Khu chợ kỳ lạ bày bán giữa lòng đường, ngỡ vi phạm pháp luật nhưng lại là giải pháp cực hay mùa giãn cách

L.T., Theo Pháp luật & Bạn đọc 22:50 15/07/2021

Những ngày tháng 4 năm 2020, mạng xã hội lan truyền bức ảnh cho thấy một khu chợ kỳ lạ khi người bán bày la liệt hàng hóa ra giữa phố. Điều đáng chú ý hơn cả là mỗi người chỉ được phép ngồi trong những ô vuông kẻ sẵn ở khoảng cách đều tăm tắp.

Njeri Harris thích cầm và cảm nhận những sản phẩm mà cô mua thường xuyên tại Chợ Nông sản Công viên Clark, hoạt động quanh năm ở Tây Philadelphia (Mỹ). Nông dân và những người bán thực phẩm ở chợ thường trưng bày các mặt hàng của họ cho những người đi ngang qua ngửi và thậm chí thử - trái cây tươi, rau, hoa, trứng, sữa, nấm, bánh nướng và rượu vang - được sản xuất ngay tại Pennsylvania.

Nhưng khi đại dịch Covid-19 ập đến từ đầu 2020, Harris phải lựa chọn đồ cần mua từ xa. Chẳng được cầm tận tay hay ngửi hoặc nếm như trước nữa. “Đây là rau gì? Đây có phải là màu xanh của bồ công anh không?", Harris hỏi người bán hàng từ phía sau hàng rào cách bàn bày bán khoảng 1,8m. "Bán cho tôi một mớ được không?".

Khu chợ kỳ lạ bày bán giữa lòng đường, ngỡ vi phạm pháp luật nhưng lại là giải pháp cực hay mùa giãn cách - Ảnh 1.

Một khu chợ nông sản ở Mỹ thời giãn cách

Đó là cách người dân Mỹ và cả nhiều nơi trên thế giới duy trì hoạt động buôn bán nông sản ngoài trời nhưng vẫn đảm bảo giãn cách xã hội, tránh gây áp lực lên các siêu thị, cửa hàng tiện lợi hoặc trung tâm thương mại.

Cái khó ló cái khôn

Những ngày tháng 4 năm 2020, mạng xã hội lan truyền bức ảnh cho thấy một khu chợ kỳ lạ khi người bán bày la liệt hàng hóa ra giữa phố. Điều đáng chú ý hơn cả là mỗi người chỉ được phép ngồi trong những ô vuông kẻ sẵn ở khoảng cách đều tăm tắp. Dân mạng truyền tay nhau bức ảnh và cho rằng nó được chụp ở Mizoram, phía Đông Bắc Ấn Độ, đồng thời bày tỏ lời khen ngợi ý tưởng cực hay này để duy trì hoạt động mua bán ngoài trời mà vẫn đảm bảo giãn cách trong thời Covid-19.

Khu chợ kỳ lạ bày bán giữa lòng đường, ngỡ vi phạm pháp luật nhưng lại là giải pháp cực hay mùa giãn cách - Ảnh 2.

Bức ảnh kỳ lạ người dân bày hàng bán giữa đường phố, giải pháp cực hay mùa giãn cách xã hội

Tuy nhiên, tờ tin tức Irrawaddy cho hay bức ảnh thực chất được chụp ở thị trấn du lịch Kalaw ở phía Nam bang Shan, Myanmar. Các quan chức ở đó đã đưa ra một ý tưởng đơn giản và sáng tạo: Một con đường đã được chia thành nhiều đoạn với các vạch kẻ rõ ràng để giữ cho mỗi người bán cách nhau 1,8 mét đồng thời cho phép người mua hàng giữ khoảng cách thích hợp để chọn mua sản phẩm.

Khu chợ kỳ lạ bày bán giữa lòng đường, ngỡ vi phạm pháp luật nhưng lại là giải pháp cực hay mùa giãn cách - Ảnh 3.

Daw Pyone Kathy Naing, nhà lập pháp của Liên đoàn Dân chủ Quốc gia ở khu vực thị trấn Kalaw, nói về "đứa con tinh thần" của mình: “Mục đích chính là tránh làm gián đoạn dòng chảy thương mại thông thường đồng thời vẫn cho phép nông dân và nhà cung cấp địa phương bán sản phẩm của họ ở một khoảng cách an toàn".

Cô cho biết ý tưởng này bắt nguồn từ khi cô xem dữ liệu của chính phủ cho thấy sẽ tốn bao nhiêu tiền để cung cấp thực phẩm cơ bản cho người nghèo trong những ngày lễ Thingyan.

Dữ liệu cho thấy chỉ riêng thị trấn Kalaw sẽ tiêu tốn khoảng 120 triệu kyats (hơn 1,9 tỷ đồng) một ngày”, cô nói, đồng thời giải thích rằng chính phủ đơn giản là không đủ khả năng hỗ trợ tất cả cư dân địa phương khi ra lệnh phong tỏa trên toàn quốc.

Khu chợ kỳ lạ bày bán giữa lòng đường, ngỡ vi phạm pháp luật nhưng lại là giải pháp cực hay mùa giãn cách - Ảnh 4.

"Những người bán thực phẩm thiết yếu ở địa phương không thể ở nhà mãi được. Do đó chúng tôi đã nghĩ ra một cách thay thế để duy trì công việc hàng ngày của họ, trong điều kiện đảm bảo an toàn", Naing nói thêm.

Kể từ ngày 18 tháng 4 năm 2020, chợ Kalaw Myoma mở cửa từ 6 giờ sáng đến 10 giờ sáng, đóng cửa vào ngày thứ 5 hàng tuần. Tất cả các nhà cung cấp thực phẩm, hàng nông sản, phải là cư dân của thị trấn Kalaw.

Được truyền cảm hứng từ ý tưởng này, các nhà chức trách ở thị trấn Pantanaw của vùng Ayeyarwady và Myawaddy ở bang Karen (Myanmar) cũng đã làm theo. Những hình ảnh về các ngôi chợ đặc biệt ở sân vận động, trên đường phố, công viên... đã được chia sẻ rộng rãi trên Facebook.

Khu chợ kỳ lạ bày bán giữa lòng đường, ngỡ vi phạm pháp luật nhưng lại là giải pháp cực hay mùa giãn cách - Ảnh 5.
Khu chợ kỳ lạ bày bán giữa lòng đường, ngỡ vi phạm pháp luật nhưng lại là giải pháp cực hay mùa giãn cách - Ảnh 6.

Lợi đủ đường

Tháng 4 năm 2020, trả lời kênh truyền thông Whyy, các chuyên gia y tế ở Mỹ cho biết các quy định mới đã khiến chợ nông sản ngoài trời (Outdoor Farmers’ Markets) trở thành một trong những nơi "an toàn nhất" để mua sắm thực phẩm trong thời Covid-19.

Yvonne Michael, một nhà dịch tễ học tại Trường Y tế Công cộng thuộc Đại học Drexel, cho biết: “Có một số lợi ích khi đến mua thực phẩm ở chợ nông sản (thay vì vào siêu thị) vì bạn đang ở bên ngoài, có không khí trong lành luân chuyển và chuỗi cung ứng ngắn hơn”.

Michael cho biết còn quá sớm để chứng minh một cách khoa học liệu các chợ nông sản có an toàn hơn các cửa hàng tạp hóa hay siêu thị không. Nhưng với các quy định nghiêm ngặt mà người mua, người bán đang tuân theo, khung cảnh ngoài trời và thực tế là thực phẩm được chuyển trực tiếp từ người trồng hoặc người sản xuất đến khách hàng (do đó, ít trung gian hơn so với các cửa hàng tạp hóa lớn) cho thấy chợ nông sản an toàn hơn.

Khu chợ kỳ lạ bày bán giữa lòng đường, ngỡ vi phạm pháp luật nhưng lại là giải pháp cực hay mùa giãn cách - Ảnh 7.

Michael nói: “Dù sao cũng có rất nhiều lợi ích tốt cho sức khỏe cộng đồng đối với các chợ nông sản ngoài trời, vì vậy tôi chắc chắn sẽ khuyến khích mọi người nên đi chợ ngoài trời trong thời gian đại dịch Covid-19 có nhiều phức tạp".

“Khi tôi mua sắm ở chợ nông sản, nông sản tươi hơn rất nhiều, để được lâu hơn trong tủ lạnh, vì vậy tôi cảm thấy mình thu được nhiều lợi nhuận hơn”, Harris nói. “Hiện tại tôi đang thất nghiệp… Đây là một cơ hội tuyệt vời để ra ngoài và tận hưởng không khí trong lành và cũng là để hỗ trợ nông dân địa phương”.

Aaron Huntley, một khách hàng thường xuyên mua tại Clark Park đồng thời là một y tá làm việc tại Trung tâm Y tế Penn Presbyterian, cũng đồng ý với quan điểm trên.

“Nó gần nhà tôi, rất dễ dàng, nó hỗ trợ những người nông dân trong cộng đồng”, Aaron Huntly nói. "Và tôi thích mua các sản phẩm thực phẩm ở chợ ngoài trời hơn là ở trong một không gian kín gần những người khác".

Những người bán hàng như Matthew Sicher, người đã mất 80% doanh thu vì đại dịch, cho biết những khách hàng ở chợ nông sản đã đóng vai trò quan trọng trong việc giữ cho gia đình anh duy trì cuộc sống trong thời gian dịch bệnh hoành hành.

Giáo sư Marty Makary - chuyên về chính sách y tế của trường Johns Hopkins School of Public Health khẳng định trong bài viết trên tờ New York Times: "Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng hoạt động ngoài trời với khoảng cách thích hợp sẽ có nguy cơ lây nhiễm thấp hơn so với ở trong nhà".

Nguồn: Whyy, Irrawaddy