Mới đây, trong một hội nhóm trên MXH, cặp vợ chồng đã thu hút nhiều chú ý với bài đăng chia sẻ về cách tiết kiệm 15 triệu từ tổng thu nhập 30 triệu. Sau 5 năm kết hôn, gia đình họ gồm 3 người, vợ 31 tuổi, chồng 33 tuổi và con 4 tuổi. Hiện, cặp đôi đang sống chung chung cùng với bố mẹ chồng.
Với tổng thu nhập 30 triệu này, họ cho rằng cả nhà vẫn ăn tiêu thoải mái chứ không thuộc dạng dè sản, "bóp mồm bóp miệng". Tuy nhiên, nếu nhìn cụ thể về cách tiết kiệm của gia đình, nhiều người không khỏi nể phục.
Dưới đây là những nguyên tắc tiết kiệm của cặp đôi:
" - Em nghĩ trước hết muốn để được tiền thì thu nhập của hai vợ chồng nên quy về 1 mối. Ai quản lý tiền tốt thì để người đó giữ. Như nhà em là chồng đưa vợ giữ tiền...
- Quan điểm tiêu tiền và mindset mỗi người ảnh hưởng trực tiếp đến việc để dành được nhiều hay ít. Ví dụ nhiều người phải đầu tư cho con học nơi tốt nhất, quần áo mặc đẹp nhất, ăn uống ngon nhất,... Tiền dành cho con có thể lên đến 50-60% tổng thu nhập. Như vậy thì 100% sẽ đủ ăn tiêu chứ không tiết kiệm được đâu ạ.
- Quan điểm nhà em là con ăn đủ chất, ăn cùng người lớn, ông bà bố mẹ ăn gì con ăn đó, vui chơi chạy nhảy, thể chất tốt, ăn nhiều hoa quả rau xanh là ok. Quần áo mặc gọn gàng, sạch sẽ là được.
Trẻ con mau lớn, chỉ mua 1 vài bộ đẹp để đi chơi, hàng ngày đi học hoặc ở nhà thì mặc quần áo bình thường. Vì vậy nên phần chi tiêu của con em khá ít so với bạn bè cùng lứa. Con học trường công gần nhà, quần áo ở nhà tầm 50-60k/bộ. Mỗi mùa 5-7 bộ, sữa 1 ngày 2 hộp 110ml, cai bỉm từ bé, không tốn tiền bỉm. Số tiền lẽ ra dành cho việc mua sữa và quần áo đẹp thì em dùng để mua đồ dùng học tập, học liệu, đồ chơi tư duy cho con.
- Em mở 1 vài thẻ tín dụng. Đi siêu thị mua 1,2 triệu bằng thẻ JCB được tặng voucher 100k. Em đi 2 lần như thế thì sẽ có voucher 200k.
Những lần mua em sẽ mua đồ dùng nhu yếu phẩm: nước giặt, sữa tắm, dầu gội, bánh, sữa cho con, đồ ăn vặt linh tinh. Tất cả đồ khô nên sẽ không sợ thiu thối hỏng gì cả. Để lâu dùng dần vì đằng nào cũng dùng. Voucher 200k thì thêm tiền mua được can dầu 5 lít (canh sale) dùng 2-3 tháng.
- Thẻ tín dụng đi ăn uống ở các trung tâm thương mại cũng được hoàn tiền, lắt nhắt 100-200k cũng ok. Có ai cho mình đâu ạ. 2 lần như vậy là đủ tiền sữa cho con 1 tháng.
- Săn sale Shopee. Canh các đợt sale mua băng vệ sinh, sữa rửa mặt, kem đánh răng, giấy ăn,... thường sẽ có voucher 30k nên mua cái tầm tiền, thành ra mua 1 tặng 1..."
Và thành quả cho những nỗ lực tiết kiệm của cặp đôi là mua được miếng đất hơn 800 triệu đồng và hoàn thành chỉ tiêu 5 năm lần thứ nhất về tài chính. "Hôm nay vợ chồng em đi rút tiền để chuẩn bị đi công chứng lô đất. Vậy là 2 vợ chồng em đã có tài sản riêng, được mua bằng những đồng tiền lao động chăm chỉ của 2 vợ chồng. Vui nhiều lắm mọi người ạ", cô vợ tâm sự.
Bên dưới bài đăng, rất nhiều người đã dành lời khen cho sự vun vén khéo léo của cặp đôi này:
- Bạn giỏi nhỉ. Nói chung kiếm 30 triệu mà vén được 15 triệu là giỏi đó bạn ạ.
- Làm sao mà 30 triệu vén được 15 triệu vậy mọi người? Nhà mình mỗi tháng đã tiêu 25-30 triệu rồi.
- Giỏi thật. Mình cũng kiếm 30 triệu mà đúng bay cái vèo hết.
- Cứ ở chung với ông bà là tha hồ tiết kiệm luôn ấy, bình thường ăn ở chung tháng mình đưa ông bà 3-5 triệu là bao trọn gói luôn rồi, còn lại chi tiêu riêng thôi... Chúc mừng 2 vợ chồng nhé.
- Chúc mừng bạn nha. Ở với ông bà nên cũng đỡ đó. Chứ như vợ chồng mình tự đẻ tự chăm nên khoản vén không được nhiều. Đợt chồng thất nghiệp cũng căng thẳng tài chính lắm chứ mình không tiêu hoang phí.
- Chúc mừng gia đình bạn. Mình mong bọn mình cũng sẽ đạt được mục tiêu giống gia đình bạn.
1/ Nỗ lực tiết kiệm từng khoản chi tiêu
Với gia đình trên, có thể thấy họ cố gắng tiết kiệm bằng nhiều cách, chẳng hạn tận dụng ưu đãi của thẻ tín dụng, săn sale và mua hàng giá cả phải chăng. Tiết kiệm tiền, tính toán kỹ lưỡng từng khoản tiêu dùng là bước đầu tiên để bạn xây dựng nền tảng tài chính vững bền. Nhờ chi khá ít cho chi phí sinh hoạt nên họ còn dư tiền để mua đất và chuẩn bị tài chính để sớm mua về các tài sản khác.
Bên cạnh đó, với các gia đình trẻ thì chuyển về sống cùng với ông bà cũng là 1 cách tiết kiệm tiền khá tốt. Bởi khi đó, bạn có thể được giảm bớt nhiều chi phí, chẳng hạn tiền thuê nhà,... hoặc thậm chí còn được phụ huynh hỗ trợ nhiều khoản tài chính như chăm con, mua thực phẩm,...
2. Thống nhất nguyên tắc tài chính từ đầu
Để quản lý chi tiêu tốt thì cặp đôi nên làm các thoả thuận tài chính. Trong trường hợp của cặp đôi trên, họ đã thống nhất gom thu nhập về một mối, vợ là người giữ tiền vì cô quản lý tiền tốt hơn.
Tài chính không phải là một chủ đề dễ dàng cởi mở trao đổi, đặc biệt là trong quá trình chuẩn bị kết hôn và mới về sống chung một nhà. Tuy nhiên, thoả luận cởi mở về tiền nong là tiền để giúp cả hai có được tiếng nói chung sau này.
Một số nguyên tắc mà các bạn có thể tham khảo để cùng nhau bàn bạc và thống nhất đó là: Ai là người giữ tiền? Có nên gom tiền về chung 1 mối hay mỗi người đều có quỹ riêng? Quỹ chung nên chiếm bao nhiêu phần trăm thu nhập của hai vợ chồng? Ngân sách tài chính nên được phân chia như thế nào?...