Lần đầu tiên, sau nhiều năm đợi chờ, bóng đá Việt Nam có một kỳ SEA Games tròn trịa nhất trong lịch sử, khi bóng đá nam - nữ cùng sánh vai trên đỉnh Đông Nam Á. Những cô gái vàng, vẫn luôn bản lĩnh và kiên cường, giữ vững "ngôi hậu" 6 năm liên tiếp. Ngày 10/12/2019 chính thức đưa đội tuyển U22 Việt Nam thoát khỏi "dớp" SEA Games, khi đội tuyển U22 bóng đá nam đánh bại đối thủ Indonesia, xuất sắc giành tấm HCV mà nhiều thế hệ đi trước ví von rằng họ đã dành cả thanh xuân để ngóng chờ.
Chúng ta, cả đất nước, đều đang vui chung niềm vui lớn.
Hôm nay, trên trang facebook cá nhân, anh Phạm Đình Quý - người mà chúng tôi vẫn hay gọi đùa là "kiến trúc sư vùng cao", đã chia sẻ một câu chuyện rất đỗi xúc động trên hành trình biến những lớp học tạm bợ, tranh tre dột nát thành những ngôi trường mới kiên cố và vững chắc của mình.
2 tấm hình, anh chụp cùng HLV trưởng đội tuyển nữ Việt Nam - ông Mai Đức Chung và cầu thủ Đỗ Hùng Dũng - đội phó đội tuyển U22 Việt Nam. Trên tay anh, 2 chiếc áo "trở về" từ SEA Games 30, có đầy đủ chữ ký của ban HLV và các cầu thủ, được xem là phần quà vô giá dành tặng riêng cho quỹ xây trường vùng cao.
Anh Quý chia sẻ khoảnh khắc cầm trên tay 2 chiếc áo đấu có đầy đủ chữ ký của HLV cùng các cầu thủ của đội tuyển bóng đá nam nữ Việt Nam vừa trở về từ SEA Games 30. Ảnh: NVCC.
Thay mặt các bạn học sinh vùng cao, anh Quý xin được đấu giá 2 chiếc áo, toàn bộ số tiền thu được sẽ chuyển vào quỹ xây trường vùng cao. Từ đó, con đường tới trường của những đứa trẻ sẽ bớt nhọc nhằn hơn.
"Chưa biết số tiền đấu giá sẽ được bao nhiêu, nhưng thật sự khi được nhận 2 chiếc áo đấu cùng lời chia sẻ với những khó khăn vất vả của học sinh vùng cao trong mùa giá rét, tôi và các bạn đã thấy vô cùng ấm áp và ý nghĩa rồi. Trân trọng cảm ơn tấm lòng của các HLV và các cầu thủ" - KTS Phạm Đình Quý viết.
Hiện, dưới bài chia sẻ của anh, những con số vẫn liên tục "nhảy" không ngừng. Mọi người đều đang hy vọng về một tương lai chưa bao giờ tắt nắng trên những đỉnh đồi.
KTS Phạm Đình Quý, top 5 Đại sứ truyền cảm hứng của giải thưởng WeChoice Awards 2018, thuyết phục tất cả với lẽ sống cao đẹp và hành trình đầy cảm hứng của bản thân.
Trong vòng 5 năm, anh chinh phục khắp nẻo cao miền Bắc, xây dựng thành công 105 điểm trường cho trẻ em vùng cao, dù ban đầu mục tiêu anh đặt ra chỉ là 100. Tình thương anh gửi trao cho núi non, cho dân bản và đặc biệt là những đứa trẻ vùng cao - niềm động lực tiên quyết thôi thúc anh lên đường.
Bao nhiêu điểm trường được xây nên là bấy nhiêu kỷ niệm đầy vương vấn. Anh Quý tự nhận mình là một con thoi đi lại giữa trùng điệp núi non. Cứ khoảng 1 - 2 ngày ở điểm trường này, anh lại di chuyển tới điểm trường khác. Anh về thăm nhà rất ít, một năm chắc được 5 - 7 lượt. Nếu không vướng bận gì, anh cứ men theo hình tam giác của biên giới phía Bắc mà đi.
Chia sẻ với chúng tôi, anh nói, "Đối với các tỉnh nghèo miền núi phía Bắc, việc xây trường cho các cháu rất nhân văn. Lũ trẻ không cần một ngôi trường có kiến trúc, quy mô đẹp, chúng chỉ cần có nơi để học. Mình nghĩ những người nào làm được ra tiền thì không có thời gian, còn những người có thời gian thì người ta không có tiền. Mình dùng toàn bộ sức lực tổng hợp những cái "tốt" lại để có một giá trị đích thực".