Nhiều người cảm thấy kinh hoàng khi chứng kiến cảnh tượng người dân Trung Quốc khổ sở chen chúc trong những nhà ga, bến xe đông đúc hay trên những cung đường chật cứng, và họ không hiểu tại sao năm nào cũng vậy, người dân nơi đây luôn phải è cổ đối mặt với cuộc "đại di cư" lớn nhất của loài người.
Nói một cách hoa mỹ thì Xuân Vận là cuộc đại di cư thường niên lớn nhất của loài người trên trái đất, còn nếu nói một cách dân dã thì đây chính là khoảng thời gian chen chúc ngột ngạt của những người con xa nhà trên hành trình về quê ăn Tết mỗi năm.
Thông thường, một cuộc Xuân Vận kéo dài khoảng 40 ngày, tính từ ngày 15 tháng Chạp âm lịch cho đến 25 tháng Giêng âm lịch hàng năm. Thời gian chính xác mỗi năm sẽ do Uỷ ban Kinh tế và Thương mại Trung Quốc công bố. Từ đó, Cục Giao thông, Cục Đường sắt, Cục Hàng không sẽ tự lên kế hoạch ứng phó với lượng hành khách tăng vọt vào thời kỳ cao điểm nhất trong năm.
Xuân Vận 2017 diễn ra từ ngày 13/1 đến hết ngày 21/2. Ước tính, trong 40 ngày Xuân Vận, sẽ có khoảng 2,98 tỷ chuyến đi được thực hiện, tăng 2,2% so với năm ngoái. Trong đó có 2,5 tỷ chuyến đi bằng đường bộ, 356 triệu chuyến đi bằng đường sắt, 58 triệu chuyến đi bằng đường hàng không và 43 triệu chuyến đi bằng đường biển.
Vào thời kỳ Xuân Vận, Cục Đường sắt Trung Quốc sẽ đưa ra bản đồ vận hành đặc biệt và gia tăng số lượng các chuyến tàu. Họ cũng đưa ra hàng loạt phương án xử lý tình huống trong đợt cao điểm này, bao gồm: phương án cơ bản, phương án dự phòng, phương án khẩn cấp để ứng phó lần lượt với lượng khách bình thường, lượng khách gia tăng và lượng khách đột biến. Theo thống kê, trong những ngày này, vé tàu Tết ở Trung Quốc được bán ra với tốc độ kinh hoàng 1.000 vé/giây.
Được biết, từ năm 1954, Cục Đường sắt nước này đã bắt đầu thống kê chi tiết về những chuyến đi Xuân Vận tính từ 15 tháng Chạp đến 15 tháng Giêng âm lịch, thay vì 40 ngày như hiện tại. Khi ấy, số lượng hành khách kém xa ngày nay: lượng khách lưu thông bình quân mỗi ngày là 730.000 lượt người, vào lúc cao điểm lên đến 900.000 lượt người. Những năm 80, số lượng người dân Trung Quốc làm ăn xa nhà tăng mạnh, khiến Xuân Vận dần trở thành một đề tài nóng hổi nhận được sự quan tâm đặc biệt của xã hội.
Với tổng chiều dài hơn 121.000 km, mạng lưới đường sắt ở Trung Quốc là hệ thống đường sắt lớn thứ 2 thế giới, chỉ sau Mỹ. Vô số tuyến xe buýt và tàu hỏa được tăng thêm vào những ngày này có thể giải quyết nhu cầu đi lại của lượng hành khách khổng lồ.
Nhiều người Trung Quốc đã lựa chọn di chuyển bằng ô tô riêng để tránh việc tranh giành vé tàu hay chen chúc trong những nhà ga đông nghịt người. Một số người khác thì sẵn sàng mở hầu bao chi cho những chuyến du lịch nước ngoài đắt đỏ, thay vì ở nhà đón Tết.
Theo ghi nhận, vào năm 2016 đã có khoảng 6 triệu người Trung Quốc lựa chọn đi nghỉ ở nước ngoài trong dịp Tết Nguyên đán và con số này vẫn đang có dấu hiệu gia tăng mỗi năm.
Ngoài ra, vấn đề an ninh mùa Xuân Vận cũng luôn nhận được sự quan tâm cực lớn của dư luận. Để tránh xảy ra cảnh tượng hỗn loạn và đảm bảo an toàn cho các hành khách, lực lượng an ninh đã được tăng cường chặt chẽ ở các nhà ga, bến tàu, bến xe. Những vấn đề hậu cần phức tạp nhằm duy trì an ninh trật tự đã khiến cho hơn nửa triệu người bị mắc kẹt bên ngoài các nhà ga.
Trước khi chính thức bước vào những ngày Tết cổ truyền, người dân Trung Quốc, đặc biệt là những người sống xa nhà, hiện đang phải trải qua khoảng thời gian xô bồ, hỗn độn và bận rộn nhất trong năm. Tuy nhiên, đây mới chỉ là mở màn của "cơn ác mộng" mà thôi, bởi sau Tết, họ sẽ còn phải đối mặt với một cuộc di cư khác cũng không kém phần kinh hoàng để rời quê nhà đến các thành phố khác tiếp tục học tập và lao động hăng say.
Cảnh tượng chen chúc này dường như đã trở thành "đặc sản" của quốc gia đông dân nhất thế giới.
Nhiều người vật vã chờ đợi để được cầm trên tay tấm vé về quê đoàn tụ với gia đình.
Hành trình về quê ăn Tết của người Trung Quốc dường như chưa bao giờ là dễ dàng.