Phát hiện thành phố 3.500 năm tuổi từng là trung tâm giao thương quan trọng giữa các nền văn minh

An Khê, Theo vtv.vn 21:06 05/07/2025
Chia sẻ

Giới khảo cổ vừa công bố phát hiện một thành phố cổ có niên đại khoảng 3.500 năm, được cho là từng đóng vai trò như một trung tâm giao thương quan trọng giữa các nền văn minh ven biển Thái Bình Dương, dãy Andes và khu vực Amazon.

Các nhà khảo cổ Peru khẳng định Peñico chính là sự tiếp nối của xã hội Caral, phản ánh sự thích nghi và chuyển hóa của con người trước những biến đổi tự nhiên khắc nghiệt. (Ảnh: Ana Paula Bedoya)

Các nhà khảo cổ Peru khẳng định Peñico chính là sự tiếp nối của xã hội Caral, phản ánh sự thích nghi và chuyển hóa của con người trước những biến đổi tự nhiên khắc nghiệt. (Ảnh: Ana Paula Bedoya)

Theo nhóm nhà khảo cổ Peru, thành phố cổ mang tên Peñico nằm tại tỉnh Barranca phía Bắc Peru, được xây dựng trong khoảng thời gian từ năm 1.800 đến 1.500 trước Công nguyên, ở độ cao khoảng 600 mét so với mực nước biển. Các nghiên cứu cho thấy, đây có thể là một trung tâm đô thị phát triển rực rỡ vào thời kỳ mà các nền văn minh lớn như Ai Cập, Ấn Độ, Lưỡng Hà và Trung Quốc đang hình thành trong quá khử.

Trong đoạn video được ghi lại bằng thiết bị bay không người lái, trung tâm thành phố Peñico được nhận diện bằng một cấu trúc hình tròn nằm trên bậc thềm đồi, bao quanh là tàn tích của những công trình bằng đá và bùn đất.

Điểm đáng chú ý là Peñico nằm không xa vị trí của nền văn minh Caral, nền văn minh lâu đời nhất châu Mỹ, từng phát triển rực rỡ cách đây khoảng 5.000 năm. Caral gồm 32 công trình kiến trúc hoành tráng và được đánh giá là ngang hàng về niên đại với các nền văn minh cổ đại ở Ai Cập và Lưỡng Hà, song lại phát triển hoàn toàn biệt lập, không chịu ảnh hưởng từ bên ngoài.

Tiến sĩ Ruth Shady, nhà khảo cổ học dẫn đầu cuộc khai quật, nhận định rằng Peñico có vai trò đặc biệt vì nó được hình thành sau khi nền văn minh Caral suy tàn do biến đổi khí hậu. "Họ lựa chọn vị trí chiến lược cho hoạt động thương mại, giao lưu với các xã hội ven biển, vùng núi cao và cả rừng nhiệt đới", bà Shady chia sẻ.

Cùng quan điểm trên, nhà khảo cổ Marco Machacuay thuộc Bộ Văn hóa Peru khẳng định Peñico chính là sự tiếp nối của xã hội Caral, phản ánh sự thích nghi và chuyển hóa của con người trước những biến đổi tự nhiên khắc nghiệt.

Phát hiện thành phố 3.500 năm tuổi từng là trung tâm giao thương quan trọng giữa các nền văn minh- Ảnh 2.

Peñico nằm không xa vị trí của nền văn minh Caral. (Ảnh: Rodrigo Ramírez C)

Sau 8 năm nghiên cứu, các nhà khoa học đã xác định được ít nhất 18 công trình kiến trúc trong khu đô thị cổ này, bao gồm các đền thờ nghi lễ và khu dân cư. Đặc biệt, các bức tường của quảng trường trung tâm được trang trí bằng phù điêu chạm khắc công phu, trong đó nổi bật là hình ảnh pututu - loại kèn làm từ vỏ ốc có thể phát ra âm thanh vang xa hàng dặm, từng được sử dụng trong nghi lễ tôn giáo và liên lạc thời cổ đại.

Ngoài ra, nhóm khảo cổ còn phát hiện nhiều tượng đất sét mô tả người và động vật, các đồ vật nghi lễ và vòng cổ chế tác từ hạt và vỏ sò, cho thấy mức độ phát triển tinh xảo của nghệ thuật và tín ngưỡng trong xã hội thời bấy giờ.

Phát hiện mới này càng củng cố vai trò của Peru như một trung tâm văn minh cổ đại quan trọng ở châu Mỹ, nơi từng sản sinh ra nhiều nền văn hóa rực rỡ như Inca với di tích Machu Picchu nổi tiếng ở Cusco, hay các đường kẻ bí ẩn Nazca trải dài trên sa mạc vùng ven biển miền Trung Peru.

Giới chuyên gia nhận định, Peñico không chỉ mở rộng hiểu biết về lịch sử tiền Columbus của châu Mỹ, mà còn đặt ra nhiều câu hỏi mới về mối liên hệ giữa các nền văn minh cổ đại xuyên suốt dãy Andes và vùng Amazon. Đây được xem là phát hiện khảo cổ học có ý nghĩa lớn trong việc viết lại lịch sử hình thành các trung tâm đô thị đầu tiên ở Nam Mỹ.

Trong những năm gần đây, Peru liên tiếp ghi nhận nhiều phát hiện khảo cổ học quan trọng, góp phần làm sáng tỏ lịch sử các nền văn minh cổ đại tại khu vực Andes. Năm 2023, các nhà khảo cổ khai quật được hơn 30 ngôi mộ của nền văn hóa Mochica (thế kỷ I - VIII) tại vùng Lambayeque, trong đó có một số thi hài được chôn cất cùng đồ trang sức, mặt nạ vàng và các vật phẩm nghi lễ. Năm 2024, tại khu khảo cổ Panamarca, các nhà nghiên cứu phát hiện các cột đá chạm khắc sặc sỡ, mô tả các nhân vật tôn giáo thời kỳ Tiền Inca, được bảo tồn bất ngờ nhờ điều kiện khí hậu khô cằn.

Trước đó, tại thung lũng Ica, các nhà khảo cổ phát hiện những bức tường có hình vẽ kỳ lạ, được cho là biểu tượng liên quan đến nông nghiệp và thiên văn của người Nazca. Đồng thời, các cuộc khảo sát bằng thiết bị LIDAR trên dãy Andes đã giúp phát hiện thêm hàng chục địa điểm cư trú cổ chưa từng được biết đến, cho thấy sự phân bố rộng khắp của các xã hội thời tiền Inca. Những khám phá này khẳng định Peru là một trong những cái nôi văn minh quan trọng của châu Mỹ cổ đại.

Theo Jerusalem Post

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày