KTS chỉ cách thiết kế lối thoát hiểm an toàn cho nhà nhỏ, lưu ý về thói quen tích trữ nhiều người gặp

Trúc Hà/ Thiết kế: Hoàng Sơn, Theo Phụ nữ Số 20:00 16/09/2023
Chia sẻ

Theo KTS Hoài Ly, nếu phân chia phòng cùng tầng với chỗ để xe - nơi dễ xảy ra cháy nổ, cần bố trí lối thoát hiểm riêng biệt.

Nhìn vào một công trình nhà ở do KTS thiết kế, nhiều người thường chỉ tập trung nhận định đó là sản phẩm đẹp hay không đẹp về thẩm mỹ hoặc không gian, nội thất nhưng ít ai bàn tới việc ngôi nhà đó có đảm bảo an toàn về mọi mặt. Thực tế, trong tiêu chuẩn thiết kế, KTS luôn có những tính toán, đo lường kích thước tối thiểu cho các không gian sống để dự tính cho những trường hợp rủi ro.

Tuy nhiên, theo KTS Hoài Ly - văn phòng MAD.E Studio cho biết ngày nay, mật độ dân số quá cao nên rất nhiều căn nhà có diện tích nhỏ xuất hiện, không đủ những điều kiện về phòng cháy chữa cháy (PCCC) nên gây ra khó khăn khi xảy ra biến cố. Từ những vụ việc xảy ra gần đây, KTS Hoài Ly nhận định những khu vực dễ xảy ra cháy nổ lại thường trong phố, ngõ nhỏ,... nên chỉ với một “mồi lửa” nhỏ cũng có thể khiến đám cháy lan nhanh.

Để khắc phục điều này, KTS đưa ra giải pháp khi làm việc với gia chủ để có thể đem lại một không gian sống an toàn.

Về vật liệu: Lựa chọn các vật liệu chống cháy (hiện tại trên thị trường rất nhiều, hoàn toàn có thể tự tra cứu hoặc nhờ chuyên gia tư vấn) để hoàn thiện các không gian nội thất.

Về tổ chức không gian: KTS chủ động tư vấn và giải quyết các vấn đề về thông thoáng, gọn gàng và vi khí hậu cho các gia đình.

Các gia đình nên hạn chế việc tích trữ quá nhiều vật dụng dư thừa trong gia đình, hạn chế sưu tầm quá nhiều đồ đạc đối với những căn nhà nhỏ, hẹp, ít diện tích.

Gia chủ nên tự chủ động trang bị các thiết bị chữa cháy nhanh trong nhà, dành riêng 1 góc tủ, góc phòng để khi xảy ra chuyện có thể ứng phó kịp thời.

Cụ thể hơn, đi sâu vào từng chi tiết thiết kế trong các căn nhà có diện tích nhỏ, KTS Hoài Ly cho biết các căn nhà ở đô thị, nhà phố thường ít mặt thoáng, thậm chí chỉ có duy nhất một mặt thoáng phía trước. Do vậy, nhiều gia đình chọn bịt kín ban công, khoảng hở bằng lồng sắt để bảo vệ trẻ em. Đối với Hoài Ly, cô nhận định tư duy này không hẳn sai nhưng nên thiết kế lồng sắt có cửa nhỏ, khoá vào, cất chìa ở nơi gọn gàng, dễ nhớ để khi cần có thể mở và thoát ra ngoài.

Quan trọng hơn, đối với những ngôi nhà có diện tích nhỏ, vẫn có cách để thiết kế lối thoát hiểm riêng biệt trong những trường hợp khẩn cấp.

“Lối thoát hiểm nên đặt ở hướng ngược lại hoặc ít nhất là hướng vuông góc so với cửa chính, không nên đặt song song với cửa chính. Bởi khi phía cửa chính bị phong tỏa thì ta luôn có lựa chọn thứ 2 để thoát nạn.

Lối thoát hiểm nên thiết kế rộng ít nhất 800-900mm để 1 người lớn có thể chạy thoát, vị trí dễ tìm, không nên tiết kiệm hay mở lối đi quá hẹp. Cửa thoát hiểm phải mở hướng ra ngoài để từ bên trong có thể lao ra 1 cách dễ dàng”, KTS Hoài Ly nói.

Cuối cùng, việc phân chia không gian sống hợp lý trong nhà, tạo nhiều khoảng hở cũng là điều các KTS phải thuyết phục khi làm việc với gia chủ. Thông thường, những vụ cháy nổ thường bắt nguồn từ khu vực nhà để xe, nhà kho hoặc nhà bếp. Điều này khiến nhiều người lo lắng khi nhà hẹp, nên bố trí các phòng ra sao để không bị chồng chéo công năng và vẫn đạt mức an toàn.

KTS Hoài Ly chia sẻ: Thực tế, nhà bếp cùng tầng với chỗ để xe cũng bình thường, không phải vấn đề quá lớn. Vấn đề là phải bố trí vị trí lối thoát hiểm riêng biệt cho phòng cùng tầng với chỗ để xe. Việc thiết kế các khoảng hở trong nhà như giếng trời, lô gia,... sẽ đem lại rất nhiều lợi ích thông khí, vi khí hậu cho căn nhà, vậy nên, theo cá nhân tôi, chúng ta không nên bỏ qua không gian này”.

“Khi tư vấn khách hàng, chúng tôi luôn nói nên nhóm các không gian theo chức năng chuyên biệt. Vì như vậy sẽ tiết kiệm không gian 1 cách thông minh hơn.

Ví dụ đơn giản: Phòng ngủ hiện nay các gia đình thường tích hợp cả không gian ngủ - học tập - làm việc - xem TV - lưu trữ đồ đạc (tủ quần áo) vào đó, nên phòng ngủ ít nhất phải rộng 12-15m2/phòng mới có thể kham nổi số chức năng ấy. Gia đình có 3 phòng ngủ đã mất đến diện tích là 40-50m2.

Tuy nhiên, nếu ta tư duy: Khu vực ngủ chỉ dùng để ngủ thôi; khu vực học tập - làm việc có thể ra thành phòng sinh hoạt chung, từ đó mở rộng không gian phòng khách kết hợp với sinh hoạt chung; khu lưu trữ đồ đạc (tủ quần áo) tích hợp sang khu vệ sinh, kho đồ;... sẽ tiết kiệm được rất nhiều không gian 1 cách thông minh, tiện lợi. Hơn nữa, khi chuyên biệt không gian như vậy thì việc xảy ra cháy nổ sẽ rất dễ giải quyết”, KTS Hoài Ly nói thêm.

KTS chỉ cách thiết kế lối thoát hiểm an toàn cho nhà nhỏ, lưu ý về thói quen tích trữ nhiều người gặp - Ảnh 2.
TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày