Lâm cảnh trắng tay, vợ chồng ly tán, con cái ruồng bỏ vì lỡ sập bẫy đa cấp Liên Kết Việt

Minh Ngọc, Theo Pháp luật và Bạn đọc 22:15 02/01/2021

Sau 5 năm đường dây đa cấp Liên Kết Việt bị sập, vụ án mới được đưa ra xét xử nhưng hàng ngàn gia đình lâm cảnh nợ nần đến nay vẫn chưa ổn, vợ chồng ly tán, con cái "đứng đường" cũng chỉ vì tham làm giàu.

Mới đây, TAND TP. Hà Nội đã đưa ra xét xử vụ án "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản" xảy ra tại công ty Liên Kết Việt. Lê Xuân Giang (Chủ tịch HĐQT công ty Liên Kết Việt - tên trùm đa cấp) đã lĩnh án tù chung thân.

Tuy nhiên, phía sau những kẻ lừa đảo đó là những hoàn cảnh vô cùng éo le do lâm cảnh nợ nần chồng chất, vợ chồng ly tán, con cái mất mọi cơ hội và phải gánh nợ thay.

Trở thành con nợ của chính kẻ môi giới

Trong những ngày xét xử, chúng tôi đã gặp gỡ tiếp xúc rất nhiều trường hợp, đa số họ là những người phụ nữ, những người lớn tuổi, thiếu hiểu biết. Khi được hỏi lý do tham gia vào đa cấp, hầu hết họ đều thừa nhận do lòng tham.

Chị Đ.T.M (trú tại tỉnh Thái Nguyên) đã phải bắt xe xuống Hà Nội thuê trọ 3 ngày để tham dự phiên tòa, chị cho biết đại diện cho hai nạn nhân khác để đòi công lý.

Riêng chị M. đóng vào công ty 637,6 triệu đồng, còn hai người còn lại tổng cộng là 150 triệu đồng.

"Tất cả chúng tôi đều là nông dân chân lấm tay bùn, quanh năm chẳng biết gì ngoài cây ngô, cây lúa. Nghe nói đóng vào có lãi suất cao, chúng tôi mới mụ mị tham gia. Tôi giấu giếm chồng con, thế chấp sổ đỏ. Để có tiền trả nợ, vợ chồng tôi phải bán đất, bán nhà. Đáng nói, chính người phụ nữ tên Ng. đứng ra giới thiệu cho tôi tham gia vào công ty, sau đó cô này đưa tiền cho tôi để đóng vào, đến khi biết mình bị lừa, tôi chưa kịp vay chỗ khác để trả thì cô này cho dân xã hội đến tận nhà" – chị M. bức xúc.

Lâm cảnh trắng tay, vợ chồng ly tán, con cái ruồng bỏ vì lỡ sập bẫy đa cấp Liên Kết Việt - Ảnh 1.

Hàng nghìn lá đơn sau 5 năm đi đòi công lý

Còn người phụ nữ lớn tuổi tên Đ.T.D (SN 1962, quê Bắc Giang) cho biết, bà bắt xe ôm xuống Tòa từ sáng sớm. Tay run run cầm theo tệp tài liệu gồm những hợp đồng, hóa đơn mà "tuyến trên" ký kết sau 5 năm đã rách tả tơi. Bà D kể, đã đi khắp các cơ quan để làm đơn tố cáo, yêu cầu công ty phải trả lại số tiền đã thu của mình.

Suốt mấy chục năm chắt bóp từ công việc đồng áng mới được một ít tiền để phòng bệnh lúc về già. Nào ngờ, thời điểm 2013-2014, Đỗ Thị H. (thuộc xã An Khánh, Hoài Đức, Hà Nội) đã tìm đến vợ chồng bà làm quen rồi hỏi mượn tiền để tham gia vào Liên Kết Việt. Tổng cộng 5 lần, H. mượn số tiền là 160 triệu đồng.

"Khi tôi đòi nợ, H đưa tôi đến công ty Liên Kết Việt, dụ dỗ tôi mua 9 mã số với số tiền 63 triệu đồng, kèm theo 2 lọ đông trùng hạ thảo. Sau đó một hôm, H. tiếp tục mời tôi tham dự sự kiện và ký tiếp 6 mã số mới với 42 triệu đồng, không kèm sản phẩm. Tôi có tổng cộng 15 mã số, trị giá 105 triệu đồng tại công ty" - bà D. nói.

Nói về lý do mua mã thẻ, bà D. nói, H. đưa bà đi xem các phòng có treo bằng khen của Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch nước cấp nên thấy rất yên tâm. H. còn hứa sẽ chịu trách nhiệm nếu có vấn đề gì xảy ra.

Lâm cảnh trắng tay, vợ chồng ly tán, con cái ruồng bỏ vì lỡ sập bẫy đa cấp Liên Kết Việt - Ảnh 2.

Những hợp đồng hàng trăm triệu giờ đã trở thành tờ giấy nhem nhuốc

Đồng cảnh ngộ với bà D., rất nhiều nạn nhân khi nghe tin vội vàng đến Tòa, cầm theo các chứng từ, hóa đơn thu tiền mà công ty đưa sau khi nộp. Thế nhưng, tất cả các hóa đơn ấy đều là bản sao không công chứng, không có giá trị pháp lý.

Điều đáng nói, tên thủ lĩnh đã dính án, nhưng theo các bị hại cho biết, nhiều "tuyến dưới" là những kẻ môi giới - đóng vai trò rất quan trọng trong việc kết nối thì vẫn nhởn nhơ, vẫn sống sang chảnh bằng những đồng tiền thu lợi trên sự đau khổ của những con nợ.

"Vợ chồng tôi ly tán từ đây"

Anh H.T.M (Hải Dương) là một trong số nhiều bị hại quê Hải Dương đã phải cay đắng ôm khoản nợ khó trả.

Theo anh M., cách đây 5 năm, anh được một người quen giới thiệu gặp Giám đốc chi nhánh Liên Kết Việt ở Hải Dương, thời điểm này luôn có nhiều khách hàng "khoe" làm giàu nhanh chóng nhờ vào những chính sách của công ty. Tuy nhiên, khi mới tham gia được vài tháng thì công ty đa cấp này bị sập, bản thân anh M. có thể là những khách hàng cuối cùng nộp tiền.

Từ khi công ty phá sản, gia đình anh M. cũng lâm vào cảnh nợ nần, túng thiếu. Chủ nợ thuê cả xã hội đen đến đòi nợ, đe dọa, khiến cuộc sống gia đình anh điêu đứng.

Vợ anh không chịu được áp lực nên bỏ nhà đi. Một mình anh nuôi ba con cùng đống nợ chồng chất. Vì hoàn cảnh khó khăn, hai con trai đầu đã phải nghỉ học giữa chừng để làm thuê kiếm tiền trả nợ với bố.

"Tôi tham gia 100 mã, tính ra là 860 triệu, chưa kịp giới thiệu cho khách hàng mới thì cái đa cấp này sập. Cũng từ đây mà vợ chồng ly tán, tôi phải đi làm phụ hồ, làm đủ mọi thứ để có tiền trang trải, nuôi 2 đứa con. Số tiền vay lãi để đóng vào công ty, bây giờ vẫn chưa có cơ hội trả".

Lâm cảnh trắng tay, vợ chồng ly tán, con cái ruồng bỏ vì lỡ sập bẫy đa cấp Liên Kết Việt - Ảnh 3.

Những tờ hóa đơn thu tiền không chắc chắn pháp lý

Cũng như một số bị hại ở các tỉnh, anh M. bức xúc khi nghĩ đến Giám đốc chi nhánh Hải Dương hiện nay vẫn ung dung sở hữu khối tài sản khổng lồ mà không bị sờ gáy.

"Khi sự việc mới xảy ra, tôi được Công an tỉnh Hải Dương gọi lên để cung cấp thông tin, thế nhưng đến nay tòa mới xử nhưng lại không có giấy triệu tập tôi. Giám đốc chi nhánh cùng anh em của chúng vẫn vô can, vẫn sở hữu những căn biệt thị sang trọng", anh M. bức xúc.

Còn bà P.T.T.L (SN 1958 tuổi, quê Vĩnh Phúc) cũng đem một bịch hồ sơ, bà L. cho biết trước đây vốn là hộ khá giả ở địa phương, nhưng từ ngày Liên Kết Việt vỡ trận cũng là thời điểm bà rơi vào kiệt quệ, túng quẫn.

"Mấy tháng đầu tôi được trả hoa hồng đều đặn, thấy có vẻ tiềm năng nên tôi còn mời thêm được vài người tham gia. Đến nay thì mất cả chì lẫn chài. Thậm chí, lúc đầu tôi chỉ nói với chồng con là mất có 100 triệu, nhưng thực tế tính ra 400 triệu cho cái bọn đại lý cấp trên" bà L. sụt sùi.

"Tôi chỉ cần lấy tiền để mua quan tài"

Trong vụ án, một số bị hại đã thuê luật sư, còn một số khác khi đường dây đa cấp Liên kết Việt sập đã tự tìm đến cơ quan chức năng cung cấp thông tin.

Sau khi phiên tòa kết thúc, chúng tôi chứng kiến cảnh đi lại khó khăn của một cụ già, qua tìm hiểu được biết bị hại đã ngoài 80 tuổi, là người Bà Rịa - Vũng Tàu. Cả cuộc đời tích góp được khoảng 800 triệu, thông qua môi giới cụ đã nộp toàn bộ cho Liên Kết Việt. Ai ngờ đến nay con cái bạc đãi cụ chỉ vì trước đó góp ý cụ không nghe nên bây giờ mất tất cả.

"May mắn vẫn còn vài người bạn cùng cảnh già cho mượn ít tiền để ra ngoài này dự tòa, hiện giờ tôi chẳng còn gì. Chỉ mong lấy lại đồng nào hay đồng ấy. Tôi chỉ cần lấy tiền đề mua quan tài cũng được", cụ già nói trong đau khổ.

Một luật sư chia sẻ: Những người sập bẫy đa cấp nằm rải rác ở 49 tỉnh, thành khác nhau. Đây cũng là lần đầu tiên một phiên tòa triệu tập tới 6.053 người. Đa số họ đều là người cao tuổi, phụ nữ, người dân vùng nông thôn…

Tài liệu điều tra cho thấy, các bị hại biết đến công ty Liên Kết Việt chủ yếu thông qua sự giới thiệu của người quen, bạn bè. Họ còn được nhân viên công ty thuê xe đưa đón đến tận Hà Nội để tham dự các chương trình đại hội hoa hồng, tôn vinh nhà phân phối, tổ chức rất hoành tráng.

Lâm cảnh trắng tay, vợ chồng ly tán, con cái ruồng bỏ vì lỡ sập bẫy đa cấp Liên Kết Việt - Ảnh 4.

Nhiều người tham gia vào đa cấp nhưng thậm chí không biết trụ sở công ty

Tiếp đó, các bị hại được nghe thuyết trình, giới thiệu rầm rộ về những quyền lợi sẽ có nếu tham gia nộp tiền mua mã sản phẩm.

Điển hình, họ chỉ cần nộp 8,6 triệu đồng sẽ được nhận tối đa 409 triệu đồng từ chương trình "hoa hồng nhân văn tri ân khách hàng", hoặc được khuyến mại nhà chung cư, ô tô, xe máy, iPad, đi du lịch… từ các chương trình "lộc xuân thịnh vượng", "lộc vàng đầu năm".

Chính vì tin công ty Liên Kết Việt và công ty BQP là của Bộ Quốc phòng, lại thêm tâm lý ham lãi suất cao, không phải làm gì cũng có tiền, các bị hại đua nhau mua mã sản phẩm. Các nạn nhân còn về nhà dẫn dụ, lôi kéo người thân, bạn bè cùng tham gia để được hưởng tiền hoa hồng.

Chiều 25/12, sau khi nghị án, TAND Hà Nội tuyên phạt Lê Xuân Giang (Chủ tịch HĐQT công ty Liên Kết Việt) án tù Chung thân về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Có vai trò đồng phạm, bị cáo Lê Văn Tú (Tổng Giám đốc Liên Kết Việt) bị tuyên 17 năm tù, còn Nguyễn Thị Thủy (Phó Tổng Giám đốc) lĩnh 18 năm tù. Đối với nhóm nhân viên phát triển thị trường của công ty Liên Kết Việt gồm Lê Thanh Sơn, Trịnh Xuân Sáng, Nguyễn Xuân Trường và Vũ Thị Hồng Dung, HĐXX tuyên lĩnh các mức án 13-16 năm tù.

HĐXX đánh giá vụ "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản" xảy ra tại công ty Liên Kết Việt lừa đảo có tính chất đặc biệt nghiêm trọng với hàng chục nghìn bị hại trải dài khắp đất nước.

VKS từng nhiều lần phải trả hồ sơ để điều tra bổ sung. Cơ quan điều tra cũng liên tục gửi giấy mời, triệu tập người liên quan nhưng chỉ xác định được hơn 6.000 bị hại có thông tin xác thực.

Tòa sơ thẩm xác định, Lê Xuân Giang đã thu của 68.000 lượt người tham gia với tổng số tiền gần 2.100 tỷ. Sau khi trừ các chi phí thực tế, các bị cáo chiếm đoạt hơn 1.100 tỷ.

Trong vụ án này, Lê Xuân Giang giữ vai trò chủ mưu, cầm đầu. Bị cáo cũng là người sử dụng phần lớn số tiền đã chiếm đoạt, quá trình điều tra và xét xử chưa thực sự ăn năn, hối cải nên cần nhận mức án nghiêm khắc nhất. Các bị cáo còn lại là đồng phạm, cùng tội danh Lừa đảo chiếm đoạt tài sản với tình tiết định khung là chiếm đoạt trên 500 triệu đồng.

Trong vụ án, HĐXX làm rõ hơn 5.800 bị hại đã nộp trên 580 tỷ đồng. Sau đó, họ được hưởng tiền hoa hồng và tiền thưởng khoảng 130 tỷ; hưởng số hàng hóa lợi nhuận khoảng 61 tỷ.

Do đó, HĐXX buộc Lê Xuân Giang và các bị cáo phải chịu trách nhiệm hình sự với số tiền hơn 391 tỷ đồng. Cụ thể, Lê Xuân Giang phải bồi thường gần 300 tỷ đồng cho hơn 5.800 bị hại (đã được làm rõ); đồng thời phải chịu toàn bộ trách nhiệm dân sự với các bị hại còn lại của vụ án. Lê Văn Tú và 5 bị cáo khác phải liên đới bồi thường số tiền còn lại.