Xin nghỉ việc vốn dĩ là quyết định khó khăn mà nhiều nhân sự phải cân nhắc kỹ lưỡng trước khi trình bày với sếp. Nó còn trở nên rủi ro hơn khi bạn chưa có khả năng tài chính đủ mạnh để duy trì trong những ngày thất nghiệp.
Trên thực tế, có nhiều người trẻ vẫn chấp nhận hàng ngày gắn bó với công việc khiến họ phát chán. Bởi họ cho rằng bản thân không đủ tiền sống trong một tháng nếu như nguồn thu nhập quay về con số 0.
Mai Phương (24 tuổi, nhân viên văn phòng) làm công việc Content Social với mức lương 8 triệu đồng/tháng. Cô tự nhận tiền lương "chỉ đủ sống" nên bản thân không để dành được nhiều tiền tiết kiệm.
"Chi tiêu hàng tháng của mình gần đây thế này: 2,5 triệu tiền nhà, 2 triệu tiền ăn uống, 1,5 triệu tiền mua sắm đồ dùng cá nhân, 1 triệu tiền đi chơi, tiệc tùng. 1 triệu tiền còn lại tùy từng tháng mình sẽ tiêu sạch hoặc giữ lại trong tài khoản ngân hàng để dùng sau này".
Dù hiện tại đang làm công việc đúng chuyên ngành thế nhưng Mai Phương đã có ý muốn nghỉ việc từ lâu.
"Nếu có cơ hội mình cũng muốn tìm công ty khác. Thứ nhất, mình muốn làm content trong lĩnh vực làm đẹp, trong khi vị trí hiện tại chuyên sâu về mảng tài chính. Điều này khiến việc đi làm của mình trở nên nhàm chán vì phải đọc tài liệu có nhiều thuật ngữ mới mỗi ngày. Thứ hai, mình nghĩ với vị trí Content Social thì bản thân có thể tìm được công việc với mức lương cao hơn. Hiện tại lương 8 triệu đồng/tháng mình phải tính toán chi ly và sống tiết kiệm mới đủ tiêu đến cuối tháng", Phương tâm sự.
Ảnh minh hoạ (Nguồn: Pexel)
Tuy nhiên, đến hiện tại cô bạn vẫn không dám nộp đơn xin nghỉ việc vì chưa tìm được vị trí mới phù hợp. Hơn nữa, một lý do quan trọng không kém là số tiền tiết kiệm của Phương không đủ chi tiêu cho một tháng sinh hoạt nếu rơi vào cảnh thất nghiệp.
"Mình đã cố gắng rải CV trên các hội nhóm, trang web đăng tuyển việc làm nhưng kết quả đều gây thất vọng. So với thời điểm mình ứng tuyển vào công ty hiện tại cách đây 7 tháng, chuyện tìm việc làm mới bây giờ khó khăn hơn rất nhiều.
Số tiền tiết kiệm ít ỏi cũng cản trở mình xin nghỉ việc. Dù mức lương không cao song mình cũng đã quyết tâm tự chủ tài chính, không xin tiền từ bố mẹ. Nếu rơi vào cảnh thất nghiệp, tiền lương và tiền tiết kiệm của mình chỉ đủ tiêu trong 2 tháng đầu. Thậm chí, quỹ tiết kiệm của mình giờ cũng chỉ đủ để trả tiền nhà và tiền ăn uống trong 1 tháng, nói trắng là không đủ nuôi bản thân nếu mình mất thu nhập từ công việc chính", Mai Phương bày tỏ.
Tương tự Mai Phương, cách đây 2 tháng, Ngọc Linh (22 tuổi) cũng rơi vào tình cảnh chán chường công việc, đi làm nhưng ngày nào trong đầu cũng xuất hiện ý muốn xin nghỉ việc. Tuy nhiên, may mắn hơn Mai Phương, Ngọc Linh không cần đắn đo quá nhiều khi lựa chọn rời bỏ công ty cũ.
Trước đó, Ngọc Linh từng làm nhân viên Sale trong một công ty Dược phẩm. Mức lương của Ngọc Linh được tính bằng tổng tiền lương cứng cộng với phần trăm doanh thu từ việc bán sản phẩm. Cũng vì thế, thu nhập hàng tháng của Ngọc Linh không cố định. Có tháng, cô kiếm đến 9 triệu đồng nhưng cũng có tháng chỉ nhận được 3 triệu - mức lương chỉ cao hơn tiền lương cứng một chút.
Ảnh minh hoạ (Nguồn: Pinterest)
Ngọc Linh tâm sự, trong quá trình làm việc ở công ty cũ, cô chấp nhận nhận mức lương thấp hơn nhiều so với mặt bằng chung của thị trường. Nguyên nhân là bởi thời điểm đó, Ngọc Linh chưa ra trường nên không cần đắn đo nhiều khi xin tiền "trợ cấp" từ gia đình. Ngoài ra, vì chưa thể lấy bằng tốt nghiệp nên mức lương cứng của Ngọc Linh thấp hơn so với các đồng nghiệp khác.
"Mình nghĩ mức lương được trả không tương xứng với cống hiến của bản thân nên đã quyết định xin nghỉ việc. Ngoài ra, một lý do khiến mình kiên định rời công ty cũ là sau thời gian đi làm, mình thấy bản thân cần có thời gian nghỉ ngơi nhiều hơn", Linh cho hay.
Sau khi nghỉ việc, Ngọc Linh cũng dọn ra khỏi nhà thuê, về quê sống tạm một thời gian. Linh chia sẻ, việc "bỏ phố về quê" không chỉ để cô "chữa lành" tinh thần mà còn giúp cô nàng tiết kiệm được rất nhiều chi phí sinh hoạt sau khi rơi vào cảnh thất nghiệp.
"Mình đã tính trước thời điểm nộp đơn xin nghỉ việc trùng với thời gian trả lại nhà trọ. Như thế sau khi không còn nguồn thu nhập, mình có thể thoải mái về quê sống một thời gian.
Mình tự thấy may mắn hơn so với các bạn khác vì nếu không thể 'ăn bám' bố mẹ, mình chắc chắn không dám nghỉ việc vào thời điểm này. Mặc dù nói đã đi làm nhưng sau ngần ấy năm, khoản tiền tiết kiệm của bản thân gần như bằng không. Mình không dám nghĩ đến tình cảnh không có thu nhập mà vẫn phải trả chi phí sinh hoạt đắt đỏ ở Hà Nội trong vài tháng thất nghiệp đâu", Ngọc Linh tâm sự.
Ảnh minh hoạ (Nguồn: Pexel)
Là sinh viên mới ra trường, tuy nhiên Ngọc Linh không quá lo lắng trong chuyện tìm việc vì sống cạnh gia đình. Suốt hơn 2 tháng kể từ thời điểm nộp đơn xin nghỉ việc ở công ty cũ, ngoài việc rải CV khắp nơi, Linh cũng chú trọng chăm sóc bản thân, đi chơi một vài nơi và dành thời gian cho cha mẹ - những việc mà theo Linh nói là điều cô muốn làm trước khi quay trở lại thành phố làm việc.
"Từ khi nghỉ việc, mình không cần lo tiền nhà, tiền điện nước, tiền mua đồ ăn hay xăng xe đi lại. Mình cũng không mua mỹ phẩm hay quần áo mới. Về nhà, khoản chi tiêu của mình bằng 0 vì bố mẹ đã lo hết rồi.
Tất cả tiền tiết kiệm và tiền lương ít ỏi tháng cuối cùng được mình dành để mua đồ cho cha mẹ và đi du lịch bình dân. Bố mẹ mình cũng không có ý kiến gì về việc mình về quê. Bố mẹ cũng biết tiền dành dụm của mình không đáng là bao nên khuyên mình đầu tư cho bản thân hơn. Mình coi đây là 'bước đệm' tốt để chuẩn bị đủ tinh thần cho vài tháng sau quay lại Hà Nội tiếp tục làm việc", Linh nói.