Ghi chép chi tiết từng khoản chi; chia tiền vào nhiều thẻ, mỗi thẻ dùng cho 1 mục đích khác nhau để tiện quản lý; hay thậm chí là rút tất cả số tiền trong ngân sách chi tiêu hàng tháng ra thành tiền mặt, để hạn chế tình trạng "ảo tưởng mình đang còn nhiều tiền",... Những gợi ý này đều là các phương pháp quản lý chi tiêu mà chúng ta đã từng nghe, hoặc đọc ở đâu đó.
Đã từng thử áp dụng tất cả những phương pháp quản lý tài chính cá nhân được coi là "kiểu mẫu" - như trên, nhưng Thanh Hằng (27 tuổi, Hà Nội) vẫn cảm thấy "sao mà phức tạp quá thể".
Ảnh minh họa
"Mình thì chẳng được gì ngoài… cái thói hay quên, nên tạo file quản lý chi tiêu hay ghi chép bằng bút bằng sổ đều không hợp với mình. Cả chuyện dùng nhiều thẻ để chia dòng tiền cũng thế, cứ dăm bữa ngân hàng lại bắt đổi mật khẩu app e-bank một lần, cái mới không được trùng cái cũ nên mình cũng lại quên. Còn quản lý chi tiêu bằng tiền mặt thì thực sự mình không dám nghĩ tới, vì mất ví mấy lần rồi, sợ lắm" - Thanh Hằng giải thích về lý do tất cả các phương pháp quản lý chi tiêu phổ biến đều không thể phát huy tác dụng với cô.
Sau khoảng một 1 năm thử hết các phương pháp mà vẫn không thấy hiệu quả, cuối cùng, Thanh Hằng cũng "tự chế" ra được một phương pháp quản lý chi tiêu của riêng mình.
Thanh Hằng cho biết thu nhập hàng tháng của cô rơi vào khoảng 16,5 triệu đồng. Ngay khi nhận lương, Thanh Hằng sẽ trích 5 triệu đồng để gửi tiết kiệm. Với khoản tiền 11,5 triệu đồng còn lại, Thanh Hằng đem chia cho 30 ngày, để tính ra được ngân sách chi tiêu trong 1 ngày. Con số này xấp xỉ 383.000 đồng.
"Nghĩa là sau khi trừ đi tiền tiết kiệm, một ngày mình chỉ có khoảng 383.000 đồng để chi tiêu. Khoản tiền này bao gồm tất cả các chi phí như tiền thuê nhà, phí dịch vụ, đi lại, ăn uống, mua sắm. Làm gì thì làm, tổng số tiền không được vượt quá 383.000 đồng/ngày là được" - Thanh Hằng giải thích.
Khi thu nhập gần như là cố định hàng tháng, thay đổi nếu có đều không đáng kể, với cách tư duy ngân sách chi tiêu trọn gói theo từng ngày như vậy, Thanh Hằng đều tính toán tất cả các chi phí khác theo thời gian từng ngày.
"Tiền nhà, tiền xăng là hai khoản cố định, mình không thể tiêu lẹm vào. Còn với khoản tiền ăn 120.000đ/ngày, mình có thể tùy ý cân nhắc thay đổi. Bình thường mình mang cơm đi làm khá đều đặn, nhưng cũng có hôm lười nên tặc lưỡi ăn ngoài, hết khoảng 60.000đ/bữa trưa, thì bữa tối và bữa sáng mình phải tự cân đối lại để tổng tiền ăn uống của ngày hôm đó không vượt 120.000đ" - Thanh Hằng giải thích.
Cô cũng cho biết thêm rằng trước khi tìm ra được cách quản lý chi tiêu này, bản thân gần như chỉ tốn tiền mua sắm quần áo, mỹ phẩm chứ tiền ăn uống lại chẳng đáng bao nhiêu và cũng không mấy khi bị bội chi.
"Mình đang độc thân, lại cũng ít ăn uống lê la cà phê sang chảnh, nên thật ra tiền xăng hay tiền ăn uống hàng tháng của mình không đáng là bao. Tốn nhất vẫn là tiền mua sắm online. Trước đây, có những tháng mình tiêu tới 10 triệu cho các sàn TMĐT. Kể từ khi tìm ra được cách quản lý ngân sách chi tiêu theo ngày, mình chỉ cần nhớ duy nhất con số 112.000đ và cũng chỉ cần tập trung vào mỗi khoản đó vì các khoản khác đều ổn định, không mấy khi tăng vọt, nên thấy nhẹ đầu hẳn" - Thanh Hằng khẳng định.
Sau khi nắm được ngân sách mua sắm theo từng ngày của mình, Thanh Hằng cũng không tặc lưỡi cho phép bản thân tiêu hết số tiền ấy. Bởi là con gái, tiền mua sắm không chỉ đơn thuần là mua quần áo, giày dép hay mỹ phẩm mà còn nhiều thứ khác nữa. Để không bội chi ngân sách mua sắm hàng ngày, Thanh Hằng tiếp tục phân bổ quỹ này như sau.
"Đầu tháng, mình sẽ kiểm tra một lượt tất cả các đồ cần mua trong nhà, xem cái nào sắp hết thì mua luôn một thể. Mình coi đồ chăm sóc cơ thể, skincare và đồ vệ sinh/giặt giũ là các mục ưu tiên, nên sẽ sắm trước. Sau đó, còn bao nhiêu tiền, mình lại tiếp tục chia cho số ngày trong tháng, để biết được con số mình được phép tiêu trong 1 ngày cho việc mua sắm những món đồ khác.
Giả sử tháng này, mình sắm đồ trong danh sách ưu tiên hết 1.000.000đ rồi, thì nghĩa là mỗi ngày mình chỉ được phép tiêu khoảng 78.000đ cho việc mua sắm những thứ khác thôi, chứ không còn là 112.000đ/ngày nữa. Dựa vào con số ấy để cân đối, tiết chế việc mua linh tinh lại" - Thanh Hằng giải thích.
Cô cũng cho biết thêm việc quản lý ngân sách chi tiêu nói chung hay ngân sách mua sắm nói riêng, theo từng ngày, nghe thì phức tạp nhưng lại vô cùng hữu ích và thiết thực với người có thói quen mua sắm bốc đồng.
"Chỉ được tiêu 78.000đ/ngày mà hôm nay lỡ đặt đôi giày 1.200.000đ thì nghĩa là 16 ngày tiếp theo, mình không được mua gì nữa. Bám vào lối tư duy như vậy nên mình hạn chế được việc tiêu lố tiền vì ham mua sắm" - Thanh Hằng kể và cho biết cô đã áp dụng cách quản lý ngân sách chi tiêu theo ngày được 5 tháng. Và đó là 5 tháng đầu tiên mà Thanh Hằng không bị "âm tiền" trước khi tới kỳ lương tiếp theo.
Vậy là quá đủ để chứng minh cách quản lý chi tiêu này có hiệu quả.