Mạng xã hội đã và đang trở thành một yếu tố quan trọng không thể thiếu trong cuộc sống của chúng ta hiện nay, đặc biệt là giới trẻ. Facebook, Instagram hay thậm chí là cả Twitter và Snapchat đều là những nền tảng giúp chúng ta dễ dàng kết nối bạn bè và cập nhật thông tin về mọi lĩnh vực trên toàn thế giới. Vì thế, cũng không có gì khó hiểu khi không ít bạn trẻ hiện nay lại mắc phải hội chứng “nghiện mạng xã hội” và dành ra quá nhiều thời gian chỉ để sử dụng chúng.
Khi mắc phải hội chứng này, người đáng trách đầu tiên đúng là bản thân bạn. Tuy nhiên, nói như thế cũng không đồng nghĩa với việc Facebook cùng các mạng xã hội khác hoàn toàn vô tội. Một số chuyên gia cho biết giao diện cùng tính năng của những nền tảng này đã được thiết kế đặc biệt nhằm mục đích khiến cho người dùng đã “dính” vào rồi thì khó lòng mà dứt ra được.
Giao diện của Facebook được thiết kế đặc biệt để dễ dàng "gây nghiện" cho người dùng.
Đầu tiên là cách sử dụng News Feed với thao tác vuốt lên/xuống vô tận để cập nhật tin tức từ bạn bè và các fanpage mà bạn theo dõi. Chính cái sự “vô tận” đấy đã khiến bạn không thể ngừng lại được, giống như một loại chất điều khiển hành vi gây nghiện đã bao phủ khắp giao diện trên điện thoại, máy tính của bạn. Và đến khi bạn bắt đầu thấy chán thì cũng là lúc nhiều giờ đồng hồ đã trôi qua một cách vô vị. Vậy đấy, bạn chỉ ngồi yên một chỗ, mắt dán vào màn hình là đã hết cả một buổi tối rồi.
Không chỉ dừng lại ở đó, ngay cả sắc xanh chủ đạo dịu mắt hay hình ảnh nút “like” của Facebook cũng đã được nghiên cứu rất kĩ để gây thiện cảm với người dùng, khiến họ bị cuốn vào vòng xoáy lướt News Feed từ lúc nào không hay. Thế nên bây giờ giới trẻ chúng ta mới có những thuật ngữ như “like dạo”, “câu like” hay “thả tim” là thế. Tính năng này còn phổ biến tới mức đã bắt đầu xuất hiện trong ngôn ngữ giao tiếp hàng ngày để bày tỏ sự tán thành, đồng ý với một quan điểm nào đó.
Ngay cả chức năng "like" đơn giản cũng có sức gây nghiện khủng khiếp và trở nên quá phổ biến trong cả mạng xã hội ảo lẫn đời sống thực.
Aza Raskin, cha đẻ của trình duyệt web nổi tiếng Mozilla Firefox, cho biết: “Phía sau giao diện mạng xã hội mà bạn sử dụng là hàng nghìn kĩ sư đã ngày đêm nghiên cứu để thiết kế trở nên bắt mắt và có mức gây nghiện cao nhất”. Hay bản thân người đã sáng tạo ra phím “like” của Facebook, Leah Pearlman, cũng thừa nhận với đài BBC chính bà cũng đã nghiện tính năng này.
Rất nhiều kĩ sư từng làm việc cho Facebook đã xác nhận các trang mạng xã hội thừa biết cách để hình thành thói quen sử dụng Internet cho người dùng. Họ luôn hướng đến việc “hút” nhiều thời gian của người dùng nhất để có thể hiểu rõ hơn về khách hàng của mình nhằm phục vụ cho mục đích quảng cáo. Cựu chủ tịch của Facebook còn khẳng định mạng xã hội đã liên tục lợi dụng, khai thác những điểm yếu trong tâm lý con người và gây ảnh hưởng tiêu cực đến thần kinh của họ.
Tuy nhiên, đại diện của Facebook đã lên tiếng phủ nhận điều này: “Facebook và Instagram được thiết kế với mục đích giúp người dùng kết nối với bạn bè, người thân và cập nhật những thông tin mà họ quan tâm. Chúng tôi luôn đặt mục đích này lên hàng đầu và chưa từng có suy nghĩ muốn điều khiển hành vi hay gây nghiện cho người dùng”.
Tham khảo BusinessInsider