Kinh nghiệm từ người chơi vàng lâu năm: Tháng nào cũng dành tiền mua 1 chỉ, sau này đổi được 2 mảnh đất

Nguyệt , Theo Nhịp sống thị trường 10:00 07/08/2024
Chia sẻ

Cô nàng đã hình thành thói quen đều đặn mua vàng hàng tháng từ lâu.

Nên mua vàng hay gửi tiết kiệm là băn khoăn của nhiều người với dòng tiền nhàn rỗi hàng tháng. Mỗi phương pháp lai có ưu và nhược điểm riêng, nên bạn cần cân nhắc kỹ lưỡng trước khi bỏ tiền vào hình thức đầu tư nào.

Và mới đây, trên một cộng đồng bàn về kinh nghiệm, kiến thức quản lý tài chính cá nhân, cô nàng C.T.N đã chia sẻ cách phân bổ dòng tiền vào mua vàng và gửi tiết kiệm. Cách cô quản lý tài chính khéo léo đã khiến không ít người phải ngợi khen.

Tháng nào cũng dành tiền mua vàng, thành quả là đổi được 2 mảnh đất

C.T.N chia sẻ, thu nhập của gia đình không cao lắm. Tiền dư không đủ để cô mua 1 chỉ vàng mà mua 5 phân vàng thì cô không muốn. Tuy nhiên, cô vẫn cố gắng tích lũy tiền mua vàng hàng tháng bởi sở thích "đếm vàng".

Cô không dùng thu nhập trực tiếp để mua vàng, mà đầu tiên trích 1 phần tiền lương gửi tiết kiệm, kỳ hạn 1-3 tháng. Tiền lãi nhận về từ gửi tiết kiệm không nhiều, song cứ khi nào đủ kỳ hạn thì cô lại rút tiền về để mua 2 chỉ vàng nhẫn.

Cô chia sẻ : "Cứ đều đặn mỗi tháng N. tiết kiệm 5 củ, tháng nào có nhiều việc thì tiết kiệm ít hơn tí cũng ok. Cứ đủ tiền N. sẽ rút mua 2 chỉ vàng".

Kinh nghiệm từ người chơi vàng lâu năm: Tháng nào cũng dành tiền mua 1 chỉ, sau này đổi được 2 mảnh đất- Ảnh 1.

C.T.N thường mua vàng nhẫn

Nguyên tắc mua vàng của C.T.N như sau: "tinh thần để lâu dài nên không quan trọng lắm chuyện giá vàng". Với mục đích tích vàng để dành trong dài hạn thế nên nếu mua phải vàng có giá bán chênh lệch 100-200 ngàn đồng so với giá thị trường thì cũng không đáng lo.

Không chỉ dành tiền mua vàng mà cô còn gửi tiết kiệm. Cô chia sẻ bản thân sẽ không "all in" vào vàng bởi nỗi lo mất tiền. Gửi tiết kiệm khoản đầu tư tốt vì có thể lãi suất thấp, nhưng lại an toàn trong việc giữ tiền. Hàng tháng, cô nàng sẽ cố định có 1 khoản gửi tiết kiệm 10 triệu đồng cho tình huống cấp bách.

Thành quả của quá trình "năng nhặt chặt bị" này là cô nàng C.T.N luôn có tài chính cho những lúc cần ứng phó bằng tiền mặt. Bên cạnh đó, cô còn mua được 1 mảnh đất ở quê cho mình và 1 mảnh đất nho nhỏ cho cha mẹ làm của để dành.

Có thể thấy, nhờ sự tính toán kỹ lưỡng và tìm hiểu về các phương thức đầu tư, cô nàng này đã có những thành quả cho riêng mình. Trong phần bình luận nhiều người đã dành lời khen cho tư duy tài chính và lối sống tiết kiệm khéo léo của cô nàng này.

Một số bình luận bên dưới bài đăng:

- Đọc những bài chia sẻ của bạn này rất tích cực và phù hợp với gia đình mình. Cảm ơn bạn vì những điều chia sẻ.

- Bạn giỏi vậy, mỗi tháng thu nhập không đủ mua 1 chỉ mà giờ đã mua mảnh đất ở quê rồi. Quá giỏi!

- Mình cũng giống bạn. Mỗi tháng bỏ 1 phần tiền ra mua 1 chỉ vàng, không cần quan tâm giá bao nhiêu. Sau làm của cho con. 1 phần gửi tiết kiệm 6-12 tháng để khỏi tiêu linh tinh. 1 phần trích đóng bảo hiểm cho cả nhà.

- Mình không mua vàng nhưng mình ủng hộ cách chi tiêu của bạn. Trước mình cũng tiết kiệm như vậy và mình xây được nhà dù vẫn nợ 1/2 . Nhưng thấy vui và hạnh phúc vì khi khó khăn vay mượn người nhà còn khó, đừng nói là người ngoài nên việc biết chi tiêu và tiết kiệm rất quan trọng.

Kinh nghiệm từ người chơi vàng lâu năm: Tháng nào cũng dành tiền mua 1 chỉ, sau này đổi được 2 mảnh đất- Ảnh 2.

Ảnh minh họa

Những cây vàng đổi được thành mảnh đất, căn nhà

Không chỉ T.N.C mà nhiều gia đình đã thành công mua được nhà và đất sau nhiều nằm chăm chỉ dành dụm từng đồng một để mua vàng. Nếu bạn còn chưa biết cách tích lũy vàng thì hãy cùng lắng nghe câu chuyện của những cô nàng dưới.

Mua vàng từ thời sinh viên, tới khi kết hôn, lại cùng chồng kiếm tiền mua vàng thì Thu Hoài (sinh năm 1993) nhận định nếu ngày xưa không tích vàng, cuộc sống của gia đình sẽ chẳng được như ngày hôm nay.

Thu Hoài kết hôn năm 2018. Ở thời điểm đó, cô đã duy trì thói quen mua vàng hàng tháng được 6 năm và có 8 cây vàng là của riêng. Sau khi lấy chồng và thu nhập gia tăng, gia đình Thu Hoài duy trì trung bình mua 3 - 4 chỉ vàng/tháng.

Ban đầu cặp đôi dự định sau 5 năm kết hôn thì sẽ mang vàng bán đi để lấy tiền mua nhà ở Hà Nội. Nhưng giấc mơ chưa kịp thực hiện thì đến năm 2020, chồng cô phát hiện bị ung thư máu. Dù gia đình 2 bên mang hết tiền tiết kiệm chữa trị song chồng cô không may qua đời.

Sau biến cố lớn ấy, Thu Hoài vẫn còn 18 cây vàng để hai mẹ con ổn định cuộc sống. Thu Hoài bán 1 cây vàng, chuyển về Bắc Ninh sống với bố mẹ một thời gian, đồng thời góp vốn kinh doanh quán cà phê ở Bắc Ninh.

Năm 2023, đúng đợt giá vàng đạt đỉnh, Thu Hoài quyết định bán hết vàng, cộng thêm tiền tiết kiệm và hỗ trợ của bố mẹ, cô đủ tiền mua 1 căn chung cư 2 phòng ngủ để cùng con quay lại Hà Nội học tập, làm việc.

Kinh nghiệm từ người chơi vàng lâu năm: Tháng nào cũng dành tiền mua 1 chỉ, sau này đổi được 2 mảnh đất- Ảnh 3.

Ảnh minh họa

Một trường hợp khác, Thanh Thuý (39 tuổi, kinh doanh, TP.HCM) bắt đầu mua vàng tích lũy vào năm 2007. Thời điểm đó, cô mua nửa chỉ cho đến 1 chỉ mỗi tháng tùy thuộc vào thu nhập. Thói quen này được duy trì cho đến bây giờ. Hàng tháng ít nhất cô mua 1 chỉ vàng, nếu thu nhập “xông xênh” sẽ mua vài cây.

Thanh Thuý tâm sự, lúc đầu mua vàng, vợ chồng cô chỉ nghĩ đến phòng trừ lúc con ốm đau sẽ có khoản dự phòng, không cần vay mượn. Nhưng sau khi có nhiều vàng hơn, cô đặt mục tiêu cho các lần tích lũy sau để mua xe máy tay ga, mua ô tô, mua nhà. Và gần đây, cô đã bán vàng để trả đứt tiền cọc mua nhà là 2,4 tỷ đồng.

Với Thanh Thuý, cô mua vàng với mục đích tiết kiệm và thực hiện các mục tiêu của cuộc đời. Do đó, trong thời điểm giá vàng tăng nhanh, cô không cảm thấy tiếc nuối.

"Có những thời điểm mình vẫn mua vàng và bất động sản nhưng ở dạng lướt sóng. Nguyên tắc đầu tư của mình là chỉ cần chốt lãi ", cô chia sẻ về nguyên tắc đầu tư.

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày