chị T. ân hận.
Bác sĩ Phương cho rằng mỹ phẩm an toàn không nhất thiết là loại đắt tiền mà là sản phẩm phù hợp với loại da và được sử dụng đúng cách, đúng liều lượng. Nếu làn da nhạy cảm thì dù sản phẩm có đắt tiền cũng có khả năng dị ứng. Do đó, khi sử dụng sản phẩm mới phải tìm hiểu thành phần để loại trừ. Trong đó, chất bảo quản và tạo mùi là 2 thành phần dễ gây dị ứng nhất.
"Dị ứng mỹ phẩm có 2 dạng kích ứng và dị ứng từ nhẹ đến nặng. Triệu chứng nhẹ là hơi ngứa, bỏng rát da, sưng nề, nổi mề đay. Nặng sẽ rộp nước, nhiễm trùng, thậm chí nhiễm trùng toàn thân, sốc phản vệ; nếu không được điều trị kịp thời, có thể tử vong" - bác sĩ Phương cảnh báo.
Bác sĩ Trần Thị Phượng, Khoa Da liễu - Bệnh viện Lê Văn Thịnh (TP Thủ Đức, TP HCM), cho biết thời gian qua, tại bệnh viện gặp rất nhiều trường hợp dị ứng mỹ phẩm. Hầu hết trong số đó là các trường hợp sử dụng kem trộn, kem trôi nổi trên thị trường, được hàng xóm giới thiệu hoặc thậm chí có cả người nổi tiếng quảng cáo trên tivi, Facebook; hoặc mua hàng xách tay không rõ nguồn gốc…
Theo bác sĩ Phượng, đa số các trường hợp trên, thời gian đầu khi dùng mỹ phẩm thì da trắng hồng, hết nám ngay. Tuy nhiên, ngưng sử dụng thì ngứa, đỏ, nổi mẩn và đốm nám xuất hiện ngày càng nhiều.
Bác sĩ Phượng lưu ý dị ứng mỹ phẩm mà không được điều trị đúng cách sẽ dẫn đến tình trạng nhiễm trùng da, loét hoặc mưng mủ. "Một số trường hợp sử dụng kem có chứa corticoid kéo dài, dẫn đến da bị "nghiện" corticoid, không dám ngưng vì ngưng là da khó chịu, nổi mụn. Hậu quả là da ngày càng sạm nám, teo, giãn mạch. Những trường hợp này phục hồi lại nền da sẽ rất chậm và tốn kém" - bác sĩ Phượng lo ngại.
Không sử dụng cùng lúc nhiều mỹ phẩm
Dị ứng mỹ phẩm là do cơ thể người dùng nhạy cảm với một trong các thành phần của sản phẩm, còn gọi là dị ứng nguyên. Dị ứng này có trong mỹ phẩm chăm sóc da như: Tinh dầu, chiết xuất từ thực vật; các hoạt chất chống nắng (octoryle, dibenzoylmethane, salicylates, cinnamates, benzophenones…); các chất bảo quản (chất tạo mùi, tạo màu, mùi hương, tá dược…) và một số chất khác (corticoid, hydroquinone, thủy ngân).
Vết loét trên mặt của một bệnh nhân dùng mỹ phẩm trị nám không rõ nguồn gốc (Ảnh do bệnh viện cung cấp)
Theo bác sĩ Trần Ngọc Phương, những triệu chứng dị ứng có thể gặp sau khi sử dụng sản phẩm mỹ phẩm vài giờ hoặc sau vài tháng, vài năm. Do đó, khi sử dụng mỹ phẩm mới nên chọn loại có ít thành phần và không sử dụng nhiều loại cùng lúc. Bên cạnh đó, cần kiểm tra sản phẩm bằng cách lấy 1 lượng nhỏ bôi vào vùng da bên trong cánh tay và đợi từ 48-72 giờ. Nếu vùng da không có biểu hiện sưng, nóng rát thì có thể sử dụng.
Trước quan điểm mỹ phẩm càng có mùi nồng nặc sẽ dễ gây dị ứng, bác sĩ Phượng cho rằng quan điểm này không đúng hoàn toàn. Bởi dị ứng mỹ phẩm là do dị ứng với 1 trong những thành phần của mỹ phẩm mà chất tạo hương liệu là một trong số đó. Vì vậy, tùy thành phần tạo hương liệu và tùy cơ địa của mỗi người mới có xảy ra dị ứng hay không. Tuy nhiên, để bảo đảm an toàn cho những làn da nhạy cảm hoặc trên cơ địa của những người hay dị ứng thì nên chọn những loại không có mùi hương. Cần lưu ý có những sản phẩm được quảng cáo là không mùi hương nhưng vẫn có thể có các chất tạo mùi giấu mặt.
Bác sĩ Phượng khuyến cáo khi nghĩ đến khả năng dị ứng mỹ phẩm thì việc đầu tiên là ngưng sử dụng và gặp chuyên gia da liễu để điều trị các biểu hiện da dị ứng. Không tự ý mua hay bôi các loại kem tìm đọc trên mạng, vì có thể gây tác dụng phụ ngược lại hoặc làm trầm trọng tình trạng dị ứng da.
Phải hiểu làn da của mình
Bác sĩ Trần Thị Phượng nhấn mạnh cách tốt nhất để phòng ngừa dị ứng cho da là phải hiểu da của mình là loại da gì để chọn lựa sản phẩm cho phù hợp. Nên mua các sản phẩm chăm sóc da tại địa chỉ uy tín, có tem mác bảo hộ, có thương hiệu đã được kiểm nghiệm. "Ngoài ra, nên có thói quen đọc và tìm hiểu bảng thành phần mỹ phẩm mà mình sử dụng trước khi bôi lên da, tránh những thành phần có tính kích ứng kể trên. Nếu có làn da nhạy cảm thì ngay từ đầu nên chọn sản phẩm lành tính, không chứa hương liệu, chất bảo quản..." - bác sĩ Phượng tư vấn.