Mỗi năm, người Anh ăn hết 10,5 tỷ quả trứng gà, tương đương với 179 quả trứng cho mỗi người. Quả là một con số kinh khủng đúng không?
Thế nhưng còn một điều đáng kinh ngạc hơn, đó là từng quả trứng mà họ mua ngoài chợ hay các hình thức phân phối chính thức đều có lai lịch rõ ràng, không hề có "tiền án tiền sự".
Bất kỳ quả trứng nào có quốc tịch liên minh Châu Âu (EU) hoặc Anh quốc đều được cấp một chứng minh thư riêng trước khi được phân phối ra thị trường.
Kể từ năm 2004, tất cả trứng được phân phối tại EU đều phải được đóng dấu với những thông tin cơ bản nhất như phương pháp nuôi gà, quốc tịch và thậm chí chuồng, trại nơi trứng được đẻ.
Các chủ trang trại ngoài ra cũng có thể thêm logo, chứng nhận quốc tế hoặc thông tin về nhãn hiệu trang trại khác, nhưng những thông tin cơ bản thì luôn được yêu cầu phải đầy đủ và dễ nhận biết. Nếu một chủ trang trại sở hữu nhiều chuồng gà khác nhau, mỗi chuồng lại phải được đóng dấu riêng biệt.
Trên "chứng minh thư" của trứng gà, mỗi ký hiệu đều giúp người tiêu dùng xác định nguồn gốc xuất xứ của chúng.
Con số đầu tiên được thay cho phần "thông tin về cha mẹ" của trứng, được đánh số từ 0 tới 3, với mỗi số tương ứng với một phương pháp nuôi gà khác nhau. Theo đó:
• 0 – Phương pháp nuôi hữu cơ
• 1 – Gà thả rông, không nuôi nhốt
• 2 – Gà nuôi trong chuồng trại nông nghiệp hoặc nuôi trong nhà
• 3 – Gà nuôi trong chuồng công nghiệp
Thông tin này giúp người mua dễ dàng chọn loại trứng phù hợp với nhu cầu của mình. Giá trứng cũng thay đổi theo thứ tự từ cao xuống thấp. Gà được nuôi bằng phương pháp hữu cơ đẻ ra những quả trứng có giá trị dinh dưỡng cao hơn và tất nhiên là giá thành cũng gấp nhiều lần so với trứng gà công nghiệp.
Cũng vì lý do này mà ở bang Saxony Đức đã từng có một thời gian hơn 150 trang trại gà bị cấm sản xuất. Vì mỗi chuồng nuôi gà phải được đánh dấu riêng, chủ trang trại đã lén đưa trứng gà đẻ tại các chuồng công nghiệp sang các chuồng nuôi hữu cơ để nâng giá trứng, vi phạm luật bảo vệ người tiêu dùng liên bang.
Hai chữ cái tiếp theo biểu thị quốc tịch của trứng gà được quy định bằng hệ thống mã hóa quốc gia theo tiêu chuẩn ISO. Trong hình, DE là mã quốc gia của nước Đức. Mỗi quốc gia thuộc hệ thống này đều có mã riêng, ví dụ AT là nước Áo, NL là Hà Lan, FR là nước Pháp, CY biểu thị trứng của đảo Síp.
Nhờ vậy, người tiêu dùng có thể biết mình đang sử dụng hàng trong nước hay hàng nhập khẩu. Những chữ số còn lại cho biết chính xác địa chỉ khai sinh của trứng, trứng được đẻ tại trang trại, chuồng, vùng nào…
Nhờ những thông tin từ vỏ trứng, các cơ quan kiểm tra có thể dễ dàng xử lý các trang trại gà sản xuất những quả trứng kém chất lượng, một phương thức tuyệt vời để bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm.
Gần đây nhất vào năm 2011, Úc và New Zealand bắt đầu áp dụng phương pháp này vào quy trình kiểm soát an toàn thực phẩm.
Theo đó, trứng gà, trứng vịt phải được đóng dấu từng quả, không được sử dụng máy đóng dấu hàng loạt hay đóng dấu vào hộp carton để tăng khả năng truy xuất nguồn gốc trong trường hợp trứng gà gây ra vấn đề sức khỏe.
Nguồn: The Independent