Kinh nghiệm từ Hậu Duệ Mặt Trời bản Việt: Đừng nên remake “bom tấn” quá vội vàng

Hằng Nga, Theo Trí Thức Trẻ 19:00 10/10/2018
Chia sẻ

Việc remake lại một “bom tấn” mang tầm cỡ châu Á đồng nghĩa đoàn làm phim Hậu Duệ Mặt Trời bản Việt sẽ phải chấp nhận sự so sánh khó tránh khỏi của người hâm mộ.

Hậu Duệ Mặt Trời bản Việt đã nối dài thêm danh sách những bộ phim truyền hình remake ra mắt trong năm nay. Mức độ quan tâm của khán giả vẫn không ngừng nóng lên qua từng tập phim nhưng chủ yếu là tò mò và… ném đá chứ không phải do nội dung gây sốt. Vậy sau tất cả, điều gì đã khiến Hậu Duệ Mặt Trời bản remake của Việt Nam trở thành "bản sao lỗi" như vậy?

Nhà sản xuất Việt Nam rất biết cách "bắt trend"

Hậu Duệ Mặt Trời từng là cơn sốt màn ảnh nhỏ phủ sóng ở nhiều nước châu Á. Đây vốn là bộ phim đậm chất Hàn Quốc nhưng sức ảnh hưởng của nó đã sớm vượt khỏi biên giới Hàn Quốc và ngày càng lan tỏa mạnh mẽ. Cùng với đó là lợi ích trong việc xuất khẩu văn hóa, quảng bá du lịch mà bộ phim đem lại. Bộ phim có sức ảnh hưởng đến nỗi Thủ tướng Thái Lan cũng kêu gọi người dân nước này xem Hậu Duệ Mặt Trời và sẵn sàng tài trợ chi phí cho đơn vị nào muốn sản xuất một bộ phim tương tự.

Kinh nghiệm từ Hậu Duệ Mặt Trời bản Việt: Đừng nên remake “bom tấn” quá vội vàng - Ảnh 1.

Hậu Duệ Mặt Trời từng gây sốt đình đám ở Hàn Quốc.

Các nhà sản xuất Việt Nam tỏ ra nhanh nhạy và rất biết cách bắt trend khi đem Hậu Duệ Mặt Trời về làm lại. Tuy cơn sốt Hậu Duệ Mặt Trời năm nào cũng đã hạ nhiệt nhưng sức ảnh hưởng của bộ phim vẫn còn. Chính vì thế Hậu Duệ Mặt Trời bản Việt gây được chú ý khi vừa mới công bố thông tin dự án.

Hậu Duệ Mặt Trời bản gốc được đầu tư rất kỹ lưỡng. Kịch bản bộ phim được hoàn thành năm 2011 nhưng mãi đến năm 2016 bộ phim mới chính thức công chiếu. Tổng số tiền đầu tư lên đến 13 tỷ won (tương đương 10,8 triệu USD), với sự góp vốn của Trung Quốc và được quay xong hoàn toàn mới phát hành. Bộ phim có bối cảnh rất hoành tráng, công phu, từ Hàn Quốc đến Hy Lạp. Phim có sự góp mặt của những ngôi sao gạo cội như Song Hye Kyo, Song Joong Ki.

Kinh nghiệm từ Hậu Duệ Mặt Trời bản Việt: Đừng nên remake “bom tấn” quá vội vàng - Ảnh 2.

Các NXS Việt rất nhanh chóng bắt tay vào làm lại.

Trong khi đó bản remake của Việt Nam từ khi bắt đầu bấm máy quay đến thời điểm công chiếu chỉ vỏn vẹn có vài tháng nên không tránh khỏi những sơ suất. Và kết quả như chúng ta đã thấy. Hậu Duệ Mặt Trời của Việt Nam mỗi tập dài chừng 20 phút nhưng trung bình cứ mỗi 5 phút khán giả lại nhặt được một hạt sạn. Sau khoảng hơn chục tập phim, tính sơ sơ cũng được cả rổ sạn.

Làm lại phim nổi tiếng thì bị so sánh là điều đương nhiên

Với khán giả xem phim, nhất là những người đã từng xem Hậu Duệ Mặt Trời bản gốc thật khó để coi bản làm lại của Việt Nam như một bộ phim mới mà không đặt lên bàn cân so sánh. Khi xem một bộ phim thuộc hàng bom tấn, người ta khó có thể chấp nhận một bộ phim làm lại nhưng không bằng.

