Chiếc bàn này được đặt ngay giữa gian nhà gỗ, xung quanh có khá nhiều những món đồ cổ nhỏ khác của ông Mười, một người chuyên sưu tầm đồ cổ có tiếng ở Hội An. Chủ nhân đi vắng, tiếp khách ghé tham quan là ông Nguyễn Tấn Hòa (đã ngoài 60 tuổi), là người chuyên coi giữ gian nhà.
Chiếc bàn cổ này kỳ lạ bởi khả năng tự xoay.
Chỉ vào chiếc bàn tròn vỏn vẹn một chân, ba trụ, thoạt nhìn khá đơn sơ, không có gì đáng chú ý ngoài vẻ cũ kỹ, ông Hòa giới thiệu: “Chiếc bàn cổ kỳ diệu đây!”. Không nói rõ ngọn ngành chiếc bàn vội, ông Hòa hướng dẫn chúng tôi đặt sấp nhẹ hai bàn tay lên mặt bàn, tập trung ý nghĩ bàn sẽ quay về phía bên trái hay chiều ngược lại. Sau một khoảng không lâu, độ vài giây, chiếc bàn phát một âm thanh như tiếng các khối gỗ xoắn vào nhau và xoay theo chiều đúng với ý nghĩ người đặt tay lên bàn.
Mặt bàn được tạo bởi hai mảnh gỗ đẽo hình bán nguyệt.
Khi chúng tôi đồng loạt lật ngửa cả hai bàn tay, mặt bàn lập tức dừng lại và xoay theo chiều ngược lại. Sự kỳ diệu của chiếc bàn ở chỗ nó tự xoay theo ý nghĩ chứ không theo sự điều khiển của đôi bàn tay chỉ đặt hờ trên mặt bàn. Mà nếu điều khiển bằng tay, phải dùng một lực mạnh hơn nhiều.
Có một chân bàn duy nhất, phần đế chân có ba trụ đỡ.
Ông Hòa quả quyết: “Chiếc bàn kỳ diệu ở chỗ chưa ai giải thích được nguyên lý hoạt động của nó chứ không phải nó là chiếc bàn thần tiên, thần thánh gì. Nhiều người đến đây, họ không hề tin thần thánh hoặc những chuyện ly kỳ hư ảo nhưng hoạt động tự xoay theo ý nghĩ một cách kỳ lạ của chiếc bàn lại cuốn hút họ. Họ cứ thử đi thử lại, nó vẫn như vậy”.
Nối liền mặt bàn với chân là một khối kết cấu hình hộp vuông, xung quanh có bốn trụ, ở giữa có một trụ lõi tròn trơn.
Chiếc bàn cổ tự xoay này theo lời kể của ông Hòa được tìm sưu tầm từ một ngôi làng ở huyện Tiên Phước (Quảng Nam). Tìm hiểu thêm về chiếc bàn cổ có khả năng tự xoay theo ý nghĩ kỳ lạ, chúng tôi được biết chiếc bàn ở Hội An làm bằng gỗ mít, đã có gần 200 năm tuổi. Và đó là không phải là chiếc bàn kỳ diệu duy nhất. Chiếc bàn cổ tự xoay ở Hội An còn có nhiều “anh em” lưu lạc khắp nơi. Tất cả đều xuất xưởng cách đây hàng trăm năm từ làng mộc Văn Hà, làng mộc tiếng tăm nay chỉ còn “vang bóng một thời” ở Phú Ninh (Quảng Nam).
Bên dưới mặt bàn có một khung vuông vừa khít với kết cấu hình hộp vuông trên.
Truyền rằng những nghệ nhân làng Văn Hà ngày ấy làm ra những chiếc bàn gỗ mít này như một mặt hàng gia dụng, bán cho nhà dân trong vùng Quảng Nam và lân cận. Người thợ không cố ý nhưng những chiếc bàn có khả năng tự xoay kỳ lạ.
Ông Hòa (đứng giữa) hướng dẫn khách thử tìm hiểu sự kỳ lạ của chiếc bàn.
Thỏa mãn trí tò mò của chúng tôi, ông Hòa cho phép chúng tôi tháo rời các bộ phận của bàn ra xem. Cấu trúc chiếc bàn khá đơn giản, có một trụ tròn với chân ba trụ gắn với mặt bàn bằng một khối gỗ vuông nhỏ. Phần mặt bàn có đường kính khoảng 60cm, được tạo thành bởi hai mảnh gỗ hình bán nguyệt ghép vào nhau. Tất cả chỉ có vậy mà bên trong cấu trúc đơn giản ấy, quả thật còn ẩn chứa nhiều kỳ thú chưa có lời giải đáp xác đáng nào.