Filler được biết đến là chất làm đầy đóng vai trò quan trọng trong công cuộc làm đẹp của nhiều chị em phụ nữ. Không chỉ giúp nâng mũi, filler hay những hoạt chất khác như Collagen dạng tiêm, Acid hyaluronic (Restylane, Perlane, Teoxane, Prevelle…) còn được sử dụng rất nhiều trong việc độn cằm, làm môi trái tim, hoặc làm đầy má bị hóp. Không ít cô gái trẻ vì lỡ trót tin vào những lời "đường mật" từ các spa, cơ sở thẩm mỹ không đủ uy tín đã phải ngậm ngùi nhận những cái kết đắng.
Mới đây nhất vụ việc hotgirl chuyển giới Lin Da đã khiến rất nhiều người "choáng" trước tình trạng hiện giờ của cô sau khi nạo silicon kém chất lượng ra khỏi mặt. Một lần nữa, phái đẹp được phen giật mình trước những mũi tiêm "dởm" tác động lên chính gương mặt mình.
"Hotgirl" chuyển giới Lin Da chia sẻ ảnh mặt biến dạng sau khi nạo silicon
Khác với gương mặt luôn được trang điểm kĩ càng mỗi khi đăng ảnh lên mạng, những hình ảnh hiện tại lại cho thấy một Lin Da với gương mặt biến dạng, phù nề, nhấp nhô với nhiều vết sẹo lớn và vùng da đỏ ửng.
Hình ảnh xinh đẹp trước đây của Lin Da...
... và bây giờ sau khi nạo silicon kém chất lượng.
Được biết, sau hơn 1 tháng nạo silicon kém chất lượng ra khỏi mặt tình trạng của Lin Da không những không cải thiện mà ngày càng trở nên tồi tệ. Dù đã tiêm rất nhiều thuốc, thậm chí tìm đến cả những bác sĩ giỏi nhất trong nước nhưng vết thương bên trong vẫn chưa lành mà còn ứ dịch và sưng phù nhiều hơn.
Trước đây không lâu, Lin Da từng phải nằm viện điều trị trong thời gian dài. Cô cũng từng livestream nói về tác hại của việc sử dụng silicon lỏng kém chất lượng dẫn đến việc gương mặt của mình trở nên biến dạng như hiện giờ.
Cô gái 23 tuổi đột quỵ sau khi tiêm chất làm đầy để nâng mũi
Lin Da không phải là trường hợp cá biệt gặp phải "trái đắng" khi tiêm chất làm đầy dởm, trước đó, ngày 20/12/2016, cô gái trẻ tên N.T.L (quê ở TP.HCM) đã phải nhập viện cấp cứu vì bị đột quỵ sau khi nâng mũi bằng chất làm đầy. Không những thế, mắt trái của bệnh nhân bị mất thị lực hoàn toàn, yếu tay chân bên phải, tình trạng khá nguy kịch.
Được biết nữ bệnh nhân này học làm thẩm mỹ tại một cơ sở thẩm mỹ ở quận 6 - TP.HCM. Quá trình học, bệnh nhân có nhờ người dạy tiêm chất làm đầy vào mũi để nâng mũi cao thêm. Tuy nhiên sau khi tiêm, thiếu nữ này thấy mắt trái mờ, tay chân bên phải yếu dần có nhiều biểu hiện xấu khác nên được đưa tới bệnh viện cấp cứu.
Cô gái đột quỵ sau khi tiêm filler nâng mũi. Ảnh: ANTĐ
Các bác sĩ khoa bệnh lý mạch máu não Bệnh viện Nhân dân 115 TP.HCM đã thăm khám và xác định bệnh nhân tiêm chất làm đầy vào trúng mạch máu, gây thuyên tắc động mạch máu não bên trái, gây yếu nửa người bên phải, ngoài ra còn làm thuyên tắc động mạch mắt, làm giảm thị lực mắt trái.
Bơm môi hình trái tim, cô gái trẻ hoảng hồn khi phát hiện 18 "dị vật" như viên bi bên trong môi
Cách đây 2 năm, chị M.D (quận Thanh Xuân, Hà Nội) cũng đến một cơ sở Spa trên đường Nguyễn Khuyến để tiêm filler tạo môi trái tim với giá 6 triệu đồng/1cc. Sau một năm, môi chị bắt đầu có hiện tượng bị vón thành nhiều cục, không tan.
Một thời gian sau, lúc ăn thấy tức sờ thấy cục nổi nhiều trên môi nên chị đã đi khám và được bác sĩ cho biết trong môi mình có dạng bị vón thành nhiều cục tròn như viên bi. Quá hoảng sợ, chị D. đã yêu cầu bác sĩ nạo ra luôn. Bác sĩ sờ vào môi chỗ nào có cục thì rạch và gắp ra. Kết quả là gắp 18 cục to tròn.
Quả môi hỏng sau khi tiêm filler của chị M.D.
Và bên trong có tới 18 dị vật như viên bi.
Chi phí chị D. đi nạo những chỗ vón cục trên môi mất khoảng 8 triệu đồng. Bác sĩ cho biết, dù chị có tiêm tan thì những chỗ vón cục trên môi cũng không hết, thậm chí để lâu sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến sức khỏe.
Quý cô sính tiêm filler độn cằm V-line dởm
Đây là trường hợp của chị H.T. Vì muốn có một chiếc cằm V-line đúng "mốt" hiện hành nhưng lại sợ đụng chạm dao kéo nên H.T. đã tiêm filler để cải thiện nhan sắc một cách nhanh chóng. Chuẩn bị một khoản tiền kha khá, cô gái trẻ đã đến một trung tâm thẩm mỹ để tiêm filler độn cằm. Tuy nhiên sau khoảng một tuần, cằm đẹp đâu không thấy, H.T. chỉ thấy vùng cằm bắt đầu có triệu chứng mưng mủ, chảy dịch, sưng và đau.
Hoảng hốt với chiếc cằm của mình, thiếu nữ này đã tìm đến bệnh viện thăm khám. Tại đây, bác sĩ kết luận, loại chất được tiêm vào cằm H.T. có nhiều thành phần filler giả, không phải là filler 100%. Vùng cằm của cô đang có dấu hiệu hoại tử và cần phải được phẫu thuật nạo bỏ chất này ngay lập tức. Nếu không để lâu dài sẽ ảnh hưởng tới tính mạng.
Cô gái hoại tử cằm vì tiêm phải filler giả. Ảnh: Kienthuc.net
Sau tất cả, nhiều cô gái trẻ vì muốn gương mặt trở nên thanh tú hơn đã không ngại bỏ cả khoản tiền khổng lồ để làm đẹp. Tuy nhiên việc tìm đến những cơ sở không uy tín khiến tiền mất tật mang, đẹp thì chưa thấy nhưng sức khỏe bị ảnh hưởng nghiêm trọng.
Tiêm filler là phương pháp không cần phẫu thuật, mà chỉ cần thực hiện qua một mũi tiêm. Mục đích của filler là làm phẳng da hay tăng thể tích của một bộ phận nào đó trong thời gian ngắn mà không cần dao kéo. Tuy nhiên, filler chỉ có hiệu quả trong vòng 4-6 tháng. Muốn duy trì kết quả, cần tiếp tục điều trị, giá mỗi lần thực hiện khoảng 10-20 triệu đồng.
Đây là một trong những kiểu phẫu thuật thẩm mỹ giúp tạo nên vẻ quyến rũ cho phái đẹp một cách nhanh chóng nhất. Tuy nhiên, trong cuộc chạy đua nhan sắc ấy vẫn có những trường hợp ngoại lệ, không phải ai cũng có được đôi môi quyến rũ như ý mà thay vào đó là những đôi môi... thảm họa.