Khi Tết không còn là dịp bạn bè thích đến nhà nhau ăn bữa cơm đầu năm: Mùng Một tết cha, Mùng Hai tết mẹ, Mùng ba… ra đường!

Sky, Theo Helino 10:41 27/01/2020

Thay vì tới nhà nhau chúc Tết, bạn bè đầu năm thích hẹn gặp ở quán cà phê, hàng trà sữa. Mọi người cũng không mấy mặn mà việc qua nhà nhau ăn bữa cơm, gặp mặt đầu năm bởi nhiều người cho rằng rủ nhau ra nhà hàng sẽ tiện và nhàn hơn rất nhiều.

Mới giáp Tết, mẹ tôi đã ngồi càm ràm: “Mua nhiều bánh kẹo quá làm chi, từ hồi ông bà mất mấy cô chú họ có qua nhà chơi mấy nữa đâu”. Đúng là từ hồi ông bà qua đời, không còn cảnh cả họ vài chục người rủ nhau đi chúc Tết từ nhà này tới nhà khác khắp làng trên xóm dưới. Lác đác giờ chỉ còn dăm ba người họ hàng ruột nội ngoại, cũng hết mùng Một Tết là nhà nào biết nhà đấy. Tết bố mẹ hay mở cửa lớn, ngồi xem tivi rồi thỉnh thoảng nhìn ra ngoài cửa khi nghe tiếng người cười nói. Hóa ra bố mẹ cũng khấp khởi xem hôm nay có vị khách nào sẽ tới chơi nhà.

Tết của năm 2019, bố mẹ đã có những suy tư trăn trở như vậy, tôi tự hỏi liệu bọn tôi lớn thêm vài năm nữa, liệu có ai tới chơi nhà không. Hay Tết chỉ còn trong 4 bức tường với cửa đóng then cài?

Mùng Một tết cha, Mùng Hai tết mẹ, Mùng ba… tết ngoài đường!

Mùng ba Tết thầy vốn là dịp để bạn bè gặp gỡ, tranh thủ đi thăm thầy cô xong rồi tụ tập hàn huyên những câu chuyện ngày đầu năm. Nhớ ngày xưa cứ đến mùng 3 mùng 4, lũ bạn tôi lại đạp xe qua từng nhà, chúc Tết nhà này xong sẽ rủ nhau qua nhà đứa khác trước khi cả đám “tếch” đi chơi. Muốn đi đâu thì đi, phải tranh thủ vào chào bố mẹ bạn trước đã, biết đâu lại có tiền lì xì. Nhưng giờ đây, người trẻ dường như không còn quá mặn mà với việc tới nhà nhau chúc Tết. Thay vì gặp gỡ đầu xuân tại nhà, nói dăm ba câu chuyện, nhận lì xì từ bố mẹ bạn, họ thích ra ngoài cà phê, ngồi uống trà sữa hay chọn một nhà hàng nào để gặp gỡ nhau đầu năm hơn là về nhà. “Đắt một chút nhưng thoải mái hơn về nhà”, cô bạn tôi không muốn dẫn bạn về nhà ăn Tết, sợ bố mẹ lại cà kê dăm ba câu chuyện đầu năm không thoải mái.

Khi Tết không còn là dịp bạn bè thích đến nhà nhau ăn bữa cơm đầu năm: Mùng Một tết cha, Mùng Hai tết mẹ, Mùng ba… ra đường! - Ảnh 1.

Ảnh minh họa

“Tết nhất về nhà nhau ăn uống bất tiện lắm, đồ ăn Tết thì nhà nào cũng như nào, ăn nhiều đến phát ngán. Chán nhất là khi có bố mẹ ở nhà, nói chuyện với bạn bè không thoải mái hay làm gì cũng phải để ý, vừa ngại cả mình vừa ngại cả đám bạn”.

Cái Tết của hiện tại không giống Tết của những ngày xưa, khi hàng quán đóng cửa tới mùng 4, mùng 5 mới có chỗ mà đi chơi. Khi những nét truyền thống của ngày Tết nhường chỗ cho các giá trị thương mại, người ta thấy hàng quán mở xuyên Tết. Người trẻ muốn nhẹ gánh những lễ nghĩa rườm rà ngày Tết, chọn tới những quán cà phê hay trà sữa ngồi cả ngày cũng không thấy chán. Hà Nội cách đây 20 năm không có một cái Tết kiểu như vậy, những đứa trẻ trong xóm được bố mẹ dặn đi dặn lại sang nhà bạn chơi phải chào hỏi lễ phép, chúc Tết người lớn trong gia đình sao cho rành rọt. Ký ức ngày Tết của tôi như bộ phim Reply 1988, nơi lũ trẻ hàng xóm thường xuyên chạy qua nhà nhau, Tết nhất cũng bám riết ở nhà bạn không chịu về. Đến năm chúng tôi lên cấp ba, nhóm 10 đứa năm nào cũng tập trung ở nhà một cô bé để gửi xe, xem hết Táo Quân trước khi đi coi bắn pháo hoa, nghe bố mẹ nó chúc năm mới học giỏi rồi lì xì trước khi ùa ra đường theo tiếng pháo nổ đì đùng.

Thật kỳ lạ khi người ta háo hức tới Tết là vậy, cả tháng đôn đáo lo toan cho một cái Tết chu toàn rồi đến những ngày Tết lại chẳng muốn tận hưởng không khí ấm cúng và sự đủ đầy tại gia đình. Thật kỳ lạ khi người ta cứ hát nghêu ngao “Đi thật xa để trở về” nhưng nhà là nơi nhiều người trẻ sợ phải tới nhất trong ngày Tết.

Khi Tết không còn là dịp bạn bè thích đến nhà nhau ăn bữa cơm đầu năm: Mùng Một tết cha, Mùng Hai tết mẹ, Mùng ba… ra đường! - Ảnh 2.

Tết đem lại cho người ta cảm giác háo hức nhưng nó là một cảm giác háo hức ngắn hạn khi năm nào cũng ngần đó câu chuyện, thói quen thường nhật được lặp đi lặp lại. Ai cũng biện minh hợp lý để lựa chọn không đến nhà bạn bè chúc Tết, lười đi thăm họ hàng ngày đầu năm: Sợ bị hỏi han nhiều về công việc hôn nhân, không biết có chuyện gì nói với nhau hay đơn giản không muốn “phiền” nhà người khác. Chúng ta chỉ coi Tết như một ngày hội để vội quên đi những lễ nghĩa truyền thống, vốn là các giá trị không chỉ mang tính hình thức. Sẽ có cả năm cho chúng ta lê la những quán cà phê, trà sữa nhưng không có quá nhiều ngày để đến thăm nhà một người bạn, nghe những lời chúc từ người lớn trong gia đình. Không gói bánh chưng, chẳng trưng một cành đào trong gia đình không làm Tết mất đi phần ý nghĩa nhưng bỏ qua những lời chúc mừng đầu năm hay không khí sum tụ rộn ràng thì Tết chắc hẳn đã nhạt phai đi phần nào.

Bố tôi có 8 người anh chị em, mẹ tôi cũng có 6 người; bạn bè của bố mẹ đều là những người lớn lên trong thời kỳ trọng tình thân và giá trị tinh thần - họ coi Tết là dịp hỏi han, trò chuyện, đến thăm nhà nhau. Tôi tự hỏi liệu chỉ 10 hay 20 năm nữa thôi, khi những đứa trẻ thế hệ chúng tôi bước sang tuổi làm bố mẹ, cái Tết sẽ diễn ra như thế nào? Chúng tôi đâu có nhiều anh chị em để đi chúc Tết, thậm chí là con một. Bạn bè không mặn mà qua nhà nhau chơi mà chỉ muốn đi ăn hàng quán. Rồi mùng một mở cửa đón Tết, liệu cơn gió lành có mang theo những vị khách và câu chuyện đầu năm? Có lẽ lúc đó, chúng ta không cần trang trí nhà cửa lộng lẫy làm gì, hay chăng hùn nhau trang trí những cửa hàng, quán xá hay con đường ta hay đi chơi thật rực rỡ, vậy chắc là được nhỉ?

Khó có thể hình dung được nếu một ngày kia, khi thế hệ trẻ là những người “tiếp quản” ngày Tết truyền thống, còn ai sẽ tới nhà chúng tôi không? Khi bố mẹ về già, sẽ thưa dần những người bạn tuổi ở ngưỡng xế chiều, những người anh chị em họ cũng gần đất xa trời còn bạn bè chúng tôi cũng chưa bao giờ mặn mà với câu chuyện tới nhà nhau chơi. Sáng mùng Một cánh cửa vẫn đóng chặt, phòng khách chẳng khác gì những ngày bình thường khi sự lặng im lại bao trùm khắp không gian. Vì Tết mà, đáng nhẽ phải rộn ràng náo nhiệt mới phải chứ?

Những cánh cửa ngày Tết đóng chặt

Khi anh chị tôi năm đầu tiên kết hôn ra ở riêng, họ thực sự có ngày Tết dành cho riêng mình khi cả ngày chỉ cửa đóng then cài, ngồi trong nhà xem tivi và ăn uống. Đi thăm họ hàng là việc của bố mẹ, anh chị em cũng chưa trưởng thành, Tết đã trở thành một dịp nghỉ ngơi thực sự của hai người.

Như một nghịch lý, ngày Tết ngày càng lớn hơn, được tổ chức dềnh dàng hơn thì những giá trị tinh thần ngày càng mai một. Người ta ăn Tết giản lược hơn, bớt cầu kỳ về giảm những lễ nghĩa rườm rà, biến nó thành một đợt nghỉ dài hơi hơn là một ngày lễ quan trọng về tinh thần của người dân Việt Nam. Cốt lõi của Tết nằm ở sự quây quần, đoàn tụ và tiếng cười rộn ràng đầu năm mới; rồi người ta bớt dần những hoạt động thăm hỏi nhau, ít dần những lời chúc tụng thì ngày Tết sẽ đi về đâu?

Khi Tết không còn là dịp bạn bè thích đến nhà nhau ăn bữa cơm đầu năm: Mùng Một tết cha, Mùng Hai tết mẹ, Mùng ba… ra đường! - Ảnh 3.

Ảnh minh họa

Có những người trẻ thừa nhạy cảm nhưng thiếu sự thấu hiểu, ai đó hỏi vài câu đã vùng vằng như chọc vào tổ kiến lửa. Tết năm 2019, khi tôi nói rằng mình sợ những lời hỏi han đầu năm, sợ đi tới nhà bạn bè vì thể nào cũng bị hỏi bao giờ lấy vợ, rồi người ta lại so sánh này nọ, cậu bạn thân nhất Minh đã rủ tôi làm một chuyến đi Ấn Độ 2 tuần, đi cho qua Tết, quên hết những ngày Tết ngày càng nhạt nhẽo - theo lời cậu ấy nói.

“Tết này bố mẹ tao lên ăn tết với anh chị, nhà cửa khóa lại vắng lặng, bạn bè cũng đâu có ai qua chơi hay chúc Tết gì đâu. Làm chuyến đi du lịch cho vui, cả năm mới có đợt nghỉ dài như vậy mà không bị sếp gọi điện nhắc việc hay check mail liên tục. Tết năm nào chẳng giống năm nào, không ăn Tết nay thì ăn Tết mai, đi du lịch với tao đi”.

Khi những mối quan hệ trong Tết ngày càng co lại, các chuyến viếng thăm bạn bè họ hàng cũng thưa dần rồi người ta quên hẳn đi, có lẽ du lịch là lựa chọn hợp lý nhất. Có người chọn đi du lịch vì tránh cảm giác cô đơn, quạnh quẽ trong Tết, có người đi vì muốn thoát khỏi những câu chuyện riêng tư hay bao điều phiền muộn. Thế hệ chúng tôi hoặc những lớp người trẻ hơn chắc hẳn sẽ ăn Tết một kiểu khác, ăn Tết trên máy bay khi đang ngao du tại một vùng đất nào đó. Đến một ngày đó, Tết sẽ thành ký ức của thế hệ bố mẹ ông bà và không hơn một đợt nghỉ dài hạn của đám trẻ gen Y, gen Z. 

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày