Khi nhắc đến tốc độ di chuyển, ít ai nghĩ đến các châu lục. Thế nhưng, xét về mặt địa chất, Australia chính là khối lục địa đang trôi nhanh nhất trên hành tinh. Châu lục này hiện đang dịch chuyển về phía bắc với vận tốc khoảng 7 cm mỗi năm – tương đương tốc độ mọc tóc hoặc móng tay của con người.
Trong khi đó, phần lớn các lục địa khác chỉ di chuyển với tốc độ trung bình khoảng 1,5 cm mỗi năm, theo số liệu từ Cơ quan Khí quyển và Đại dương Quốc gia Hoa Kỳ (NOAA). Điều này giúp Australia vượt xa phần còn lại của thế giới về tốc độ dịch chuyển địa chất.
Trên thực tế, khi nói đến sự di chuyển của Australia, các nhà khoa học đang đề cập đến mảng kiến tạo Ấn-Úc – mảng bao gồm toàn bộ lục địa Australia, đảo Tasmania, một phần Papua New Guinea, New Zealand và cả một phần đáy Ấn Độ Dương. Theo hướng di chuyển hiện tại, trong vài chục triệu năm tới, mảng này có thể va chạm với phần rìa phía nam của mảng Á-Âu, đặc biệt là khu vực Đông Nam Á và Trung Quốc. Một số nhà khoa học cho rằng sự kiện này có thể dẫn đến sự hình thành của một siêu lục địa mới, tạm gọi là “Austrasia”.
Việc các lục địa thay đổi vị trí không phải là hiện tượng mới. Khoảng 200 triệu năm trước, Australia từng là một phần của Gondwana – một siêu lục địa khổng lồ bao phủ phần lớn bán cầu Nam, gồm cả châu Phi, Nam Mỹ, Ấn Độ và Nam Cực ngày nay. Trong khi đó, các khối lục địa ở phía Bắc như châu Âu, châu Á và Bắc Mỹ từng hợp nhất thành một lục địa riêng biệt mang tên Laurasia.
Bề mặt Trái Đất, nhìn bề ngoài có vẻ ổn định, thực chất đang ở trong trạng thái chuyển động liên tục. Các mảng kiến tạo giống như những mảnh vỡ lớn trên một băng chuyền khổng lồ, không ngừng va chạm, tách rời hoặc nén vào nhau. Sự chuyển động này tuy chậm đến mức gần như không thể cảm nhận trong đời sống hàng ngày, nhưng lại đủ nhanh để tạo ra những ảnh hưởng rõ rệt đối với công nghệ hiện đại.
Một ví dụ cụ thể là hệ thống định vị toàn cầu GPS và các hệ thống tương tự như GLONASS của Nga, Galileo của châu Âu hay BeiDou của Trung Quốc. Các hệ thống này dựa vào các vệ tinh hoạt động theo các hệ tọa độ cố định để xác định vị trí trên mặt đất. Khi mặt đất dưới chân người dùng dịch chuyển vài centimet mỗi năm, lâu dần sẽ dẫn đến sai số giữa tọa độ thực tế và vị trí trên bản đồ kỹ thuật số.
Tình huống này từng xảy ra tại Australia. Cho đến năm 2017, nước này vẫn sử dụng hệ tọa độ được thiết lập từ năm 1994. Sau 23 năm, vị trí thực tế của lục địa Australia đã lệch khoảng 1,6 mét so với dữ liệu bản đồ. Để khắc phục, chính phủ Australia đã cập nhật hệ thống định vị, điều chỉnh tọa độ chính thức của cả lục địa, dịch chuyển nó 1,8 mét về phía đông bắc để phù hợp với vị trí thực tế hiện tại.