Lạ nhất tuần qua: Quên tháo kính áp tròng nên bị vi khuẩn ăn mất nhãn cầu

Chi Mai, Theo Trí Thức Trẻ 18:56 13/07/2014

Bản tin chuyện lạ nổi bật tuần này bao gồm trường hợp bị vi khuẩn ăn mất nhãn cầu do đeo kính áp tròng, ngôi đền kỳ lạ ở Nhật có thể chữa bệnh trĩ và nghĩa địa hun khói lộ thiên ở Papua New Guinea.

1. Bị vi khuẩn ăn nhãn cầu mắt do đeo kính áp tròng

Mắt bị vi khuẩn ăn mất nhãn cầu (Ảnh tư liệu).

Lian Kao, một sinh viên 23 tuổi được bác sĩ chẩn đoán nhãn cầu mắt đã bị nhiễm một loại amip đơn bào do quên không vệ sinh kính áp tròng.

Vì áp lực học hành quá nặng, nên cô sinh viên Lian Kao đã quên vệ sinh kính áp tròng trong 6 tháng. Khi cô cảm thấy cần phải đến bệnh viện thì các bác sĩ kinh ngạc phát hiện ra rằng, bề mặt nhãn cầu của cô đang bị một loại amip đơn bào tấn công. Loại amip này sinh sôi nảy nở ở nơi tiếp giáp giữa nhãn cầu mắt và kính áp tròng, khiến cô gần như mất đi thị lực.

Bác sĩ Wu Jianliang cho biết, cô sinh viên trên đã bị viêm giác mạc Acanthamoeba, một loại viêm giác mạc hiếm thường gặp vào mùa hè.

2. Ngôi đền chuyên chữa bệnh trĩ ở Nhật

Mẹo chữa trĩ của người dân Nhật Bản.

Theo truyền thống xa xưa, người Nhật tin rằng những ai rửa vòng 3 của mình tại một con sông gần đền Kunigami và ăn trứng cúng trong đền thì có thể chữa khỏi bệnh trĩ hoàn toàn. Ngày nay, người dân đã bỏ nghi lễ rửa vòng 3 tại dòng sông.

Thay vào đó, họ chỉ quay vòng 3 của mình vào một hòn đá mịn và sáng bóng giống hình quả trứng đặt ở trung tâm ngôi đền rồi đọc một câu thần chú. Họ tin rằng làm như vậy người khỏe mạnh sẽ ngăn ngừa được bệnh trĩ, còn ai mắc bệnh trĩ thì sẽ được chữa khỏi.

"Kisai" là lễ hội hàng năm được tổ chức tại đền Kunigami. Lễ hội tồn tại nhiều thế kỷ này từng bị gián đoạn vào năm 1988. Tuy nhiên, vài năm gần đây, nó đã được khôi phục do sự gia tăng đột ngột của bệnh trĩ ở Nhật Bản.

3. Nghĩa địa lộ thiên xác hun khói rùng rợn

Nghĩa địa xác hun khói lộ thiên ở Papua New Guinea.

Trong nhiều thế kỷ, bộ tộc Anga ở cao nguyên Morobe của Papua New Guinea đã ướp xác người chết bằng một phương pháp hun khói kỳ lạ thay vì sử dụng các hóa chất bảo quản thông thường.

Sau khi hun khói, các xác ướp không được chôn cất trong mộ mà sẽ được đặt trên vách đá dựng đứng, để họ có thể trông coi những ngôi làng bên dưới. Hình ảnh các xác ướp màu đỏ treo trên núi có vẻ kỳ lạ nhưng đối với người Anga, đó là hình thức cao nhất để thể hiện sự tôn trọng người quá cố.

Quá trình ướp xác của bộ tộc Anga có thể khiến những người không hiểu biết cảm thấy sợ hãi. Thực tế, phương pháp này đã bị cấm vào năm 1975 khi Papua New Guinea giành được độc lập. Ngày nay, nhiều bộ tộc đã tiến hành chôn cất người chết theo Kitô giáo, chỉ còn vài bộ tộc trong núi sâu vẫn tiến hành nghi thức ướp xác này.