Khi học trò gặp phải ảnh hưởng tâm lý sau thời gian dài học online: Nghiện game, từ chối giao tiếp, cảm thấy mất phương hướng và hơn thế nữa

Team Học Đường - Clip: Kingpro, Theo Trí Thức Trẻ 00:08 08/12/2021
Chia sẻ

Nhiều học sinh, sinh viên thừa nhận mình gặp một số vấn đề về tâm lý sau thời gian học online. Có người tỏ ra ít nói, người dễ trở nên cáu gắt, lại có người mất đi sự tự tin.

- Dễ mất tập trung

- Nghiện game nên học hành sa sút

- Chán học khi suốt ngày tiếp xúc với máy tính...

Đó chỉ là một vài ảnh hưởng tâm lý học trò có thể gặp phải khi học online kéo dài. Phải nhấn mạnh rằng: Học online là giải pháp thích hợp nhất trong thời điểm hiện tại. Tuy nhiên trong quãng kéo dài, một số bạn đã gặp vấn đề ảnh hưởng dù ít hay nhiều.

Học sinh lớp 1: "Nhà con có cái phòng nhỏ xíu à, mà không có ai chơi cùng, đâu có vui gì đâu"

Bé Phạm Nhật Nam (6 tuổi, Bình Thạnh, TP.HCM) vừa bước vào lớp 1 được mấy tháng nay. Với học trò lớp 1, lần đầu tiên được trải nghiệm cuộc sống của một học sinh phổ thông đã phải học online nên dường như em vẫn chưa hiểu hết hay chưa được trải nghiệm tất cả những cảm giác khi ngồi học tại lớp. Điều này cũng làm cậu bé quen luôn với cách học online và dần quên đi cảm giác háo hức đến trường như các lứa học trò lớp 1 khác.

Cậu bé hồn nhiên cho biết mình thích học online vì không hay bị cô giáo la, ở nhà thoải mái được ngồi theo tư thế mình thích, chơi đồ chơi hay làm việc riêng trong giờ học mà không bị phát hiện.

Dù mới học lớp 1 song từ ngày học online, cậu bé đã bắt đầu biết cách sử dụng máy tính và đến nay đã có thể thao tác một cách thành thạo như người lớn. Cũng chính vì thế, cậu bé có thể tự làm mọi điều mình muốn trên máy tính khi không có cha mẹ giám sát. Nhật Nam thật thà kể mình cũng từng bật YouTube lên xem các kênh mà mình ưa thích khi mẹ đi vắng và từng bị mẹ phát hiện.

Tâm lý của học sinh học lớp 1 khi học online suốt nhiều tháng qua

Chị Võ Thị Thu Lệ, mẹ của Nhật Nam cũng thừa nhận rằng việc học online và tiếp xúc quá sớm với thiết bị điện tử, đặc biệt là mạng Internet khiến chị rất khó kiểm soát. Chị cho biết trong lúc bé học phải dành không gian riêng tư cho bé chứ không thể kề cạnh 100% thời gian, chị chỉ lâu lâu vào xem con mình đang làm gì.

Chị Lệ chia sẻ: "Mình rất hay quan sát vì mình phải biết để can thiệp kịp thời chứ không thể để cho bé thoải mái máy sử dụng Internet. Trước khi học mình cũng đã nói chuyện với bé nhưng vẫn đi kiểm tra bất ngờ. Lúc đó mình vẫn thấy trong quá trình học bạn hay nghịch thay đổi background bằng cách tự lên Google hoặc các trang mạng khác để tìm hoặc làm nhiều việc khác nữa!"

Khi học trò gặp phải ảnh hưởng tâm lý sau thời gian dài học online: Nghiện game, từ chối giao tiếp, cảm thấy mất phương hướng và hơn thế nữa - Ảnh 2.
Khi học trò gặp phải ảnh hưởng tâm lý sau thời gian dài học online: Nghiện game, từ chối giao tiếp, cảm thấy mất phương hướng và hơn thế nữa - Ảnh 3.

Nhật Nam mới vào lớp 1 nhưng đã thành thạo các thao tác trên máy tính

Nhưng dù chưa biết cảm giác trường lớp có gì và việc học online đang khiến cậu bé lớp 1 thoải mái thế nào, vẫn có những gạch đầu dòng khiến em đang dần mất đi hứng thú với việc ngồi trước laptop mỗi ngày. Nhật Nam chia sẻ mình thích giờ nghỉ giải lao được chơi cùng các bạn hơn là việc chỉ ngồi một mình mà không có sự tương tác.

Cậu bé cho biết: "Nhà con ở trên lầu có một cái phòng nhỏ xíu à, không như cái sân bóng đá mà không có ai chơi cùng, đâu có vui gì đâu!"

Khi học trò gặp phải ảnh hưởng tâm lý sau thời gian dài học online: Nghiện game, từ chối giao tiếp, cảm thấy mất phương hướng và hơn thế nữa - Ảnh 4.

Điều này cho thấy cậu bé đang thiếu đi những môi trường để trau dồi các kỹ năng giao tiếp và kỹ năng xã hội khác. "Khi bé học online, tương tác với mọi người qua màn hình máy tính, nếu tính ra là hết mấy tiếng một ngày bé nói chuyện với bạn bè, thầy cô nên bé không có thời gian để tương tác trực tiếp với những người xung quanh, có khi mình làm việc cả ngày cũng không có thời gian để nói chuyện với bé!", chị Lệ bày tỏ.

Cũng chính vì lý do này nên thời gian gần đây, khi TP.HCM mở cửa các dịch vụ và khôi phục các hoạt động, chị phải dành thời gian cuối tuần để dẫn con đi nhà sách, gặp gỡ bạn bè hay tổ chức các chuyến dã ngoại, cắm trại ở xa thành phố như rừng quốc gia Nam Cát Tiên... để giải tỏa áp lực học online cũng như giúp bé có thêm môi trường để vui chơi, qua đó trau dồi được các kỹ năng xã hội.

Khi học trò gặp phải ảnh hưởng tâm lý sau thời gian dài học online: Nghiện game, từ chối giao tiếp, cảm thấy mất phương hướng và hơn thế nữa - Ảnh 5.

Học sinh phổ thông: Con ham chơi game đến mức rớt luôn xuống hạng... trung bình!

Hai chị em Như Quỳnh (lớp 6) và Như Thảo (lớp 2) ngoài những vấn đề thông thường mà bất kỳ học sinh nào khi học online cũng từng trải qua thì lại có thêm những vấn đề phát sinh của riêng mình. Các bé thật thà tâm sự rằng mình dễ bị phân tâm vì không có góc học tập yên tĩnh, nhiều tạp âm như tiếng chim kêu, chó sủa hay tiếng karaoke của hàng xóm.

Vì nhà có tận 2 chị em cùng học online nhưng thiết bị lại không đủ, đôi khi khiến cả hai xảy ra tình huống tranh giành. Sau này, bố mẹ của Quỳnh và Thảo phải mua thêm thiết bị để hai chị em thay phiên nhau học.

Nhưng dù thế, cả hai vẫn còn xảy ra cãi vã khi phải ngồi học cùng nhau trong một căn phòng. Lý do bởi khi học cùng nhau, tiếng giáo viên trong máy tính lấn át vì loa to hơn trong khi điện thoại lại nghe rất nhỏ.

Khi học trò gặp phải ảnh hưởng tâm lý sau thời gian dài học online: Nghiện game, từ chối giao tiếp, cảm thấy mất phương hướng và hơn thế nữa - Ảnh 7.

Như Thảo phải chia sẻ không gian học online cho cả chị

Như Quỳnh thật thà tâm sự: "Học online bắt buộc phải bật camera xuyên suốt buổi học, bật micro trả lời câu hỏi nên tụi em thấy không thoải mái, rất ngượng ngùng, nhiều lúc em mới ngủ dậy chưa chuẩn bị tinh thần (tóc rối quần áo chưa chỉnh tề) nên rất ngại mà cô lại bắt buộc phải bật, không bật thì trừ điểm, cộng thêm nhiều khung giờ học đến 8h tối. Nhiều khi em không kịp thời gian ăn sáng nên đói bụng, cũng không dám đi vệ sinh hay đi uống nước vì sợ mất kiến thức từ giáo viên. Và cũng sợ lúc đó cô sẽ mời, gọi lên trả bài!"

Còn với Nguyễn Bảo Ngọc, một cô bé lớp 3 ở TP. Vũng Tàu lại cho biết, mình rất sợ thầy cô hỏi bài nhưng không trả lời được hoặc giao bài tập về nhà nhưng chưa hiểu, làm bài sai rồi lại bị nhắc nhở trên Zoom trước mặt các bạn và bố mẹ. Có khi bài tập của mình còn được trình chiếu cho cả lớp cùng xem, điều này khiến em vô cùng xấu hổ.

Khi học trò gặp phải ảnh hưởng tâm lý sau thời gian dài học online: Nghiện game, từ chối giao tiếp, cảm thấy mất phương hướng và hơn thế nữa - Ảnh 8.

Kể từ khi dịch Covid-19 bắt đầu có xu hướng gia tăng tại TP.HCM, Chị Phạm Kim Dung (Phú Nhuận, TP.HCM) đã dẫn con về quê ở Tây Ninh để tránh dịch. Những tưởng dịch chỉ kéo dài 1,2 tháng, ấy thế mà đến nay cả hai mẹ con đã phải xa nhà được gần 7 tháng. Lúc này, con trai chị đang học lớp 9 cũng phải bắt đầu năm học bằng hình thức online.

Chị cho biết: "Vì học online lâu dài nên mình phải mua thiết bị cho con, từ khi có điện thoại riêng thì nó lại sinh ra ham chơi game. Giờ điện thoại không những dùng để học mà còn là thiết bị chơi điện tử. Học online với việc chơi game thế này, bài vở không được sâu sát nên thành ra học lực của em cũng giảm sút đáng kể. Lớp 8 điểm số của con vẫn thuộc dạng khá mà giờ rớt luôn xuống hạng trung bình!"

Phụ huynh này tâm sự thêm, vì con trai cũng đang giai đoạn dậy thì, nếu can thiệp quá mạnh tay vào việc con sử dụng điện thoại thì sẽ gây ra hệ lụy không đáng có nên chị vẫn chưa biết phải xử lý tình trạng này ra sao, chỉ cố gắng nhắc nhở con mỗi khi thấy con lơ là, không tập trung.


Sinh viên năm cuối: Buông bỏ tinh thần, bị mất phương hướng

Gặp Nguyễn Hồng Anh, sinh viên năm cuối ngành Báo chí - Truyền thông, Đại học Khoa học Xã hội - Nhân văn TP.HCM trong một lần cô nàng đang có tiết học online. Nhưng thay vì ngồi ở nhà học, nữ sinh lại chọn ra quán cà phê để thay đổi không khí. Suốt nhiều tháng qua, ở nhà và nhốt mình trong 4 bức tường, dán mắt vào màn hình laptop cũng đủ khiến cô nàng ngộp thở. Khi các cửa tiệm cà phê được mở cửa đón khách trở lại, Hồng Anh quyết định tìm đến đây để thay đổi môi trường học tập.

Ngoài việc khó chịu vì những hạn chế của việc học online mang lại, Hồng Anh tâm sự thêm: "Điều làm mình cảm thấy bức bối hơn nữa là biết học online là vì tình thế bắt buộc, nhưng lại có cảm giác không muốn học. Do đó, với riêng mình thì học online dường như không hiệu quả lắm".

Khi học trò gặp phải ảnh hưởng tâm lý sau thời gian dài học online: Nghiện game, từ chối giao tiếp, cảm thấy mất phương hướng và hơn thế nữa - Ảnh 10.

Nữ sinh Nhân văn không ngại bộc bạch thêm: "Chia sẻ thật lòng, nhiều khi mình để máy rồi nằm ngủ chứ có học hành gì đâu, hoặc mình mở những cửa sổ khác lên để đọc báo, quét tin hoặc nhắn tin với các bạn để than thở, còn không thì đọc sách, lướt TikTok. Nói chung là đến lúc nào cảm thấy quá chán mình sẽ tìm đến việc khác để làm, làm để quên sự chán đó đi rồi mới quay lại lớp. Việc đó cứ lặp đi lặp lại, chán hết chán rồi lại chán, nhưng thường kết thúc buổi học là chẳng hiểu gì hết".

Ngoài những lý do từ hạn chế của sự giao tiếp trong khi học online làm sinh viên trở nên dễ chán nản thì thêm lý do khác được nữ sinh này chia sẻ là từ vấn đề gia đình. Cô bạn cho biết, có những lúc trong nhà xảy ra những tranh cãi hoặc những vấn đề khác của gia đình, lại diễn ra trong lúc mình đang học. Điều này tác động tới tinh thần của nữ sinh ngay lúc ấy, mọi thứ lại càng khiến tâm trạng nữ sinh nhân lên cảm giác bực bội, khó chịu, phân tâm gấp nhiều lần.

Khi học trò gặp phải ảnh hưởng tâm lý sau thời gian dài học online: Nghiện game, từ chối giao tiếp, cảm thấy mất phương hướng và hơn thế nữa - Ảnh 11.

Thời điểm này đáng lẽ các sinh viên năm 4 đã chạy đôn đáo trong cuộc chiến tìm chỗ thực tập và chuẩn bị hoàn thành các môn học, đồ án, luận án để tốt nghiệp và xin việc làm. Nhưng năm nay, mọi thứ đã bị trì hoãn vô thời hạn, nhiều sinh viên không biết thời gian tới mình sẽ đi đâu, về đâu.

Hồng Anh là người may mắn vì đã tìm được chỗ thực tập từ sớm và thuộc nhóm ngành đang cần nhân lực ở thời điểm hiện tại. Nhưng với cô nàng, thế hệ những người sinh năm 1999 hay 2000 đã mất hẳn 2 năm mà chẳng làm được gì. Nữ sinh tâm sự: "Mình cảm giác như đã mất hẳn 2 năm đó trong khi mình có thể học được nhiều thứ, tất nhiên mình có thể học ở nhà, học online, học bằng nhiều cách khác mà không cần phải học trực tiếp nhưng nó vẫn cứ thế nào ấy!"

Cô bạn kể thêm về những người bạn học của mình: "Lớp mình có nhiều bạn không biết là do chưa biết sợ hoặc sợ nhiều quá nên thành ra vô cảm, bạn không còn ý định đi tìm việc hay làm gì cả. Cảm giác như các bạn ấy bị mất phương hướng. Chính vì các bạn này khiến mình lại cảm thấy áp lực theo!"

Khi học trò gặp phải ảnh hưởng tâm lý sau thời gian dài học online: Nghiện game, từ chối giao tiếp, cảm thấy mất phương hướng và hơn thế nữa - Ảnh 12.

Nhiều tháng học online liền cũng khiến tính cách, hành động và suy nghĩ của Hồng Anh thay đổi. Trước đây, với tính cách hơi nóng tính và bộc trực, dễ dàng bày tỏ cái tôi hay quan điểm thì hiện tại cô nàng tự nhận thấy mình trở nên ít nói hẳn. Nữ sinh cho biết, mình không muốn giao tiếp, trò chuyện với ai, suốt quãng thời gian gắn bó với 4 bức tường và màn hình laptop khiến nữ sinh có lẽ quen luôn với cảm giác không có giao tiếp.

"Im lặng là cách để mình không phát tiết ra ngoài, vì trong dịch dễ bực tức nhưng không phải lỗi của ai nên không thể đổ lên đầu người ta được. Đó cũng là cách để bảo vệ mình và mọi người. Với mình, im lặng không những để suy nghĩ mà còn dằn mình xuống vì không muốn làm mọi chuyện căng thẳng hơn, bởi mọi thứ xung quanh đã quá sức chịu đựng với mọi người rồi!", Hồng Anh chia sẻ.


Tạm kết:

Giữa đại dịch mà buộc mọi người phải hạn chế các phương thức giao tiếp mặt đối mặt thường ngày thì internet nói chung và các phần mềm, ứng dụng cho phép giao tiếp trực tuyến nói riêng là phương pháp căn cơ nhất để duy trì sự kết nối của cuộc sống. Việc học tập cũng không nằm ngoài quy luật ấy.

Học online dù còn nhiều mới mẻ, bỡ ngỡ đối với cả học sinh, giáo viên và các cấp quản lý, song phương pháp này lại cho chúng ta thêm bài học về sự thích nghi. Bước đầu, mỗi người đã dần quen với khuôn nhịp của việc học online. Vì thế, trước những bỡ ngỡ và thách thức, một lần nữa chúng ta sẽ đã và đang cùng nhau tiếp tục tìm hướng giải quyết các vấn đề xoay quanh, trong đó có những nỗ lực cải thiện tâm lý học đường cho học sinh đang gặp khủng hoảng do học online.

Để làm được điều đó, mỗi người đều cần học cách chia sẻ, nói ra vấn đề của chính mình. Bố mẹ hãy lắng nghe con cái đang cần gì, thầy cô cũng cần tìm hiểu học trò đang có những trở ngại nào và chính người học cũng cần mạnh dạn nói lên những trở ngại, câu chuyện của mình. Đây chính là nút thắt tháo gỡ những rào cản để mọi người cùng nhau vượt qua quãng thời gian đầy thử thách này một cách suôn sẻ và may mắn.

Chúng tôi sẽ tiếp tục chia sẻ thêm những câu chuyện về tâm lý học đường trong các bài viết sau.


Theo một thống kê của Bệnh viện Tâm thần Trung ương vào tháng 6, trong số những người có biểu hiện tâm lý bất bình thường đến khám, tư vấn thì có đến 30% là học sinh, sinh viên.

Thứ trưởng Bộ GD - ĐT Ngô Thị Minh cũng nhận định tư vấn tâm lý học đường là vấn đề quan trọng để giảm thiểu những tác động tiêu cực có thể xảy ra, góp phần xây dựng môi trường trường học an toàn thân thiện, nhất là ở giai đoạn học trực tuyến.

https://kenh14.vn/khi-hoc-tro-gap-phai-anh-huong-tam-ly-sau-thoi-gian-dai-hoc-online-nghien-game-tu-choi-giao-tiep-cam-thay-mat-phuong-huong-va-hon-the-nua-20211207112739228.chn
TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày