Khoá trái cửa nhà dân về quê ăn Tết: Đừng "làm khó" người dân!

Minh Nhân, Theo Tổ Quốc 00:10 18/01/2022

PGS.TS Trần Đắc Phu cho rằng các địa phương không nên "khoá cửa nhà" hay "làm khó" người dân về quê ăn Tết, thay vào đó ý thức phòng chống dịch mới là quan trọng nhất.

Người dân về quê, nhiều địa phương... "khoá trái cửa"

Chỉ còn 2 tuần nữa đến Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022, người dân bắt đầu về quê ăn Tết. Lo ngại vùng dịch, nhiều địa phương vận động, hay viết thư ngỏ kêu gọi người dân không về quê nếu không cần thiết, như một số địa bàn ở Thanh Hoá, Vĩnh Phúc, Sơn La, Quảng Nam,…

Đặc biệt, những ngày qua, gần 30 hộ dân ở xã Thiệu Phú, huyện Thiệu Hóa, tỉnh Thanh Hoá về từ vùng dịch cấp độ 3 và 4 được vận động và đồng ý cho chính quyền địa phương khoá cổng nhà.

Chính quyền xã Thiệu Phú cho rằng việc này tuân thủ Nghị quyết 128 của Chính phủ và chỉ đạo của UBND tỉnh Thanh Hóa. Sau đó, huyện Thiệu Hóa yêu cầu xã mở hết số khóa cửa.

Trường hợp khác là gia đình bà P.T.S, trú tại thôn Cao Bạt Lụ, xã Nam Cao, huyện Kiến Xương, tỉnh Thái Bình. Nhà bà S. có ai 2 cháu nhỏ (7 và 10 tuổi) về từ TP. Hải Phòng ngày 9/1. Thời điểm này, Hải Phòng vẫn là vùng đỏ (cấp độ dịch 4).

Trong thời gian 2 cháu nhỏ cách ly tại nhà, lực lượng chống dịch tại thôn Cao Bạt Lụ đã khóa trái cửa nhà bà S. suốt 7 ngày.

Khoá trái cửa nhà dân về quê ăn Tết: Đừng làm khó người dân! - Ảnh 1.

Những hộ gia đình có người thân về quê ăn Tết bị chính quyền khóa trái cửa

Đừng "làm khó" người dân về quê đón Tết

Trao đổi với chúng tôi, PGS.TS Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế cho rằng các địa phương không nên "khoá cửa nhà" hay "làm khó" người dân về quê ăn Tết. Vừa qua, Chính phủ đã "thổi còi" một số địa phương đưa ra quy định không hợp lý về cách ly, xét nghiệm đối với người từ địa phương khác về.

Bộ Y tế cũng vừa có công văn gửi Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc chấn chỉnh áp dụng các biện pháp phòng chống dịch không phù hợp.

Theo ông Phu, khi Việt Nam chấp nhận chuyển từ "Zero Covid" sang "thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát dịch hiệu quả", nghĩa là chuyển sang kiểm soát rủi ro thay vì "ngăn sông cấm chợ". Các địa phương nên tạo điều kiện cho lao động về quê đón Tết an toàn, thực hiện thống nhất, tránh mỗi nơi mỗi kiểu gây "cát cứ" như trước đây.

Ông Phu cho biết, Bộ Y tế đã có quy định cụ thể về cách ly và xét nghiệm người về từ các địa phương khác. Theo đó, không chỉ định xét nghiệm đối với việc đi lại của người dân, chỉ xét nghiệm đối với trường hợp đến từ địa bàn có dịch ở cấp độ 4 hoặc cách ly y tế vùng (phong tỏa) và các trường hợp nghi ngờ như sốt, ho, khó thở… Hoặc có chỉ định điều tra dịch tễ đến từ địa bàn có dịch ở cấp độ 3.

Việc yêu cầu toàn bộ người vào địa bàn phải xét nghiệm vừa không cần thiết, vừa tốn kém, bất tiện vừa gây tâm lý chủ quan phòng bệnh khi có kết quả xét nghiệm âm tính.

"Chúng ta cần kiểm soát tốt và phản ứng với rủi ro. Tình hình dịch vẫn đang diễn biến phức tạp, số ca mắc tăng mỗi ngày. Vì thế, dù về quê ăn Tết người dân vẫn không nên lơ là các biện pháp phòng bệnh", ông Phu khuyến cáo.

Ông cũng nhấn mạnh, "thích ứng trong tình hình mới" nghĩa là không giãn cách xã hội như trước, do đó người dân phải tuyệt đối tuân thủ nghiêm 5K mọi chỗ, mọi nơi, an toàn phòng dịch khi tham gia giao thông, hạn chế tiếp xúc với đám đông, giảm đi lại không cần thiết.

Về quê cúng giỗ tổ tiên, gặp gỡ cha mẹ, con cái nhưng không tổ chức các hoạt động đông người, không tổ chức ăn uống linh đình, hạn chế thăm nom, tụ tập, khai báo y tế theo hệ thống điện tử…

"Ý thức người dân lúc này là quan trọng nhất, không nên vì nghĩ đã tiêm vaccine mà chủ quan, lơ là. Việc không thực hiện tốt 5K sẽ làm lây lan mầm bệnh cho người khác, đặc biệt là những đối tượng dễ bị tổn thương như người cao tuổi, mắc bệnh nền, trẻ em hay những đối tượng chưa được tiêm đủ liều vaccine", ông Phu nói.

Nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng cũng kiến nghị chính quyền tăng cường tuyên truyền, không tổ chức những hoạt động tạo ra đám đông (như lễ hội chỉ tổ chức phần lễ theo hình thức trực tuyến) có nguy cơ cao, khuyến cáo ăn Tết vui vẻ, an toàn dịch bệnh.

"Nếu không thực hiện các biện pháp quyết liệt thì sau Tết, dịch dễ bùng lên", ông Phu nhấn mạnh.

Khoá trái cửa nhà dân về quê ăn Tết: Đừng làm khó người dân! - Ảnh 2.

Người dân khệ nệ đồ về quê ăn Tết năm 2021

Không nên đánh giá cấp độ dịch quá rộng ảnh hưởng cuộc sống người dân

PGS.TS Trần Đắc Phu cho biết, việc Bộ Y tế sửa đổi hướng dẫn đánh giá cấp độ dịch là cần thiết. Bởi hiện nay, Việt Nam có tỷ lệ tiêm vaccine cao, tỷ lệ số mắc nặng trên số ca nhiễm thấp hơn rất nhiều. Chúng ta cũng đã có kinh nghiệm trong phòng chống dịch, trong điều trị.

Đặc biệt, năng lực của y tế cơ sở trong việc tiếp cận người nhiễm để tư vấn, hướng dẫn, can thiệp y tế kịp thời, không để quá tải hệ thống y tế… Do đó, Bộ Y tế cần sửa cách đánh giá để có đáp ứng phù hợp.

Tuy nhiên, theo ông Phu, việc phân loại cấp độ dịch vẫn nên dựa vào 3 tiêu chí của Nghị quyết 128, gồm: Tỷ lệ ca mắc mới trên địa bàn/số dân/thời gian; Độ bao phủ vaccine và Đảm bảo khả năng thu dung, điều trị của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh các tuyến.

Ông Phu góp ý, Bộ Y tế cần thay đổi các chỉ tiêu, như: tỷ lệ ca mắc mới trên địa bàn/số dân/thời gian có thể phân thành số ca mắc mới theo tỷ lệ mới, thêm tỷ lệ ca bệnh phải thở oxy, tỷ lệ ca tử vong trong tuần. Độ bao phủ vaccine cũng cần theo đối tượng, theo tiêm đủ mũi theo quy định mới.

Tiêu chí "Đảm bảo khả năng thu dung, điều trị của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh các tuyến" cần phân ra khả năng đáp ứng giường bệnh theo phân tầng điều trị... Ngoài ra, có thể cụ thể hơn theo các tuyến xã, huyện, tỉnh để các địa phương dễ thực hiện.

"Chúng ta cần tránh đánh giá cấp độ dịch mức cao quá hoặc rộng quá gây ảnh hưởng kinh tế - xã hội không chỉ cho địa phương mình mà cả tỉnh/ thành khác và người dân", ông Phu nói.

Khoá trái cửa nhà dân về quê ăn Tết: Đừng làm khó người dân! - Ảnh 3.

Chuyên gia khuyến cáo không nên đánh giá cấp độ dịch rộng quá ảnh hưởng cuộc sống người dân

Bộ Y tế cho biết, từ đầu dịch đến nay, Việt Nam vượt 2 triệu ca mắc Covid-19, đứng thứ 28/224 quốc gia và vùng lãnh thổ. 1.747.462 ca bệnh được điều trị khỏi; 35.788 ca tử vong, chiếm tỷ lệ 1,7% so với tổng số ca nhiễm.

Cả nước đã tiêm được 168.960.116 liều vaccine Covid-19, trong đó 78.618.347 liều mũi 1, 72.437.514 liều mũi 2 và 17.904.255 liều mũi 3.

Bộ Y tế đề nghị các địa phương tăng cường thông tin trên các phương tiện thông tin đại chúng để người dân hiểu về chiến lược "thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19 trong tình hình mới".

Các tỉnh/thành không mặc cảm, kỳ thị những người nhiễm hoặc nghi nhiễm Covid-19. Người dân về từ các địa bàn có nguy cơ chủ động khai báo với cơ quan y tế địa phương để được hướng dẫn theo dõi sức khỏe, lấy mẫu xét nghiệm và áp dụng các biện pháp phòng bệnh theo quy định.

Các địa phương cần tăng cường giám sát, phát hiện sớm các trường hợp nghi ngờ nhiễm Covid-19 tại cộng đồng, các trường hợp có biểu hiện ho, sốt để kịp thời khoanh vùng, cách ly, xử lý triệt để ổ dịch không để lây lan, bùng phát rộng. Đồng thời triển khai tốt các hoạt động y tế, tránh lây nhiễm chéo trong cách ly, khu phong tỏa.

https://kenh14.vn/khoa-trai-cua-nha-dan-ve-que-an-tet-dung-lam-kho-nguoi-dan-20220117221617291.chn
TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày