Bị cáo Lê Xuân Giang
Chiều 21/12, phiên toà xét xử các bị cáo trong vụ lừa đảo chiếm đoạt tài sản, xảy ra tại Công ty Liên Kết Việt đã tiếp tục phần xét hỏi.
Bị cáo Lê Xuân Giang (cựu quân nhân, Chủ tịch HĐQT Công ty Liên Kết Việt) được HĐXX xét hỏi đầu tiên.
Theo cáo trạng, để tạo lòng tin với bị hại, Giang cùng các bị cáo làm giả bằng khen của Thủ tướng, cố tình “nhập nhèm” tên Công ty BQP là công ty thuộc Bộ Quốc phòng, mở nhiều chương trình khuyến mại và chi hoa hồng “khủng”…
Đặc biệt, Giang luôn sử dụng trang phục quân đội trong các video clip để tuyên truyền, lôi kéo bị hại, nhất là trong các sự kiện như Đại hội hoa hồng, trao Bằng khen của Thủ tướng (bằng khen giả), hội nghị khách hàng, khai trương chi nhánh Văn phòng Công ty ...
Giang còn mời các cán bộ quân đội về hưu tham gia vào công ty. Trong các sự kiện của Công ty Liên Kết Việt, Giang giao cho các cựu cán bộ nêu trên mặc lễ phục quân đội, đeo quân hàm, phù hiệu để chủ trì thực hiện các nghi thức của quân đội (hô chào cờ, hát quốc ca), lên sân khấu đọc diễn văn và thực hiện trao quà, phần thưởng, tiền cho các nhà phân phối....
Chưa hết, Giang còn mời một số tướng, tá nguyên là cán bộ cao cấp trong quân đội và cán bộ Nhà nước đến dự, trao Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ (bằng khen giả) hoặc gửi lẵng hoa chúc mừng, mời những người này lên sân khấu trao thưởng hoa hồng (tiền) cho nhà phân phối.
Khai trước tòa, Lê Xuân Giang nói đã phục vụ quân đội 11 năm, khi xuất ngũ đeo quân hàm trung úy chuyên nghiệp.
Quá trình điều hành hoạt động của các công ty, Giang nói “vì rất yêu hình ảnh người lính nên bị cáo thường xuyên mặc quân phục nhưng không đeo quân hàm”.
Chủ tọa hỏi Giang có nhớ từng đeo quân hàm cấp bậc gì hay không? Bị cáo trả lời tại các ngày đại hội của công ty có đeo cầu vai nhưng không đeo cấp bậc gì, “chỉ đeo tượng trưng cho đẹp”.
Bị cáo Giang cũng thừa nhận trong hai Công ty Liên Kết Việt và BQP có một số cựu cán bộ quân đội đã về hưu và những người này do nghỉ hưu, không có việc làm nên bị cáo mời tham gia.
“Tại sao trong hội nghị lại tổ chức hát quốc ca và nghi lễ quân đội?” - chủ tọa truy vấn.
Bị cáo Giang trả lời do thấy một số công ty đã làm và với thói quen của một người lính, bị cáo cho rằng “đó là uy nghiêm và sự tôn vinh đối với các cán bộ quân đội về hưu đã có nhiều năm cống hiến”. Trước bục khai báo, hơn một lần Giang “tự hào vì có nhiều năm làm người lính”.
Bị cáo Giang trong phần trình bày cũng nói, mong muốn làm ăn chân chính, bài bản, tạo công ăn việc làm và thu nhập cho người dân. Tuy nhiên, do một số cá nhân muốn trục lợi nên cố tình khuếch trương về công ty, khiến người khác hiểu sai về mô hình hoạt động.
Chủ tọa tiếp tục hỏi Giang có nhớ đã thu bao nhiêu tiền của các bị hại không. Bị cáo khai đến nay đã 5 năm nên không thể nhớ chi tiết, các con số đều do kế toán của công ty làm việc với cơ quan điều tra.
Về số tiền hơn 2.100 tỉ đồng thu của 68.000 bị hại mà cáo trạng nêu, Giang cho rằng điều này là không chính xác, vì trong đó có rất nhiều mã sản phẩm ảo. “Con số thực tế là những khách hàng có hợp đồng cụ thể, phiếu thu đúng quy định của công ty”, Giang biện minh.
Các bị cáo tại toà
Theo cáo trạng của VKSND tối cao nêu rõ, nhằm tạo lòng tin cho các bị hại về hiệu quả hoạt động kinh doanh của Công ty Liên Kết Việt, tháng 10/2014, bị cáo Lê Xuân Giang đã gặp nhà sư Phạm Văn Út sinh năm 1972 (đạo hiệu T.P.T), tu tại một ngôi chùa ở TP.HCM.
Đồng thời, đặt nhà sư này làm giả các quyết định, bằng khen của Thủ tướng Chính phủ tặng Công ty Liên Kết Việt, Công ty BQP, một số cá nhân của công ty và Trưởng CN, VPĐD của Công ty Liên Kết Việt như Lê Xuân Giang, Lê Văn Tú, Lê Thanh Tùng, Đào Văn Điện, Nguyễn Thị Thuỷ, Lê Căn Tiệp, Phan Văn Huân, Phạm Văn Tuế - Trưởng CN Hải Dương, Phạm Đắc Toàn - Trưởng CN Hải Phòng.
Bằng khen giả của Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh tăng Chi nhánh Công ty Liên Kết Việt tại TP.HCM. Sau khi nhà sư Phạm Văn Út làm xong các quyết định và bằng khen giả nói trên, Lê Xuân Giang đã chỉ đạo Lê Văn Tú cùng các bị cáo trong nhóm ê - kíp lên chương trình tổ chức đón nhận rầm rộ.
Trả lời xét hỏi tại phiên toà, bị cáo Giang thừa nhận, Thủ tướng không hề có quyết định, bằng khen cho các công ty, bị cáo như trước đó từng quảng cáo, tổ chức đón nhận rầm rộ.
"Người làm việc với tôi lúc đó nói là có thật nhưng thực tế là không. Sau này, cơ quan CSĐT làm rõ là không có việc khen này", bị cáo Giang khai trước toà.
Bị cáo Lê Xuân Giang được xác định là bị cáo cầm đầu trong vụ án
Về việc tại sao có bằng khen giả này, bị cáo Giang khai, do cá nhân đã tin vào một nhà sư nói có quan hệ, rút ngắn được các quy trình để được khen thưởng.
"Khi nhà sư nói có quan hệ, làm rút ngắn được các quy trình, chỉ cần cung cấp thông tin doanh nghiệp, cá nhân sẽ đạt được nên tôi mới nhờ nhà sư làm giúp", bị cáo Giang trình bày và nói sau khi nhà sư làm xong các quyết định, bằng khen giả, đã chuyển cho nhà sư 31 triệu đồng.
"Sau khi được việc bị cáo đã đưa số tiền tự nguyện cảm ơn nhà sư", bị cáo Giang nêu.
Trả lời câu hỏi việc tại sao lại tổ chức trao tặng, quảng cáo rầm rộ các bằng khen giả này và có sợ bị lộ không? Bị cáo Giang giải thích, lúc đầu, nhận thức không biết nên mới làm "hoành tráng như vậy còn nếu biết sẽ không làm thế".
Bị cáo Giang cho rằng, việc làm hoành tráng trao tặng các quyết định, bằng khen giả để làm "tăng thương hiệu doanh nghiệp".
Cũng theo cáo trạng, nhà sư Phạm Văn Út đã thành khẩn khai báo và nộp lại số tiền 31 triệu đồng để khắc phục hậu quả vụ án.