Lịch sử tín dụng là tổng hợp các thông tin chi tiết về các khoản vay ngân hàng hoặc tổ chức tài chính của cá nhân hoặc doanh nghiệp. Tất cả dữ liệu này đều được ghi nhận và lưu trữ trên hệ thống CIC (Trung tâm Thông tin Tín dụng Quốc gia Việt Nam), giúp cơ quan tài chính đánh giá rủi ro tín dụng của khách hàng. Lịch sử tín dụng tốt là một yếu tố quan trọng giúp khách hàng dễ dàng được xét duyệt vay vốn với mức lãi suất ưu đãi hơn.
Hệ thống CIC cập nhật, phân tích và xử lý các thông tin tín dụng quan trọng như:
Thông tin cá nhân, doanh nghiệp: Ghi nhận danh tính của chủ sở hữu khoản vay.
Tổng dư nợ vay: Bao gồm dư nợ tín chấp, dư nợ thế chấp, dư nợ thẻ tín dụng, khoản vay mua ô tô, nhà ở...
Lịch sử trả nợ: Thống kê các khoản nợ đã thanh toán đúng hạn, trễ hạn hoặc phát sinh nợ xấu trong vòng 5 năm gần nhất.
Thông tin tài sản đảm bảo: Nếu khách hàng vay thế chấp, hệ thống sẽ ghi nhận giá trị và tình trạng tài sản thế chấp.
Điểm tín dụng cá nhân/doanh nghiệp: Là thang điểm đánh giá khả năng tài chính và độ rủi ro khi cấp tín dụng.
Kiểm tra lịch sử tín dụng giúp cả ngân hàng và khách hàng quản lý rủi ro tài chính hiệu quả hơn. Dưới đây là các lý do quan trọng để thực hiện tra cứu:
Căn cứ để ngân hàng quyết định cấp tín dụng
Ngân hàng luôn kiểm tra lịch sử tín dụng trước khi cấp khoản vay nhằm đánh giá mức độ rủi ro. Nếu khách hàng có điểm tín dụng cao và không có nợ xấu, khả năng được vay vốn sẽ cao hơn với lãi suất thấp hơn. Ngược lại, nếu lịch sử tín dụng xấu (thanh toán trễ hạn, nợ quá hạn), ngân hàng có thể từ chối hoặc áp dụng mức lãi suất cao hơn.
Giúp khách hàng quản lý tài chính và trả nợ đúng hạn
Việc theo dõi lịch sử tín dụng thường xuyên giúp khách hàng biết được tổng dư nợ, thời hạn thanh toán, hạn mức thẻ tín dụng còn lại. Nhờ đó, khách hàng có kế hoạch chi tiêu hợp lý hơn để đảm bảo thanh toán đúng hạn, tránh bị giảm điểm tín dụng.
Hỗ trợ xin visa dễ dàng hơn
Một số quốc gia (như Mỹ, Canada, Úc) xem xét lịch sử tín dụng khi cấp visa dài hạn hoặc visa định cư. Nếu khách hàng có lịch sử tín dụng tốt, cơ hội xin visa sẽ thuận lợi hơn.
Phát hiện các khoản vay bất thường
Kiểm tra lịch sử tín dụng định kỳ giúp khách hàng phát hiện các khoản nợ lạ mà mình không vay. Đây có thể là dấu hiệu của việc bị đánh cắp thông tin cá nhân và làm giả hồ sơ vay. Nếu phát hiện sớm, khách hàng có thể kịp thời khiếu nại và bảo vệ quyền lợi của mình.
Hướng dẫn cách kiểm tra lịch sử tín dụng cá nhân
Hiện nay, khách hàng có thể dễ dàng tra cứu lịch sử tín dụng thông qua ngân hàng hoặc trực tiếp trên hệ thống CIC. Dưới đây là các cách kiểm tra phổ biến:
Kiểm tra lịch sử tín dụng tại ngân hàng
Khách hàng có thể đến ngân hàng để yêu cầu tra cứu lịch sử tín dụng theo các bước sau:
Bước 1: Đến chi nhánh/phòng giao dịch ngân hàng và yêu cầu kiểm tra lịch sử tín dụng.
Bước 2: Xuất trình CMND/CCCD hoặc giấy tờ khác theo yêu cầu.
Bước 3: Nhân viên ngân hàng thực hiện tra cứu và cung cấp kết quả.
Kiểm tra qua website CIC
Khách hàng có thể tra cứu lịch sử tín dụng miễn phí qua trang web của CIC:
Truy cập https://cic.gov.vn; Đăng ký tài khoản, điền đầy đủ thông tin cá nhân; Xác thực danh tính qua OTP và câu hỏi xác thực. Sau đó, khách hàng nhận thông tin tài khoản qua email, sau đó đăng nhập để xem lịch sử tín dụng.
Tra cứu trên ứng dụng CIC Credit Connect
CIC cung cấp ứng dụng trên điện thoại giúp khách hàng kiểm tra tín dụng tiện lợi hơn. Khách hàng có thể tải và cài đặt ứng dụng CIC Credit Connect trên điện thoại, đăng ký tài khoản và chờ xác thực trong 1-3 ngày. Đăng ký thành công, khách hàng có thể đăng nhập và thực hiện khai thác báo cáo tín dụng, nhận kết quả kiểm tra lịch sử tín dụng trực tiếp trên ứng dụng.
Làm thế nào để có lịch sử tín dụng tốt?
Duy trì lịch sử tín dụng tốt giúp khách hàng dễ dàng tiếp cận nguồn vốn với chi phí thấp hơn. Dưới đây là một số nguyên tắc quan trọng để cải thiện điểm tín dụng:
Thanh toán đầy đủ và đúng hạn: Không để xảy ra tình trạng nợ xấu, trễ hạn thanh toán.
Không bảo lãnh khoản vay của người khác: Nếu người được bảo lãnh không trả nợ đúng hạn, lịch sử tín dụng của bạn cũng bị ảnh hưởng.
Tránh vay quá nhiều khoản cùng lúc: Việc có quá nhiều khoản vay sẽ làm giảm điểm tín dụng do ngân hàng đánh giá rủi ro cao.
Kiểm soát việc sử dụng thẻ tín dụng: Không chi tiêu vượt hạn mức tín dụng để tránh mất khả năng thanh toán.
Theo dõi báo cáo tín dụng thường xuyên: Kiểm tra định kỳ để kịp thời phát hiện sai sót và điều chỉnh kế hoạch tài chính.
Lịch sử tín dụng không chỉ ảnh hưởng đến khả năng vay vốn mà còn có tác động đến nhiều khía cạnh tài chính khác. Vì vậy, mỗi khách hàng nên có kế hoạch tài chính hợp lý để duy trì điểm tín dụng tốt, tạo điều kiện thuận lợi cho các giao dịch tài chính trong tương lai.