Không chỉ là hang động dưới nước lớn nhất thế giới, các nhà thám hiểm còn phát hiện được điều kì diệu này

Đặng Nghiêm, Theo Helino 10:15 22/02/2018

Những di tích của người Maya cổ đại còn sót lại là thành quả sau gần 10 tháng tìm kiếm của các nhà thám hiểm.

Hang động Sac Actun, nằm tại vịnh Tulum (Mexico) vốn được xem là hang động dưới nước lớn nhất thế giới (rộng đến hơn 347km) sau khi được các nhà thám hiểm công bố cách đây 1 tháng.

Không chỉ là hang động dưới nước lớn nhất thế giới, các nhà thám hiểm còn phát hiện được điều kì diệu này - Ảnh 1.

Cuộc hành trình khám phá bên trong Sac Actun vẫn được các nhà thám hiểm thuộc dự án The Grand Acuifero Maya (gọi tắt là GAM) tiếp tục thực hiện, khi họ phát hiện dấu tích của nền văn hóa Maya cổ đại tại đây.

Theo nhà thám hiểm kiêm khảo cổ học Guillermo de Anda từ Viện Nhân chủng và Lịch sử học, diện tích của hang động dưới nước này chứa đến 250 hố tự nhiên cenote - một loại hố hình thành từ đá vôi và có 198 vết tích cổ của con người, 140 trong số đó là của người Maya nguyên thủy.

Anda chia sẻ: "Đây thực sự là một khám phá lớn cho giới khảo cổ học. Việc các di tích được bảo tồn bởi thiên nhiên và số lượng di tích có ở nơi đây cũng là một điều tuyệt vời khi chúng tôi tìm kiếm".

Giới chuyên gia còn phát hiện thấy những bộ xương người Maya cổ có niên đại khoảng 9000 năm. Phát hiện này gợi ý cho việc có sự tồn tại của con người ở vùng phía Tây Mexico sớm hơn vài ngàn năm so với ước tính của các nhà thám hiểm, hay cả về hoạt động giao thương của người Maya.

Tại buổi họp báo, Anda cho biết: "Các thương buôn đi theo lộ trình có sẵn, và tạm nghỉ tại nơi này. Họ xây dựng những án để xin sự phù hộ của các vị thần."

Không chỉ là hang động dưới nước lớn nhất thế giới, các nhà thám hiểm còn phát hiện được điều kì diệu này - Ảnh 3.

Bên cạnh đó, nhóm khảo cổ còn phát hiện nhiều mảnh vụn đồ gốm và vật chạm khắc trên tường của người Maya. Những tạo tác lớn như điện thờ thần linh và bậc thang ở các hố cenote cũng được tìm thấy.

Chưa hết, các nhà thám hiểm còn thu nhặt được những hóa thạch còn sót lại của loài lười khổng lồ hay gấu và gomphothere (một loài voi đã tuyệt chủng) ở kỷ Băng Hà.

Dù cho đã thành công khi phát hiện được nhiều vết tích khảo cổ có giá trị, nhưng các nhà thám hiểm cũng đang e ngại khi các hoạt động du lịch của con người có thể tàn phá các vết tích này, khi họ lặn vào các hố cenote, cũng như xả rác gây ô nhiễm.

Cuộc hành trình này có lẽ vẫn chưa kết thúc, Robert Schmitter - thành viên của đội thám hiểm cho biết thêm: "Vẫn còn có những hang động xung quanh Sac Actun, chúng có thể thông với hang động này."

"Chúng tôi đã rất gần với hang động nối tiếp, nơi có độ dài lên đến 18km. Theo ước tính, hệ thống hang động này đã lên tới 500km, và đây chưa là phải là con số cuối cùng."

Nguồn: Sciencealert