Số đông người trẻ cho rằng thế hệ cha mẹ không còn nhạy bén trong kinh doanh. Thế nhưng, thực tế vẫn có nhiều phụ huynh kiếm được lợi nhuận lớn hơn cả con cái, dựa vào kinh nghiệm và bản lĩnh buôn bán nhiều năm. Như trường hợp của cô Cẩm (54 tuổi), đang sống ở vùng ngoại thành Hà Nội là ví dụ.
Cô Cẩm cho biết, từ người thân cho đến bạn bè, ai cũng đều biết cô là người có "máu kinh doanh". Ở tuổi 54, gia đình cô Cẩm không thiếu thốn kinh tế khi hai người con đều có sự nghiệp ổn định, có nhà và xe ở Hà Nội. Nhưng cô Cẩm vẫn một tay làm 3 công việc: Dạy học, bán trà chanh kết hợp bán đồ dùng học tập.
Cách đây 28 năm, cô Cẩm bắt đầu mở hàng bán nước mía, sau đó chuyển sang bán chè thập cẩm rồi gần nhất là bán trà chanh. Trước khi mở cửa hàng đầu tiên, trong tay cô gần như không có kinh nghiệm kinh doanh hay pha chế nước uống. Thứ duy nhất cô sở hữu là một ít tiền tích luỹ và gia đình nhỏ 4 người lấy làm động lực.
"Thời gian đầu quyết định mở cửa hàng là do hoàn cảnh kinh tế không dư dả, mình làm cùng chồng để nuôi con. Cũng may trong thời buổi giá đất rẻ, nhà cô đã kịp mua một miếng gần sát mặt đường, vừa xây nhà vừa làm quán bán hàng.
Mỗi lần chuyển sang bán đồ uống, thức ăn khác đều vì cô để ý xung quanh, khách hàng đang muốn ăn, muốn uống cái gì. Sau đó, mình đi học thêm pha chế bằng cách thuê người dạy, cũng có khi xem video trên mạng".
Gần 30 năm mở quán nước, khó khăn đến với cô Cẩm không ít. Cô gặp thua lỗ, thất bại trong kinh doanh cũng nhiều. Song nhiệt huyết của cô với nghề chưa bao giờ vơi bớt.
"Làm ăn thì ắt có thua lỗ. Có tháng nhà cô bán lãi, nhưng cũng có tháng tiền gốc bán hàng gần như mất sạch. Cô chấp nhận thua lỗ, vì thấy khoản rủi ro còn nằm trong ngưỡng chấp nhận được. Chứ mất vài ba đồng rồi tính đến chuyện đóng quán thì cửa hàng nhà cô đã chẳng thể mở nổi mấy chục năm nay.
Thời điểm khiến cô nản nhất không phải là những lúc mình mất tiền. Mà đó là năm con gái 3 tuổi, cô đang làm thì cánh tay bị vướng vào máy ép. Nằm ở viện cô tưởng mình mất tay đến nơi, nhưng may là bác sĩ giữ lại được. Đến bây giờ cánh tay cô vẫn còn tê, nhất là vào thời điểm trời trở gió vì di chứng của vết mổ. Nhưng không vì thế mình có 'bóng ma tâm lý' hay nảy sinh suy nghĩ từ bỏ buôn bán.
Cô thấy giới trẻ bây giờ làm nặng nhọc hay có rủi ro một chút là muốn bỏ cuộc. Điều này là không nên. Một là mình không làm, hai là nếu đã làm thì phải theo đuổi đến cùng", cô Cẩm nói.
Trải qua hàng chục năm buôn bán, kết hợp quan sát người xung quanh, cô Cẩm nhận định: Người ở thế hệ cô, muốn giàu nhanh thì nên đi "làm chủ".
"Nói 'làm chủ' ở đây không phải cái gì quá to tát. Nó có nghĩa là mình mở cửa hàng riêng, tự đứng ra bán và thu lợi nhuận. Làm chủ khác với làm thuê bởi mình không cần phân chia lợi nhuận cho nhiều bên. Nói đơn giản, mình làm đến đâu, hưởng đến đó.
Nếu bạn có đầu óc, bạn có thể kinh doanh bất động sản, nhà và xe - những tài sản lớn cho chóng giàu. Nhưng cô sợ rủi ro, cũng không có nhiều kiến thức nên chỉ chọn bán đồ ăn nước uống thôi", cô Cẩm chia sẻ.
Cách đây 3 năm, cô Cẩm chỉ thu được khoảng 14 triệu đồng lợi nhuận hàng tháng từ cửa hàng. Thời điểm đó, cô vẫn bán chè thập cẩm và đồ uống đóng chai. Tuy nhiên, gần 1 năm sau khi chuyển mô hình sang bán trà chanh, số tiền cô kiếm được dao động khoảng 30 - 50 triệu đồng/tháng.
Từ bỏ bán chè thập cẩm và đồ uống đóng chai, cô Cẩm tăng lợi nhuận gấp 3 lần (Ảnh minh hoạ)
Cô Cẩm cho biết bí quyết gia tăng lợi nhuận của mình gói gọn trong vài nguyên tắc sau:
1. Không ngừng đổi mới mô hình kinh doanh
Cô Cẩm thấy bản thân tuổi tác đã cao, song không vì thế sự nhạy bén trong kinh doanh của cô sụt giảm. Mà theo cô nói, một trong những nhân tố chính khiến thu nhập tăng nhanh là chuyển từ bán chè thập cẩm sang bán trà chanh - thức uống đang được giới trẻ ưa chuộng.
"Từ bán nước mía, chuyển sang chè thập cẩm rồi đến trà chanh, mình phải quan sát dân tình đang chuộng đồ gì. Tất nhiên không phải là thấy người ta bán gì hot, mình cũng chuyển sang bán theo mà cần có sự nghiên cứu kỹ lưỡng.
Ví dụ thời điểm cô chọn bán trà chanh là vì thấy người trẻ thành phố chuộng thức uống này, còn ở vùng ngoại thành của cô chưa có. Trà chanh có giá nguyên vật liệu khá rẻ, nếu thua lỗ thì mình vẫn có thể chấp nhận được", cô Cẩm cho biết thêm.
Cô Cẩm cũng nhận định, trong kinh doanh không nên có tư duy "bảo thủ". Thời điểm con gái khuyên nhủ chuyển sang bán trà chanh, cô cũng từng do dự vì đã mở cửa hàng chè thập cẩm được hơn hai chục năm.
"Thời điểm đó, mình thấy hàng chè của mình vẫn tốt, khách hàng cũng có. Chỉ có điều, cô thấy lợi nhuận ngày càng giảm bớt.
Đến lúc con gái dẫn đi uống trà chanh, cô thấy thứ nước này nhạt, không đậm vị bằng món chè của mình. Nhưng con gái cô phân tích, chè của mẹ giờ đã quá ngọt so với khẩu vị giới trẻ. Giờ tụi nhỏ chuộng thứ nước thanh mát, uống vào là thấy có cảm giác mát mẻ này hơn. Vậy là cô bắt đầu nghiên cứu chuyển sang bán trà chanh. Vì khi bán hàng, điều quan trọng không phải mình thấy sản phẩm có ngon hay không, mà là ở cảm nhận của khách".
Bên cạnh đó, cô Cẩm cũng cho rằng sự thay đổi tư duy còn đến từ việc mình quan tâm đến trang trí cửa hàng và quảng bá hiệu quả tới khách hàng.
Theo đó, cô chuyển sang bán trà chanh là từ cách đây khoảng 3 năm. Khi đó, quán cô vẫn không thu về được nhiều lợi nhuận bởi còn chịu ảnh hưởng của dịch Covid-19. Sau khi dịch bệnh qua đi, cô đầu tư tiền trang trí cửa hàng, từ đó thu hút nhiều khách hàng mới.
Cô Cẩm chia sẻ: "Kinh doanh thời hiện đại, mình phải để ý từng vấn đề nhỏ, chẳng hạn mặt bằng quán có hút mắt người trẻ hay không. Thời điểm bán chè thập cẩm, cô không đầu tư trang trí vì khách hàng chủ yếu là người lớn tuổi. Khi đó, cô nghĩ đơn giản mình chỉ cần cung cấp chỗ ngồi mát mẻ, rộng rãi cho khách là được.
Nhưng sau khi chuyển sang bán hàng cho giới trẻ, nghe theo lời khuyên của con, cô chi 20 triệu đồng sửa lại mặt bằng nhà, mua thêm bàn ghế, quầy thu ngân và đồ trang trí. Hiệu quả sinh lời thấy được ngay trong thời gian ngắn".
Mặt khác, nếu như trước kia, cô Cẩm nghĩ rằng chỉ cần sản phẩm chất lượng, khách hàng sẽ tự kéo đến, thì giờ cô nhận ra, nếu biết cách quảng bá hiệu quả, lợi nhuận thu về sẽ lớn hơn nhiều.
"Tất nhiên sản phẩm tốt vẫn là yếu tố quan trọng nhất để mình 'níu chân' khách. Nhưng bên cạnh đó, mình cũng cần biết quảng bá hình ảnh. Cô nhờ con mở Fanpage trên mạng xã hội, sau đó bản thân cũng thường xuyên đăng bài, tụi trẻ nhìn thấy hình ảnh quán đẹp, đồ ăn ngon thì sẽ giới thiệu người này người kia đến với quán mình".
2. Không ngại rủi ro
Cô Cẩm chia sẻ, khi kinh doanh bất kỳ mặt hàng nào, bạn hãy chấp nhận sẽ luôn có ít nhiều rủi ro. Và sau khi gặp thất bại, bạn không nên bỏ cuộc quá sớm mà bỏ lỡ cơ hội kiếm tiền.
"Cách đây 3 năm, cô mở quán trà chanh với số vốn 60 triệu đồng. Nhiều người xung quanh bảo cô đang bán chè thập cẩm tốt, sao lại dành tiền bán cái khác. Nhưng cô nghĩ, nếu thua lỗ mình cũng chỉ mất 60 triệu đồng. Còn nếu không làm thì mình đánh mất cơ hội kiếm tiền bản thân thấy tiềm năng.
Và quả thật sau đó, quán cô thua lỗ thật. Nhưng cô không từ bỏ. Nhờ làm ăn thất bại, cô biết quán mình đang yếu cái gì và tìm cách bù đắp thiếu sót ở lần mở quán gần nhất", cô Cẩm nhớ lại.
Sau cùng, cô Cẩm chia sẻ trong trường hợp cần thiết, đừng ngại ngần việc thuê thêm người làm cùng để mở rộng quy mô kinh doanh.
"Với một người ở quê và nhiều tuổi như cô, việc bỏ 5-6 triệu đồng mỗi tháng để thuê người làm là khoản chi phí cần phải suy nghĩ. Có thời điểm, cô thấy sức khoẻ mình yếu đi, hay cáu gắt vì vừa đi dạy, vừa bán hàng. Nhưng mọi chuyện được giải quyết khi cô thuê thêm người làm. Mình vừa có thời gian nghỉ ngơi, lại còn vừa mở rộng được quy mô buôn bán", cô Cẩm chia sẻ.