Thoạt nhìn, Carcross chỉ như một cồn cát. Có chút quá nếu gọi đụn cát chỉ rộng có 600m này là sa mạc.
Nhưng dù sao thì nó vẫn là sa mạc, là kết quả suốt 10.000 năm cần mẫn se cát của gió
"Từ lâu, sa mạc tí hon này đã là một bí ẩn," - Keith Wolfe Smarch, một cư dân của làng Carcross cho biết. Còn theo Panya Lipovsky, một chuyên gia địa chất thì Carcross là kết quả từ 10.000 năm "lao động" cần mẫn của tự nhiên.
Trong kỷ băng hà Wisconsinan McConnell cách đây khoảng 11.000-24.000 năm, Carcross cũng như toàn Yukon đã bị băng phủ kín. Khi băng bắt đầu tan cũng là lúc các hồ nước lớn hình thành. Trải qua thời gian, nước bị thấm hút xuống lòng đất, để lộ các dải cát dài.
Và những cơn gió dữ dội thổi về phía Tây Bắc đã làm nên một điều kỳ diệu khó tin nhất. Đó là cuốn cát vào thung lũng, dần dà tích tụ, tạo nên sa mạc Carcross như bây giờ.
Ngày nay, những cơn gió mạnh này vẫn tiếp tục thổi dọc theo hồ Bennett của Yukon, mang thêm cát vào cho sa mạc Carcross. Nhưng điều quan trọng nhất là Carcross giờ vẫn hội tụ đủ mọi điều kiện để được gọi là sa mạc.
Không có mưa dù nằm ngay giữa khu vực mưa nhiều
Nếu đã từng tìm hiểu về sa mạc, bạn chắc chắn biết lượng mưa của chúng rất thấp, nhiều lắm cũng chỉ 500mm/năm. Carcross đảm bảo điều kiện để được gọi là sa mạc này, dẫu nó nằm ngay giữa vùng tương đối nhiều mưa, với lượng mưa trung bình hàng năm rơi vào khoảng 838mm.
Nguyên nhân chính đến từ hiệu ứng bóng mưa (rain shadow). Nó xảy ra khi gió và không khí ẩm bị chắn bởi núi cao, không thể vượt qua đỉnh núi mà ngưng tụ rồi rơi xuống luôn, khiến cho nửa núi đối diện vẫn hoàn toàn khô ráo.
Carcross bị bao bọc bởi những dãy núi cao. Mây mưa vì thế chỉ rơi xung quanh chứ không đổ vào trong lòng nó.
Vẫn ẩm ướt, đa dạng động thực vật
Thoạt nhìn, Carcross chẳng có vẻ gì là một sa mạc cả. Không phải chỉ bởi vì nó quá nhỏ bé, mà còn bởi vì trong cồn cát này đa dạng sự sống không kém gì thế giới bên ngoài.
Mặc dù mưa đã chừa Carcross ra, nhưng nhờ thấm hút nước từ xung quanh nên sa mạc này vẫn khá là ẩm ướt. Nhờ đó, nó vẫn nuôi sống nhiều loại cây, trong đó có các lớn như cây vân sam, cây liễu với thân hình to lớn.
Vì bị gió mạnh liên tục cuốn cát vào, nên hầu hết các loài cỏ đều không mọc nổi, trừ hai loài cỏ kiên gan hạng nhất mang tên Yukon lupine và Baikal sedge. Dưới gốc các cây vân sam, trên các mô đất khuất gió bao quanh rìa sa mạc, chúng lì lợm bám chặt rễ xuống lòng đất. Hè sang, hai loài cỏ này còn trổ bông, lan hương ra xung quanh.
Đánh hơi thấy mùi mật, các côn trùng hảo ngọt cũng tìm vào. Tại Carcross, người ta phát hiện những 5 loài bướm đêm Gnorimoschema mới, và rất có thể còn có nhiều hơn nữa.
Ngoài côn trùng, Carcross còn là nhà của không ít động vật hoang dã, trong đó có cả cừu và dê núi. Dẫu vô cùng nhỏ bé, nhưng nó vẫn sở hữu cả kho sinh vật độc đáo, diệu kỳ, rất đáng được quan tâm, tìm hiểu.
Vô cùng được các cư dân địa phương yêu thích
Khoảng 4500 năm về trước, ở giao điểm của hồ Bennett và hồ Nares, một ngôi làng đã được dựng lên. Mỗi năm 2 lần, những đàn tuần lộc to khỏe lại phải băng ngang qua ngôi làng trên "cây cầu đất tự nhiên" này để di cư. Còn dân làng thì tận dụng "cái bẫy trời ban" ấy để kiếm thêm thực phẩm.
Ngày xưa, người ta đặt tên ngôi làng này là Caribou Crossing, tức là "tuần lộc băng ngang". Kể từ năm 1902, nó mới được đổi tên thành Carcross. Nếu vào làng Carcross ngày nay, bạn sẽ thấy rất nhiều gạc tuần lộc được dùng làm vật trang trí.
Tuy nhiên, cái thú vị nhất ở Carcross là trò chơi trượt cát trong sa mạc. Nếu là mùa đông, tuyết còn phủ kín mặt cát, biến cả sa mạc thành sân trượt.
Các cư dân địa phương rất thích đưa con cái đến đây vui chơi. Họ mê nó đến nỗi mà vào năm 1992, khi Yukon cố gắng biến sa mạc Carcross thành một khu bảo tồn, tất cả đã phản đối dữ dội. Cuối cùng khiến chính phủ phải chào thua, chấp nhận để Carcross tiếp tục là một sân chơi tự nhiên phục vụ mọi người.
Tham khảo: BBC