Một hành tinh của hệ Mặt Trời được xác định “còn sống”

Anh Thư, Theo Người lao động 15:18 06/04/2025
Chia sẻ

Hành tinh láng giềng của chúng ta có thể đang che giấu một lớp vỏ đang khuấy động, cung cấp năng lượng cho 85.000 ngọn núi lửa.

Các nghiên cứu trước đây cho rằng trong các hành tinh của Thái Dương hệ, chỉ có một mình Trái Đất đang sở hữu lớp vỏ sống động, liên tục chuyển dịch do kiến tạo mảng và giúp sự sống có cơ hội hình thành, phát triển.

Các hành tinh còn lại, bao gồm Sao Kim - vốn rất giống Trái Đất khi mới ra đời - được cho là những quả cầu đã "chết" từ lâu, với lớp vỏ tĩnh lặng.

Nhưng nhóm nghiên cứu từ Đại học Washington ở St. Louis (Mỹ) vừa chỉ ra bằng chứng cho thấy Sao Kim có vẻ "còn sống", theo tờ SciTech Daily.

Một hành tinh của hệ Mặt Trời được xác định “còn sống”- Ảnh 1.

Hành tinh láng giềng có thể không phải là một quả cầu chết - Ảnh đồ họa: NASA/SCITECH DAILY

Nghiên cứu mà họ vừa công bố trên tạp chí khoa học Physics of the Earth and Planetary Interiors cho rằng lớp vỏ ngoài của sao Kim có thể vẫn đang liên tục chuyển động qua một quá trình được gọi là đối lưu.

Trong địa chất, đối lưu đề cập đến chuyển động của vật liệu nóng bốc lên trong khi vật liệu lạnh hơn chìm xuống, tạo ra một chu kỳ liên tục, giống như một băng chuyền.

Ở Trái Đất, quá trình này xảy ra sâu trong lớp phủ và là động lực thúc đẩy kiến tạo mảng. Còn lớp vỏ Trái Đất - dày khoảng 6-40 km - vốn quá mỏng và lạnh để hỗ trợ sự đối lưu.

Thế nhưng, lớp vỏ Sao Kim lại có độ dày phù hợp - khoảng 30-90 km - cũng như nhiệt độ và thành phần đá phù hợp cho quá trình đối lưu.

Quá trình này cũng giải thích một điều khiến các nhà khoa học bối rối bấy lâu nay: Sao Kim vốn nóng cả bên trong lẫn bên ngoài và không rõ điều gì đã giúp nhiệt từ bên trong truyền ra bên ngoài. Đối lưu có thể là đáp án.

Quá trình này cũng được cho là thứ đã cung cấp năng lượng cho 85.000 ngọn núi lửa trên Sao Kim. Tuy có vẻ tĩnh lặng hơn Trái Đất nhưng hành tinh này cũng từng để lộ dấu hiệu gợi ý về các vụ phun trào núi lửa tương đối gần.

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày