Các tỉnh miền núi phía Bắc Việt Nam vốn có rất nhiều đặc sản lạ lùng, thậm chí có phần... khó hiểu và khó tin. Đôi khi, có những món mà chẳng ai ngờ được rằng nó lại là đặc sản của cả một vùng. Điển hình như ở khu vực Mường La (Sơn La), đồng bào dân tộc Thái có hẳn 4 món được mệnh danh là "tứ đại đặc sản" với câu miêu tả nói về chúng cũng rất gây chú ý: "nhất thối, nhì hôi, tam ghê, tứ gớm". Vậy 4 món đặc sản đó là gì mà lại có tên gọi đặc biệt đến vậy?
Được xếp đầu tiên trong "tứ đại đặc sản" của Mường La, món thịt thối được cho là ngon nhất và cách làm cũng cầu kì nhất. Người ta sử dụng thịt lợn hoặc bò đem phơi qua vài nắng rồi tẩm với nước của một loại rau thơm. Sau đó, thịt được bỏ vào chum, rắc một ít muối lên trên. Vì không có nhiều muốn nên sau khi được ủ kín thì thịt sẽ bắt đầu phân huỷ, riêng phần thịt chín bởi ánh nắng sẽ đóng cục lại. Ủ như vậy khoảng 10 ngày thì người ta sẽ mở ra, cho thêm một ít thảo dược vào là được.
Món thịt thối này thường chỉ được mang ra ăn khi có dịp đặc biệt hay tiếp khách quý. Thịt thối có thể chế biến thành món ăn bằng cách nấu với rêu suối hoặc rau rừng, ăn kèm với lá sung...
Ở nhiều nơi, bọ xít cũng được sử dụng làm món ăn nhưng ở Mường La thì món này đặc biệt hơn bởi đó là bọ xít rừng nên có mùi hôi hơn rất nhiều. Đặc sản bọ xít rừng của Sơn La rất hiếm và giá thành cũng khá cao.
Để chế biến món này, người ta sẽ ngâm với nước gạo pha bớt để khử mùi hôi. Tuy vậy, vì bọ xít rừng rất hôi nên mùi không thể khử sạch hoàn toàn. Vì thế, khi ăn bọ xít sẽ phải kèm với một loại lá đặc trưng của Mường La có tên là húng đá.
Gọi là nòng nọc nhưng thực chất đây là những con ếch con (ếch sữa) chỉ vừa mới mọc chân, thậm chí còn nguyên đuôi nòng nọc. Những con ếch con này sẽ được để nguyên (không lột da) và nấu với các loại rau rừng. Cách chế biến này khiến món ăn có mùi tanh hơn so với cách nấu thịt ếch thường thấy. Tuy nhiên, theo đồng bào dân tộc Thái ở đây, ăn như vậy sẽ sạch sẽ và nhiều dinh dưỡng nhất.
Đứng cuối cùng trong "bảng xếp hạng" chính là món thịt chuột. Những con chuột núi sau khi bắt về sẽ được thui trên than hồng cho da vàng rộm, sau đó sẽ mổ bỏ hết phần ruột và chỉ giữ lại lá gan. Tiếp đó, người ta trộn các nguyên liệu như rau mùi, rau răm, thảo dược, đậu xanh... rồi nhồi vào bên trong, thui thêm một lần nữa cho ra mỡ. Lúc này, con chuột được mang đi đồ cùng xôi và thế là có món xôi chuột.
Tham khảo: Tin tức Sơn La.