Tất nhiên khó có thể so sánh điện ảnh Việt với điện ảnh Hàn, dù thế nào cũng vô cùng khập khiễng, nhưng nếu bản remake của Việt Nam được 6, 7 phần so với bản gốc cũng tốt lắm rồi. Đằng này bộ phim của Việt Nam lại kém xa bản gốc mà cái chênh lệch dễ thấy nhất chính là diễn xuất của diễn viên. Nếu như ở bản Hàn, những diễn viên như Song Hye Kyo, Song Joong Ki đều thuộc hàng kỳ cựu, có cả tài lẫn sắc thì dàn diễn viên của Việt Nam như Khả Ngân, Song Luân lại non cả về kỹ năng lẫn kinh nghiệm diễn xuất, họ được biết đến với danh xưng hotboy, hotgirl nhiều hơn là diễn viên.

Kinh nghiệm từ Hậu Duệ Mặt Trời bản Việt: Đừng nên remake “bom tấn” quá vội vàng - Ảnh 3.

Diễn xuất là điều gây tranh cãi nhất Hậu Duệ Mặt Trời.

Một số bộ phim remake khác của Việt Nam, tuy chỉ là bản làm lại nhưng vẫn gặt hái thành công nhất định. Ở mảng điện ảnh có Em Là Bà Nội Của Anh, Tháng Năm Rực Rỡ, mảng truyền hình có Người Phán Xử, Gạo Nếp Gạo Tẻ, Cả Một Đời Ân Oán. Những bộ phim này đều remake những bộ phim ít được biết đến hơn, thời gian phát hành cũng trước đó khá lâu. Một sự thật hiển nhiên là remake phim càng nổi tiếng thì càng bị so sánh nhiều.

Remake một bom tấn từng càn quét cả Châu Á như Hậu Duệ Mặt Trời không hề dễ

Hàn Quốc và Việt Nam có sự khác biệt nhất định về văn hóa, đặc biệt là trong những lĩnh vực đặc thù như quốc phòng. Việc rũ bỏ sạch sẽ mùi kim chi ở kịch bản gốc thêm vào vị mắm tôm cà pháo của dân tộc là điều không hề dễ dàng. Hơn nữa, Hậu Duệ Mặt Trời bản gốc được đầu tư với kinh phí khủng, nhiều đại cảnh hoành tráng, đoàn phim cất công sang tận Hy Lạp để quay, trực thăng xuất hiện như cơm bữa. Rất khó để tái hiện lại những điều đó với sự đầu tư tương đương ở bản làm lại.

Kinh nghiệm từ Hậu Duệ Mặt Trời bản Việt: Đừng nên remake “bom tấn” quá vội vàng - Ảnh 4.

Hậu Duệ Mặt Trời bản gốc có bối cảnh ở đất nước giả tưởng Uruk.

Bối cảnh chủ yếu ở bản gốc là đất nước giả lập Uruk, một quốc gia bất ổn về chính trị, xã hội, cần sự hỗ trợ của Lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc và Hiệp hội bác sĩ không biên giới. Vì là quốc gia giả tưởng nên biên kịch được thả sức sáng tạo, muốn vẽ hươu vẽ vượn gì cũng cũng chẳng sao. Nhưng Hậu Duệ Mặt Trời bản Việt lại khác, lấy bối cảnh 100% ở Việt Nam nên việc bê nguyên xi nhiều chi tiết ở bản gốc vào lại thành ra phi lý.

Chẳng hạn như ngay ở tập một, đội đặc nhiệm hải quân nước Đi-men tiến vào vùng lãnh hải Việt Nam để giải cứu tàu bị cướp biển mà không hề xin phép, thậm chí còn đụng độ với lực lượng chấp pháp của Việt Nam. Điều này nếu xảy ra trong thực tế có thể dẫn đến một sự cố ngoại giao mang tầm cỡ quốc tế. Hay như ở tập 10, ngay trên lãnh thổ Việt Nam mà một số tay vệ sĩ của một tên tài phiệt nước ngoài lại hiên ngang mang vũ khí vào phòng bệnh, thậm chí còn chĩa súng dọa bắn các bác sĩ và quân nhân.

Kinh nghiệm từ Hậu Duệ Mặt Trời bản Việt: Đừng nên remake “bom tấn” quá vội vàng - Ảnh 5.

Cảnh chĩa súng trong tập 10 được xem là rất vô lý.

Việc chuyển ngữ kịch bản sơ sài, cẩu thả, cùng với sự thiếu kiến thức căn bản về lĩnh vực quốc phòng đã dẫn đến những lỗi sai khá ngớ ngẩn trong phim. Những người trong ngành quân đội hẳn sẽ thấy khó chịu khi hình ảnh người chiến sĩ trên phim lại được tô vẽ quá đà, không sát với thực tế như vậy.

Sau tất cả, liệu bao giờ chúng ta mới có thể xem một bộ phim Việt với cảm giác tự hào thay vì tâm thế ủng hộ? Đến bao giờ khán giả mới có thể ngừng an ủi nhau "phim Việt thế này là được rồi?" Chúng ta còn có thể làm tốt hơn thế mà phải không?

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày