Vào một thời điểm nào đó trong cuộc đời, chúng ta có thể ngáy. Nguyên nhân có thể do nghẹt mũi vì nhiễm trùng, uống một vài ly rượu, có vấn đề ở vòm miệng. Tuy nhiên, ngáy mãn tính có thể cảnh báo các vấn đề sức khỏe nguy hiểm như chứng ngưng thở khi ngủ.
Chứng ngưng thở khi ngủ nguy hiểm như thế nào?
Khi mắc chứng ngưng thở khi ngủ, hơi thở của bạn sẽ ngừng lại hoặc trở nên nông, điều này có thể dẫn đến giảm nồng độ oxy trong máu, kích hoạt não đánh thức bạn trong thời gian ngắn để bắt đầu lại hơi thở, thường là trong thời gian ngắn đến mức bạn sẽ không nhớ rằng mình đã tỉnh giấc vào sáng hôm sau. Kiểu thở này làm gián đoạn nhịp điệu giấc ngủ tự nhiên của bạn, khiến bạn cảm thấy mệt mỏi, suy giảm khả năng tập trung và một loạt các vấn đề sức khỏe khác.
Ngưng thở khi ngủ có thể làm tăng nguy cơ gặp các tình trạng nguy hiểm như:
- Trầm cảm: Tình trạng này có thể khiến bạn mệt mỏi, cáu kỉnh và cảm giác kiệt sức kéo dài, từ đó làm tăng nguy cơ rối loạn cảm xúc và trầm cảm.
- Bệnh tiểu đường loại 2: Tình trạng thiếu oxy không liên tục do ngưng thở khi ngủ có thể ảnh hưởng đến quá trình chuyển hóa glucose của cơ thể, dẫn đến tình trạng kháng insulin.
- Đột quỵ: Mức oxy thấp có thể gây viêm và các thay đổi bất lợi khác trong cơ thể làm tăng nguy cơ đột quỵ.
- Đau tim: Nồng độ oxy giảm thường xuyên trong khi ngủ dẫn đến tăng huyết áp và tạo áp lực quá mức lên tim. Theo thời gian, điều này có thể làm tim yếu đi và tăng nguy cơ đau tim.
Nếu bạn thường xuyên ngủ ngáy và kèm theo các dấu hiệu sau đây, tình trạng ngủ ngáy của bạn cần được quan tâm và bạn nên đến gặp bác sĩ để có hướng điều trị, khắc phục nhanh chóng.
Cảm thấy thường xuyên mệt mỏi vào ban ngày và kết hợp với chứng ngáy ngủ (bạn có thể hỏi người thân xem bạn có ngủ ngáy hay không), đây có thể là triệu chứng của chứng ngưng thở khi ngủ.
Việc thức giấc liên tục liên quan đến chứng ngưng thở khi ngủ khiến chất lượng giấc ngủ bị suy giảm, đặc biệt là giấc ngủ REM (giấc ngủ sâu). Điều này làm cho quá trình hồi phục sức khoẻ từ giấc ngủ bị gián đoạn. Tình trạng này xảy ra lâu ngày gây ra tình trạng buồn ngủ và mệt mỏi vào ban ngày.
Ngủ ngáy kèm với huyết áp cao cảnh báo nhiều vấn đề về sức khoẻ. Tình trạng này có thể do chứng ngưng thở khi ngủ. Ngưng thở khi ngủ do tắc nghẽn có thể dẫn đến tăng huyết áp. Mỗi khi một người ngừng thở trong vài giây, hệ thần kinh giao cảm của cơ thể sẽ hoạt động và làm tăng huyết áp. Ngoài ra, cơ thể giải phóng hormone căng thẳng gọi là catecholamine, cũng có thể làm tăng huyết áp theo thời gian.
Nguy hiểm hơn, ngáy do ngưng thở khi ngủ do tắc nghẽn có thể dẫn đến suy tim, rối loạn nhịp tim và đột quỵ.
Chỉ số khối cơ thể là một điểm số thường được sử dụng để chỉ ra mức cân nặng (BMI). Để tính chỉ số BMI, các bạn dựa theo công thức lấy cân nặng của bạn chia cho bình phương của chiều cao. Công thức tính BMI như sau: BMI = cân nặng (kg)/(chiều cao (m))^2.
BMI lý tưởng của người Việt Nam là từ 18,5 đến 22,9. Bạn được coi là thừa cân khi BMI của bạn nằm trong khoảng từ 23 đến 25, từ 25 đến 29.9 được coi là béo phì độ I. Trên 30 được coi là béo phì độ II.
Những người chỉ số BMI từ 30 hoặc 35 trở lên thường bị ngưng thở khi ngủ do tắc nghẽn vì trọng lượng dư thừa ở miệng, lưỡi và cổ làm sụp các mô mềm, khiến việc thở trở nên khó khăn hơn.
Tuy nhiên, nếu ngủ ngáy đi kèm với chỉ số khối cơ thể cao, bạn có thể giảm cân bằng cách tập thể dục, ăn uống lành mạnh và hạn chế calo, ngủ đủ giấc, hạn chế căng thẳng và tránh hút thuốc, uống rượu.
Ngưng thở khi ngủ thường gặp ở người lớn tuổi. Điều này là do khi già đi, cơ sẽ yếu hơn, bao gồm cả những cơ mà bạn có thể không nghĩ đến như cơ ở đường thở. Khi cơ bị yếu, đường thở dễ bị xẹp hơn, do đó làm tăng nguy cơ mắc chứng ngưng thở khi ngủ.
Mặc dù các nghiên cứu phát hiện ra rằng chứng ngưng thở khi ngủ ở người cao tuổi có xu hướng ở mức độ nhẹ đến trung bình, trong khi các trường hợp nghiêm trọng hơn xảy ra ở độ tuổi trẻ hơn. Tuy nhiên, người lớn tuổi cũng dễ mắc các bệnh lý mãn tính như bệnh tim, tiểu đường loại 2, huyết áp cao... Do vậy, người lớn tuổi mắc chứng ngưng thở khi ngủ sẽ có nguy cơ cao gặp nhiều biến chứng hơn.
Vòng cổ to là dấu hiệu cho thấy bạn đang thừa cân hoặc béo phì, đây cũng là dấu hiệu quan trọng của chứng ngưng thở khi ngủ do tắc nghẽn.
Kích thước vòng cổ luôn lớn hơn 17 inch (43 cm) đối với nam giới và lớn hơn 16 inch (40,6 cm) đối với nữ giới sẽ khiến bạn có nguy cơ mắc chứng ngưng thở khi ngủ cao hơn.
Theo một nghiên cứu được đăng tải trên Medicalnewstoday, những người ngủ ngáy và mắc ngưng thở khi ngủ có nguy cơ gặp vấn đề về suy nghĩ và trí nhớ cao hơn 50% so với những người không có triệu chứng ngưng thở khi ngủ.
Chứng ngưng thở khi ngủ có thể gây ra các vấn đề liên quan đến trí nhớ là do việc ngưng thở khiến quá trình oxy hóa kém suốt đêm hoặc làm suy giảm chu kỳ giấc ngủ do tỉnh giấc. Do vậy, các chức năng điều hành bị suy giảm, chẳng hạn như trí nhớ và sự tập trung.
Để khắc phục tình trạng ngủ ngáy, bạn có thể cần kết hợp thay đổi tư thế ngủ và lối sống, đồng thời điều trị các bệnh lý gây ra tình trạng ngáy. Dưới đây là những cách khắc phục tình trạng ngủ ngáy:
- Thay đổi tư thế ngủ: Nằm ngửa khiến gốc lưỡi và vòm miệng mềm sụp xuống thành sau của cổ họng, gây ra tiếng ngáy khi ngủ. Ngủ nghiêng có thể giúp ngăn ngừa tình trạng này.
- Giảm cân: Nếu có chỉ số khối cơ thể quá mức, bạn cần thay đổi lối sống và chế độ ăn uống để giảm cân.
- Ngủ đủ giấc: Việc thiếu ngủ sẽ khiến bạn quá mệt mỏi và ngủ sâu, làm các cơ trở nên mềm nhũn hơn, gây ra chứng ngáy ngủ.
- Khắc phục tình trạng nghẹt mũi: Nếu bạn đang bị nghẹt mũi do nhiễm trùng hay tình trạng sức khoẻ nào đó, bạn nên xông mũi và sử dụng thuốc điều trị bệnh.
- Uổng đủ nước: Các chất tiết trong mũi và vòm miệng mềm của bạn trở nên dính hơn khi bạn bị mất nước. Điều này có thể gây ra chứng ngáy ngủ nhiều hơn. Do vậy, hãy đảm bảo uống đủ nước trong ngày.
- Tránh uống rượu và hút thuốc: Rượu và thuốc có thể ảnh hưởng đến sức khoẻ tổng thể và làm tăng nguy cơ ngáy khi ngủ.
Nguồn: CNN