Đây là lưu ý của cô Trần Thị Xuân Hà, Phó hiệu trưởng Trường THPT Mỹ Văn, huyện Tam Nông, Phú Thọ với thí sinh trước kỳ thi tốt nghiệp THPT năm nay.
Ngoài nhấn mạnh điều này, cô Hà cũng khuyên thí sinh cần điều chỉnh phương pháp học và ôn tập hiệu quả theo hướng nắm chắc các kiến thức cơ bản, chú ý độ phủ rộng của kiến thức, kĩ năng, tập trung kiến thức lớp 12, đặc biệt trong học kỳ 1, một số kiến thức ở lớp 10 và 11 theo đặc thù môn học.
Khi làm các dạng câu, học sinh cần lưu ý: Với câu hỏi nhận biết phải xác định được nội dung cơ bản câu hỏi hướng tới là gì để từ đó xác định được đáp án đúng; đối với câu thông hiểu, ngoài việc xác định được từ khóa hay nội dung chính câu hỏi hướng tới học sinh phải phân tích được bản chất các phương án để trên cơ sở đó xác định được đáp án đúng. Đối với câu hỏi ở mức độ vận dụng học sinh cần có tư duy logic, tổng hợp, xác định được lệnh hỏi, đọc kỹ tình huống, để từ đó đề ra phương pháp giải và tìm được đáp án chính xác.
"Các em cũng nên ôn tập kỹ các dạng bài, dạng đề và bám sát đề tham khảo của Bộ giáo dục vừa ban hành. Với các chuyên đề ôn tập được biên soạn công phu, hệ thống các câu hỏi được biên tập chu đáo, dạy học trên sóng của Đài Phát thanh và Truyền hình Phú Thọ (PTV) là một kênh học tập, ôn luyện thật sự hiệu quả. Học sinh có thể theo dõi, học tập, làm bài tập và được tháo gỡ khó khăn mọi lúc, mọi nơi trên các nền tảng công nghệ thông tin khác nhau" – cô Hà chia sẻ.
Là giáo viên Hóa học, thầy Tăng Minh Luân, Trường THPT Chi Lăng, An Giang cho rằng cần ôn luyện bám sát cấu trúc đề thi tham khảo của Bộ GD&ĐT. Cùng với đó, tập trung ôn chương trình 12, đặc biệt là kiến thức cơ bản và vận dụng thấp; biên soạn các câu trắc nghiệm theo chủ đề hoặc chương để học sinh luyện tập
Cuối giai đoạn ôn tập, giáo viên soạn ít nhất 3 đề thi tương tự đề minh hoạ của Bộ GD&ĐT để học sinh thi thử nhằm đánh giá năng lực và nhận biết những sai sót của mình. Bên cạnh theo sát học sinh, đôn đốc và giúp đỡ kịp thời học sinh, giáo viên cũng cần có sự chỉ đạo sâu sát của ban giám hiệu nhà trường, sự phối hợp chặt chẽ giữa phụ huynh học sinh, giáo viên bộ môn, đoàn trường, giáo viên chủ nhiệm để việc ôn tập đạt hiệu quả.
"Riêng học sinh, với môn Hóa học, cần phải nắm chắc kiến thức cơ bản, kể cả ứng dụng và điều chế. Cuối giai đoạn ôn tập, nên giải nhiều đề thi giống đề tham khảo của Bộ GD&ĐT để đánh giá năng lực và nhận biết những sai sót của mình" – thầy Luân nhấn mạnh.