Cua ẩn sĩ (Paguroidea) là một loài giáp xác thường gặp trong tự nhiên. Chúng tuy có vỏ nhưng phần bụng lại đặc biệt dài, cong và mềm. Để bảo vệ nửa dưới yếu ớt này, cua ẩn sĩ thường tìm chọn một vỏ ốc rỗng, vừa vặn với thân mình mà chui vào ở.
Đa dạng và đông đúc
Trên thế giới có khoảng 1100 loài cua ẩn sĩ khác nhau. Có loài chỉ nhỏ vài milimet, cũng có loài cực lớn, đến nỗi được phong làm động vật không xương sống lớn nhất trên cạn.
Loài cua ẩn sĩ lớn nhất là cua dừa (Birgus latro). Tuy nhiên khác với đa phần cua ký cư cả đời kéo lê theo cái vỏ ốc, cua dừa chỉ dùng "nhà tạm" khi còn nhỏ. Lúc trưởng thành, cái bụng vốn dễ bị tổn thương của chúng đã trở nên cứng cáp, không cần phải sử dụng hình thức bảo vệ nặng nhọc nữa.
Cua dừa - loài cua ẩn sĩ lớn nhất thế giới
Môi trường sống của cua ẩn sĩ được chia thành 2 nhóm: nhóm trên cạn và nhóm dưới nước. Cua ẩn sĩ trên cạn ít đa dạng hơn, chỉ bao gồm khoảng 15 loài, và vẫn cần vị trí sinh tồn ẩm ướt. Vì chúng độc đáo và cũng khá đáng yêu nên đôi loài còn được ưa chuộng, nuôi giữ như thú cưng, ví dụ như cua Úc (Coenobita variabilis) và cua Ecuador (Coenobita compressus).
Nhóm dưới nước chiếm phần đông dân số và chủng loại, song chỉ có duy nhất một loài là cua ẩn sĩ Clibanarius fonticola sống được trong nước ngọt. Còn lại đều sinh trưởng ở môi trường nước mặn.
Cả đời lo chuyển nhà
Vì chiếc vỏ ốc sẽ không thay đổi kích thước theo sự phát triển của con cua ký cư nên với kẻ ở tạm, "cái nhà" sẽ sớm thành ra chật chội. Để tiếp tục sinh tồn, cua ẩn sĩ buộc phải tìm ra vỏ ốc mới thích hợp hơn.
Tại những nơi giàu có vỏ ốc, việc "thay nhà" khá thoải mái. Nhưng ở những nơi khan hiếm, đó thật sự là một cuộc chiến. Chúng có thể phải ẩu đả đến mức một mất một còn để giành giật "nhà".
Thú vị là ngoại trừ cách đánh nhau sống chết ra, cua ký cư còn có một kiểu "nhường nhà" tập thể rất ấn tượng. Nó xảy ra khi một con cần "chuyển nhà" bắt gặp một cái vỏ ưng ý nhưng lại quá lớn, không thích hợp dọn vào ở luôn. Con cua này tuy tiếc rẻ, song lại nghĩ ra một chiến thuật mới. Đó là nằm chờ con cua khác vừa với cái vỏ ấy đến.
Sớm thôi, những con cua ký cư cần "đổi nhà" giống như con cua nọ sẽ vây quanh cái vỏ. Có lúc, chúng tạo thành tập hợp nằm chờ lên đến cả 20 cá thể, xếp thành hàng dài theo thứ tự kích thước nhỏ dần đều.
Khi con cua vừa vặn với "cái nhà mới" nhất xuất hiện, hạnh phúc bỏ cái vỏ cũ của mình mà chuyển vào, những con còn lại cũng hành động. Con lớn nhất thứ hai bò tới, chiếm cái vỏ vừa mới bị bỏ không. Tất nhiên, cái vỏ mà nó để trống cũng trở thành "nhà" cho con kế tiếp. Cứ thế, việc "sang nhà" dời dần đến cuối hàng, cho tới con cua ký cư bé nhất.
Lựa chọn kinh dị
Mặc dù vỏ ốc là lựa chọn phổ biến của cua ẩn sĩ, song có vẻ như nguyên nhân chỉ đơn thuần là vì trong thế giới tự nhiên, ngoài vỏ ốc ra cũng chẳng còn thứ gì khác thích hợp hơn.
Kỳ thực thì nhà cua ẩn sĩ không kén chọn gì lắm. Miễn là thứ vừa vặn với cơ thể, đảm bảo bảo vệ được cái bụng là chúng tận dụng hết. Thế nên trong thời đại rác nhựa ngày nay, khi mà cả trên cạn lẫn dưới biển đều ngập ngụa rác nhựa, nhà cua ký cư lại vớ bở. So với vỏ ốc nặng nề, "nhà nhựa" vừa nhẹ nhàng, dễ tha lôi lại vừa vẫn đảm bảo an toàn.
Rác nhựa với cua ẩn sĩ lại là một may mắn sinh tồn
Kinh dị hơn cả là khi cua ẩn sĩ "lượm" được cái đầu búp bê trẻ con bị hỏng. Nắng gió, nước nôi khiến lớp nhựa bị ăn mòn, bong tróc, làm cho hình ảnh em bé dễ thương đột ngột thành ra đáng sợ, rùng rợn như một phân cảnh trong phim ma.
Nhưng đôi khi là cực kinh dị
Còn hầu hết các kiểu "nhà nhựa" khác như hũ mỹ phẩm, hộp nhựa, nắp chai… thì chỉ khiến chúng nhìn hài hài.
Tham khảo: Momtastic