Bên trong nhà tù Mazar-i-Sharif
Bị giam cùng những tù nhân phạm tội giết người
Trước đó, Bahara đã trốn khỏi nhà để gặp mặt một người đàn ông xa lạ. Mặc dù hai người chưa từng gặp, nhưng họ liên lạc với nhau thông qua các cuộc điện thoại và tin nhắn. Đêm đó, khi hai người gặp nhau lần đầu tiên, anh ta đã cưỡng hiếp cô. Nhưng khi Bahara trình báo cảnh sát về vụ cưỡng hiếp, cô được đưa tới bệnh viện để kiểm tra trinh tiết - vốn bị cấm ở Afghanistan vào năm 2016. “Tôi cầu xin họ đừng đưa tôi đi. Nhưng họ không nghe”, Bahara nói, “Tôi tưởng bác sĩ sẽ đưa tôi đến chỗ riêng tư để kiểm tra. Nhưng họ làm việc này trong một căn phòng đông người - bác sĩ, y tá, người đến khám và các bệnh nhân khác. Lúc đó, tôi chỉ muốn chết đi cho xong”. Sau khi được một bác sĩ nữ kiểm tra, Bahara được nói rằng cô cần phải trải qua một cuộc kiểm tra nữa.
Bahara bây giờ đã là một tù nhân tại nhà tù Mazar-i-Sharif được canh phòng cẩn mật ở tỉnh Balkh. Nhiều phụ nữ đã bị giam giữ ở đây vì “phạm tội đạo đức”, bao gồm chạy trốn khỏi nhà và quan hệ tình dục trước hôn nhân. Hầu hết phải trải qua các cuộc kiểm tra trinh tiết và nhiều phụ nữ sẽ phải ngồi tù hàng tháng vì không vượt qua được cuộc kiểm tra. Điều đáng nói là họ lại bị tống giam cùng những tù nhân bị kết tội giết người.
“Việc kiểm tra trinh tiết không chỉ có tác động tâm lý tiêu cực đối với trẻ em gái và phụ nữ. Đây là một hành động nguy hiểm, mà trong một số trường hợp gây ra đau đớn thể chất, gây tổn hại màng trinh, chảy máu và nhiễm trùng”, Tổ chức khoa học pháp y Afghanistan, một tổ chức phi chính phủ, cho biết.
Giờ đây, các nhà vận động hy vọng rằng, việc thông qua chính sách y tế công cộng cấm kiểm tra trinh tiết trong các bệnh viện và phòng khám sẽ mang lại sự thay đổi lớn. Việc kiểm tra này bị lên án là làm mất danh dự và phân biệt đối xử. Mặc dù chính thức bị cấm vào năm 2016, nhưng điều đó không ngăn được cảnh sát đưa phụ nữ và các bé gái tới các bệnh viện và phòng khám để tiến hành kiểm tra.
Lo sợ bị kỳ thị
Tại nhà tù Mazar-i-Sharif, trong một khoảng sân nhỏ nồng nặc mùi thuốc lá, phụ nữ trò chuyện qua điện thoại, giặt quần áo. Bên trong, một nữ chuyên gia tâm lý dẫn đầu một buổi trị liệu nhóm, do Marie Stopes International tổ chức. Sau khi chính sách mới được công bố, Marie Stopes, với nguồn tài trợ từ Chính phủ Thụy Điển, sẽ làm việc với các chuyên gia y tế ở mọi tỉnh của Afghanistan để đảm bảo họ biết về lệnh cấm và thực hiện nó.
Các buổi trị liệu nhóm diễn ra hai lần mỗi tuần tại nhà tù là cơ hội để phụ nữ chia sẻ cảm xúc của họ về việc họ bị đưa vào tù như thế nào, xây dựng lòng tin và thảo luận về những hy vọng và nỗi sợ của họ trong tương lai. Căn phòng được trang trí với các bức vẽ gửi gắm nguyện vọng của họ cho cuộc sống sau khi mãn hạn tù.
Mặc dù cuối cùng họ cũng sẽ rời khỏi nhà tù, nhưng sự kỳ thị đối với tội danh của họ vẫn còn. Bahara khao khát được tự do, nhưng cô sợ những gì đang chờ ở bên ngoài. “Tôi không chắc mình có thể tái hòa nhập xã hội và trở lại sống một cuộc sống bình thường hay không.
Việc tôi ở đây đã làm phá hỏng danh tiếng của gia đình tôi và tôi thực sự lo sợ cha tôi có thể giết tôi khi tôi ra tù”, cô nói. Mặc dù vậy, cô vẫn cố gắng giữ cho mình quan điểm tích cực. “Tôi hy vọng và thực sự chờ đợi ngày được gặp lại gia đình và ôm mẹ tôi, bởi vì tôi rất nhớ bà. Trong tương lai, tôi mong muốn tiếp tục được đi học và trở thành giáo viên để giảng dạy cho các em học sinh, đặc biệt là các bé gái, để họ không phải đối mặt với những gì tôi trải qua trong cuộc đời mình”.