Không chỉ Việt Nam mới ăn Tết, nhiều nước khác cũng ăn mừng năm mới lịch âm đấy!

Skye, Theo Trí Thức Trẻ 20:17 26/01/2017
Chia sẻ

Ngoài Trung Quốc và Việt Nam, bạn có thể tìm thấy Tết âm lịch tại Hàn Quốc, Mông Cổ, Tây Tạng...

Dù không có nhiều nước ăn mừng Tết âm lịch, đây vẫn là một dịp lễ quan trọng trên toàn thế giới khi người Hoa rải rác tại khắp các quốc gia trên toàn cầu. Chính vì vậy, khi nhắc Tết, đại đa số mọi người chỉ nghe tới Chinese New Year (Tạm dịch: Tết Trung Quốc).

Tuy nhiên, ngoài Trung Quốc, còn một vài quốc gia khác trong khu vực cũng ăn mừng dịp năm mới truyền thống quan trọng này. Tại mỗi nước, Tết lại mang những đặc điểm khác nhau riêng biệt.

1. Seollal - Tết truyền thống Hàn Quốc

Seollal là một trong 2 dịp lễ lớn nhất trong năm tại Hàn Quốc, cùng với Tết trung thu Chuseok, tổ chức vào tầm tháng 8 âm lịch. Thời điểm diễn ra Tết Seollal cũng như người Việt đón Tết Nguyên đán và người Trung Quốc ăn mừng năm mới truyền thống.

Không chỉ Việt Nam mới ăn Tết, nhiều nước khác cũng ăn mừng năm mới lịch âm đấy! - Ảnh 1.

Người Hàn Quốc coi Seollal là dịp lễ quan trọng nhất trong năm.

Cũng như người dân các nước khác, người Hàn Quốc sẽ phải chuẩn bị rất tất bật trong dịp Tết truyền thống. Tuy nhiên, có một điểm khác trong dịp Seollal là thay vì tặng bánh kẹo, rượu bia như tại Việt Nam, các món quà Tết tại Hàn Quốc khá độc đáo: Quà cho cha mẹ thường là nhân sâm, mật ong, sản phẩm sức khỏe, và ghế massage. Ngoài ra, người ta cũng thường tặng các món quà như thịt hộp, cá ngừ, bánh truyền thống, cá khô hoặc trái cây.

Trước đêm Giao thừa, người Hàn Quốc có thói quen tắm bằng nước nóng để tẩy trần. Cả nam và nữ thường mặc trang phục truyền thống hanbok hay những bộ quần áo đẹp nhất để cử hành nghi lễ thờ cúng tổ tiên. Người Hàn Quốc thường đốt các thanh tre trong nhà để xua đuổi tà ma trong đêm Giao thừa, thay vì đốt pháo như tại nhiều nơi.

Không chỉ Việt Nam mới ăn Tết, nhiều nước khác cũng ăn mừng năm mới lịch âm đấy! - Ảnh 2.

Mâm cơm truyền thống trong dịp năm mới.

Với người Hàn Quốc, đầu năm mới phải ăn món bánh canh gạo tteokguk để chúc nhau thêm một tuổi mới. Ngoài ra còn có các món ăn truyền thống khác như canh kim chi, bánh gạo... Ngoài ra, các trò chơi đầu năm của người Hàn Quốc cũng khá phong phú như ném mũi tên, chơi đá cầu, chơi thả diều...

2. Tsagaan Sar - Tết truyền thống Mông Cổ

Người dân Mông Cổ cũng có hai dịp lễ quan trọng được chờ đợi nhất là Tết năm mới (người dân địa phương gọi là Tsagaan Sar, Tết trăng trắng) vào tháng giêng và tết Naadam vào tháng 7. 

Nghi lễ trong dịp Tết Tsagaan Sar thường khác nhau tùy vào mỗi vùng. Tại Mông Cổ, người dân thường ghé thăm nhà họ hàng, bạn bè trong dịp đầu năm để trao cho nhau những câu chúc tốt lành trong năm mới. Thông thường, đại gia đình sẽ tập trung tại nhà của người cao tuổi nhất. Mọi người sẽ diện bộ trang phục truyền thống đẹp nhất và đi chơi. 

Không chỉ Việt Nam mới ăn Tết, nhiều nước khác cũng ăn mừng năm mới lịch âm đấy! - Ảnh 3.

Người Mông Cổ quây quần trong dịp năm mới.

Trong nghi thức chào hỏi của người Mông Cổ, các thành viên gia đình sẽ cầm một tấm vải lụa màu xanh, dài được gọi là khadag. Sau nghi thức, mọi người sẽ ăn các món như đuôi cừu, thịt cừu, bánh buuz (một loại bánh giống bánh bao), sữa ngựa lên men các sản phẩm từ sữa và uống rượu airag - một loại đồ uống truyền thống của Mông Cổ.

Ngày trước lễ Tsagaan Sar được gọi là Bituun (trăng đen). Trong ngày trăng đen, mọi người sẽ dọn sạch nhà cửa, chuồng trại gia súc để hy vọng một năm mới sạch sẽ, có khởi đầu tốt đẹp hơn. Nghi lễ trong ngày Bituun bao gồm thắp nến, tượng trưng cho sự khai sáng của Luân hồi. Ngoài ra, người dân cũng đặt 3 cốc đá trước cửa nhà để ngựa của nữ thần Palden Lhamo uống vì họ tin rằng, nữ thần sẽ ghé thăm nhà từng người trong ngày này. Trong ngày này, người dân Mông Cổ cũng sẽ cố gắng giải quyết mọi vấn đề và trả nợ trong năm. 

Không chỉ Việt Nam mới ăn Tết, nhiều nước khác cũng ăn mừng năm mới lịch âm đấy! - Ảnh 4.

Mâm cơm truyền thống với thịt cừu, bánh buuz và nhiều đồ ăn khác.

Vào thời khắc Giao thừa, người Mông Cổ thực hiện tục uống trà đầu năm: chén trà đầu tiên đem ra trước sân cúng trời đất, chén trà thứ 2 mời chủ nhân gia đình sau đó tới các thành viên khác. Ngày Tết gặp mặt, người Mông Cổ chúc nhau bằng câu nói: "Chúc cho đàn cừu của bạn béo tốt". 

3. Tết truyền thống người Singapore

Về cơ bản, người Singapore cũng ăn mừng năm mới giống như người Trung Quốc hay các cộng đồng người Hoa khác trên toàn thế giới. Lễ Tết năm mới thường kéo dài trong khoảng 2 ngày, có khi tới 3 ngày. Tuy nhiên, các hoạt động ăn mừng, lễ hội đã nhộn nhịp từ trước ngày Tết 2-3 tuần. 

Tại đảo quốc sư tử, dịp Tết nguyên đán lại càng thêm nhộn nhịp khi đây cũng là thời điểm có nhiều hoạt động lễ hội khác như: Lễ hội Hoa đăng, Lễ hội Singapore River Hongbao và Lễ hội đường phố Chingay. Lễ hội Hoa đăng thường diễn ra trước ngày đầu tiên của năm mới từ 15-20 ngày, với hình ảnh trang trí ứng với các con vật tượng trưng cho năm đó theo quy luật lần lượt 12 con giáp.

Không chỉ Việt Nam mới ăn Tết, nhiều nước khác cũng ăn mừng năm mới lịch âm đấy! - Ảnh 5.

Đường phố Singapore trang hoàng lộng lẫy trong dịp năm mới.

Trong ngày đầu tiên năm mới, người Singapore sẽ cúng bái tổ tiên và trời đất. Nghi lễ này thường bắt đầu vào lúc nửa đêm. Theo truyền thống, họ cũng sẽ đốt pháo hoa, các thanh tre và pháo để xua đuổi những linh hồn xấu, hy vọng năm mới may mắn. Nhiều người theo đạo Phật sẽ không ăn thịt vào ngày đầu tiên trong năm mới vì họ tin rằng điều đó sẽ giúp họ sống thọ hơn. Người Singapore cũng tin rằng dùng dao trong ngày đầu tiên năm mới là không may nên thức ăn thường được nấu chín trước đó. 

Nhiều gia đình có điều kiện thường mới các nhóm múa sư tử về để biểu diễn với hy vọng mang lại may mắn cho cả nhà. Người Singapore cũng có phong tục trao lì xì cho trẻ con và người già, cầu chúc một năm mới nhiều tài lộc và sức khỏe.

Không chỉ Việt Nam mới ăn Tết, nhiều nước khác cũng ăn mừng năm mới lịch âm đấy! - Ảnh 6.

Múa lân sư rồng là hoạt động không thể thiếu dịp đầu năm.

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày