Bài viết của Tiến sỹ Chalermchai được phát đi qua mạng xã hội theo đó dựa trên số liệu thu thập nghiên cứu, có khoảng 80% số lượng bệnh nhân mắc Covid-19 không có triệu chứng. Theo thống kê, kể từ khi đợt dịch bùng phát từ tháng 4 vừa qua, riêng ở Bangkok đã ghi nhận hơn 130.000 trường hợp dương tính trong đó có hơn 100.000 trường hợp là không có triệu chứng hoặc rất ít.
Ngoài ra, thông qua các xét nghiệm phát hiện thêm được hơn 30.000 trường hợp đã mắc Covid-19 không triệu chứng. Nếu tính theo tỷ lệ trên trừ đi số lượng bệnh nhân đã được phát hiện qua xét nghiệm thì số lượng người đã nhiễm tính theo nhân khẩu ở Bangkok có thể rơi vào từ 400 tới 500.000 người.
Nếu tính rộng ra Bangkok và các tỉnh phụ cận đang là tâm điểm của dịch tại Thái Lan thì con số thực tế có thể lên 800.000 tới 1 triệu người đã mắc Covid-19. Ngoài ra, số trường hợp dương tính tại Thái Lan trong thời gian qua hầu hết đều được phát hiện tại bệnh viện hoặc cơ sở y tế. Chính vì thế, số ca vẫn còn trong cộng đồng là rất lớn.
Bài viết của Tiến sỹ Chalermchai đã gây được nhiều sự chú ý tại Thái Lan khi được nhiều phương tiện truyền thông của nước này đăng tải. Thái Lan đang thực hiện rất nhiều biện pháp phòng dịch nghiêm ngặt trong đó có cả việc cấm người dân ra khỏi nhà ở các vùng đỏ song số lượng ca nhiễm và tử vong vẫn liên tục tăng trong nhiều ngày qua. Tiến sỹ Chalermchai nhận định, việc xét nghiệm bằng công nghệ RT-PCR đạt kết quả cao tuy nhiên sẽ bị hạn chế bởi việc lấy mẫu cũng như tốn kém và mất nhiều thời gian. Chính vì vậy, chính quyền nên phát triển bộ xét nghiệm nhanh. Hiện tại Thái Lan đã cho phép người dân tự mua bộ xét nghiệm và kiểm tra tại nhà.
Số ca mắc Covid-19 mới tại Thái Lan liên tục tăng trong những ngày qua. Thủ tướng Thái Lan Prayuth Chan-o-cha trong phiên họp nội các tuần này cho biết, sẽ cố gắng kiểm soát được dịch bệnh trong vòng từ 4 tới 6 tuần nữa. Đồng thời Thái Lan cũng nâng khả năng tiêm chủng lên 1 triệu liều/ngày thay vì khoảng 200.000 như hiện nay.