Mới đây, Vương tử Harry đã thất bại trong nỗ lực pháp lý nhằm khôi phục chế độ an ninh đầy đủ cho mình khi ở Anh. Anh bày tỏ lo ngại về sự an toàn của bản thân, Meghan và hai con khi đến Anh, đồng thời cho rằng mình nên được hưởng chế độ bảo vệ khi về thăm quê hương. Tuy nhiên, thực tế là không phải thành viên hoàng gia nào cũng được hưởng chế độ bảo vệ 24/7 như Vua Charles III, Vương hậu Camilla, Thân vương William và Vương phi Kate.
Một số thành viên hoàng gia khác, bao gồm cả những người thân cận với Nhà vua, cũng không có đặc quyền bảo vệ an ninh toàn thời gian. Vương nữ Anne, Vợ chồng Công tước xứ Edinburgh Edward và Sophie chỉ được bảo vệ khi thực hiện nhiệm vụ chính thức. Tương tự, con gái của Vương nữ Anne, Zara Tindall, cũng không có lực lượng an ninh riêng.
Vương tử Andrew đã bị tước bỏ chế độ an ninh do nhà nước tài trợ khi ông rút lui khỏi nhiệm vụ hoàng gia vào năm 2019. Hai con gái của ông, Vương tôn nữ Beatrice (36 tuổi) và Vương tôn nữ Eugenie (35 tuổi), cũng không được bảo vệ vì không phải là thành viên hoàng gia hoạt động. Trước đó, hai công chúa từng được bảo vệ với chi phí hàng năm lên tới 500.000 bảng Anh, nhưng điều này đã bị Nữ vương Elizabeth II hủy bỏ vào năm 2011 trong một cuộc tranh cãi về chi phí. Năm 2010, Vua Charles III, khi đó còn là Thân vương xứ Wales, được cho là đã bày tỏ lo ngại về chi phí an ninh đáng kể của Vương tôn nữ Eugenie trong chuyến du lịch năm nghỉ giữa các kỳ học.
Danh sách các thành viên hoàng gia không được bảo vệ như Vương tử Harry yêu cầu bao gồm: Vương tử Andrew, Vương tôn nữ Beatrice, Vương tôn nữ Eugenie, Zara và Mike Tindall, Vương nữ Anne, Bá tước xứ Wessex Edward, Nữ công tước Sophie và Peter Phillips. Vụ việc của Vương tử Harry đã làm nổi bật thực tế rằng ngay cả trong hoàng tộc, việc đảm bảo an ninh cũng không phải là đặc quyền tuyệt đối mà được xem xét dựa trên vai trò và nhiệm vụ của mỗi cá nhân.
Theo Express