Với quan niệm “có thờ có thiêng, có kiêng có lành”, người Việt trong ngày đầu năm tránh những điều không tốt, để mọi chuyện suôn sẻ, tốt đẹp, cả năm sẽ may mắn, hanh thông.
Đối với học sinh, sinh viên cũng có những điều ngày Tết không nên làm để năm 2019 học hành tấn tới, thuận lợi, thi cử gặp nhiều may mắn.
Theo quan niệm truyền thống của người Việt, quét dọn nhà cửa trong ngày này là quét hết tài lộc trong năm mới ra khỏi nhà. Do đó, từ xa xưa đã lưu truyền điều kiêng kỵ ngày Tết là không quét và không đổ rác trong ngày mùng Một Tết. Do vậy, ngày 30 Tết, dù bận rộn đến đâu mọi người cũng phải dọn dẹp nhà cửa, không vứt rác bừa bãi.
Ngày đầu năm, người Việt rất kiêng kỵ việc vay mượn, kể cả cho vay hay đi vay, đòi nợ hay trả nợ, dù là tiền bạc hay đồ vật vì sẽ bị "giông" cả năm. Đi vay đầu năm là điềm báo sẽ túng thiếu cả năm, cho vay đầu năm sẽ khiến tiền bạc phân tán, đòi nợ đầu năm dễ gây mất hòa khí và khiến người đi đòi cả năm sẽ mệt mỏi chạy theo con nợ, trả nợ đầu năm chẳng khác gì đem lộc nhà ra khỏi nhà.
Ngày đầu năm,người Việt luôn tránh những ngôn ngữ, hành động có thể đem lại sự không may, còn gọi là nói giông hoặc nói xui như: “Chết rồi!” hay “Tiêu rồi!”.
Chúng ta cũng không nên chửi mắng nhau để tránh mất hoà khí, xui đuổi lộc phát.
Theo cha ông ta, bát đĩa tượng trưng cho gia đình, vì thế, trong những ngày Tết không được đánh vỡ bát đĩa, ấm chén để tránh cãi nhau, tránh những điều không vui xảy ra với gia đình mình.
Lửa đỏ tượng trưng cho may mắn, vì thế, cho lửa đầu năm chẳng khác nào đem may mắn của mình đi cho người khác nên không ai muốn cho lửa vào ngày đầu năm.
Điều nay vẫn còn nhiều tranh cãi, tuy nhiên theo cha ông ta, màu sắc trang phục ngày Tết phải là những màu giàu sức sống, tươi vui mang ý nghĩa mới mẻ, mạnh khỏe như màu đỏ, màu vàng,…
Màu đen thì có phần u ám và không phù hợp với không khí và là màu kiêng kị trong ngày Tết.