Lật tẩy sự thật về bàn tự quay thần bí

VTC, Theo 14:07 13/09/2012
Chia sẻ

Những năm gần đây, báo chí liên tục viết bài về hiện tượng những chiếc bàn tự quay kỳ lạ ở miền Trung và Tây Nguyên khiến nhiều người nửa tin, nửa ngờ, thực hư chưa rõ ràng.

Thế nhưng, TS. Vũ Thế Khanh (Liên hiệp UIA) đã nghiên cứu và lý giải rất rõ ràng về hiện tượng này. Theo ông Khanh, những chiếc bàn quay xuất hiện ở các tỉnh như Bình Định, Lâm Đồng, Đà Nẵng… từ hàng trăm năm nay.

Để nghiên cứu về chiếc bàn quay, ông đã kỳ công lập một hội đồng khoa học, có cả các nhà ngoại cảm để xem xét khía cạnh tâm linh. Đoàn nghiên cứu đã vào tận Đà Lạt, nơi có chiếc bàn quay mà báo giới nhắc đến ròng rã trong nhiều năm qua. Chiếc bàn quay thuộc sở hữu của chị Phong Lan, chủ một nhà nghỉ nằm ngay cạnh chùa Tàu.

lat-tay-su-that-ve-ban-tu-quay-than-bi
Chiếc bàn kỳ lạ.

Chiếc bàn quay của chị Lan được đặt trong một căn phòng 20m2. Chiếc bàn làm bằng gỗ, đặt trên một ổ trục quay được thiết kế khá công phu.

lat-tay-su-that-ve-ban-tu-quay-than-bi
Mặt dưới bàn quay.

Để tiến hành thí nghiệm, trước hết ông Khanh cũng làm theo đúng quy trình như các nhóm khác đã làm trước đây. Mọi người đứng xung quanh, đặt tay trực tiếp lên mặt bàn và đọc cho bàn "quay".

Lần đầu ra lệnh cho bàn quay theo chiều kim đồng hồ. Sau hơn 4 phút đọc "thần chú", bàn từ từ quay, càng lúc càng nhanh. Khoảng 10 phút sau, ông Khanh yêu cầu mọi người cùng đọc: "Hãy dừng lại!". Sau hơn 2 phút, bàn đã dừng lại hẳn.

 lat-tay-su-that-ve-ban-tu-quay-than-bi
Khi mọi người đặt tay lên bàn, đọc "thần chú" thì chiếc bàn tự quay.

Lần hai, đoàn khảo nghiệm lại làm đúng như đợt đầu, nhưng "ra lệnh" cho bàn quay ngược chiều kim đồng hồ. Lần này, chỉ khoảng 3 phút bàn đã quay và khi muốn dừng lại thì cũng chỉ mất hơn một phút. Điều này hết sức kỳ lạ, bởi những người tham gia thí nghiệm đều là cán bộ của Liên hiệp UIA.

Cuộc thí nghiệm lần ba, ông Khanh đưa cho mỗi người tham gia thí nghiệm một quả cầu mà ông mang theo từ trước, cỡ xấp xỉ bằng quả bóng bàn. Lần thí nghiệm này mọi người không đặt tay trực tiếp lên mặt bàn mà đặt tay thông qua quả cầu trên mặt bàn.

Các quá trình đọc "thần chú" vẫn thực hiện như các thí nghiệm trước đây. Nhưng lạ thay, mọi người đọc đến 30 phút mà bàn vẫn không nhúc nhích. Dù đổi "thần chú" đọc cho bàn quay ngược lại nhưng bàn vẫn trơ trơ bất động. 

Người chủ nhà thốt lên: "Từ trước tới nay, chưa có vụ nào bàn không quay. Các bác là nhóm đầu tiên đọc "thần chú" mà bàn không chịu nghe lời".

Sau khi tổng kết, đánh giá các thí nghiệm, ông Khanh phát biểu trước đông đảo các nhà khoa học và những người dân kéo đến chứng kiến: “Khi tay người chơi không tiếp xúc với mặt bàn, mà phải gián tiếp thông qua quả cầu, thì người chơi chỉ có thể tác dụng lực vuông góc với mặt bàn (mà phương này thì không gây ra mô-men quay cho bàn).

Quan sát kỹ các lần làm thí nghiệm, thấy rõ người chơi dù vô tình hay cố ý đẩy tay đi thì quả cầu lập tức lăn ngay, không truyền lực đẩy ngang xuống bàn được nữa. Phương pháp này đã triệt tiêu ma sát tạo mô-men quay và làm cho bàn hết "phép lạ".

Như vậy, có thể khẳng định không hề có tác động của lực từ trường, lực sinh học, điện từ trường hay lực lượng tâm linh siêu hình nào đó như mọi người vẫn từng nghĩ. Bàn chỉ quay khi có lực cơ học do tay người chơi đặt trực tiếp vào mặt bàn tạo mômen quay. Nếu lực này bị khử mất do quả cầu lăn thì bàn không thể quay được nữa”.

lat-tay-su-that-ve-ban-tu-quay-than-bi
Ngăn cách mặt bàn và bàn tay bằng quả cầu, thì mặt bàn không quay được nữa.

Nhưng lực cơ học gây ra mô-men quay do đâu mà có? Đây là câu hỏi mà các nhà khoa học cũng như những người chứng kiến hoặc đã khảo nghiệm đều muốn có câu trả lời.

Ông Khanh nói rõ: "Khi người chơi đặt tay trực tiếp lên mặt bàn, liên tục đọc khẩu lệnh cho bàn quay, thì tâm lý phát sinh tự kỷ ám thị, dần dần bị rơi vào ảo giác: hình như đang có lực vô hình nào đó làm cho bàn quay, và cảm thấy bàn "chuẩn bị quay", nên người chơi có xu hướng nương theo chiều quay quy ước trong đầu.

Khi nương theo, vô tình hay hữu ý đã gia tăng lực vào mặt bàn. Cứ như vậy bàn sẽ quay càng lúc càng nhanh hơn. Đấy là chưa kể đến trường hợp trong số đó có một người cố tình đẩy cho bàn quay. Quá trình dừng bàn lại cũng theo nguyên tắc ấy để phát sinh tâm lý tương ứng.

Như vậy, thực chất của hiện tượng "bàn quay" là do tay người chơi đã tác động lực cơ học vào mặt bàn tạo mô-men quay. Người chơi cũng vô tình không hề nghĩ rằng chính mình bị tự kỷ ám thị, đã tưởng tượng ra bàn đang quay (hoặc sắp quay), nên đã gia tăng lực vào khiến bàn quay nhanh hơn".

Theo ông Khanh, những người tập thiền, luyện yoga, hiểu biết về lĩnh vực thôi miên đều hiểu rất rõ hiện tượng tự kỷ ám thị. Như vậy, câu hỏi tồn tại hàng thế kỷ nay về chiếc bàn quay đã được nhà khoa học Vũ Thế Khanh làm sáng tỏ bằng một thí nghiệm hết sức đơn giản.
TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày