Trên một số hội nhóm cha mẹ, nhiều người đã bàn luận về câu chuyện từ trang blog ibrandblogs ở Trung Quốc sau bài đăng của một người ký tên P.O..
Với trẻ càng nhỏ, cha mẹ càng cần giáo dục trẻ việc làm đúng và việc làm sai một cách rõ ràng. Nếu không rõ ràng với trẻ, trẻ sẽ không phân biệt được đúng sai và rất dễ mắc lỗi về sau.
TS DƯƠNG MINH THÀNH
Lấy đồ của người khác cho con vì con thích
Sự việc diễn ra, và được đăng lên vào giữa tháng 10-2022, như sau: anh P.O. - một người làm cha - buộc một con thú nhồi bông của con mình vào yên xe và gửi ở bãi xe. Sau khi ăn tối, anh P.O. quay lại bãi xe thì con thú nhồi bông đã không cánh mà bay.
Lúc này, anh P.O. phát hiện trên xe chỉ còn mảnh giấy của một gia đình khác để lại với nội dung: "Con tôi muốn con thú bông trên xe của bạn quá".
Cha mẹ của đứa trẻ tự ý lấy thú nhồi bông trên xe cũng nhắn lại rằng họ đã đợi chủ nhân của thú nhồi bông 10 phút nhưng do con họ quấy khóc quá nên họ quyết định để lại tiền đền bù và lấy thú nhồi bông đi.
Tức giận trước hành động của cha mẹ như vậy, ban đầu chủ nhân của thú nhồi bông quyết định tố cha mẹ của đứa trẻ đó trên mạng. Nhưng khi tìm hiểu lại camera, rồi liên lạc với cha mẹ đứa trẻ, anh được biết cha mẹ của đứa trẻ này cũng không khá giả gì.
Sau đó, anh P.O. đã tặng chú gấu nhồi bông cho đứa trẻ với mong muốn cha mẹ đứa trẻ chỉ tặng cho con thi đạt điểm tốt như một món quà.
Sự việc thu hút sự quan tâm lớn của cộng đồng mạng, nhất là những người làm cha làm mẹ.
"Cuối cùng mọi chuyện được giải quyết êm xuôi. Nhưng em không biết liệu cha mẹ đứa trẻ kia có nhận ra vấn đề của mình không. Họ đã vô tình dạy hư con của họ, làm sai mà còn làm ngay trước mặt trẻ", một tài khoản viết.
Trao đổi với những người làm cha làm mẹ khác, nhiều phụ huynh tỏ ra không đồng tình. Chị Huỳnh Thị Thủy (quận 10, TP.HCM), có hai con nhỏ 8 tuổi và 2 tuổi, nói: "Tôi không thể chấp nhận việc cha mẹ đó dạy hư đứa trẻ. Tự động lấy gấu ở một bãi xe công cộng khi chưa được phép của chủ nhân trước mặt con khiến con sẽ không hiểu được giới hạn của việc đòi hỏi là gì, nó có thể ảnh hưởng đến hành vi của đứa trẻ về sau", chị Thủy nói.
Tương tự, bà mẹ ba con Phan Thị Thanh Hương, nhân viên Công ty Gia Phan (quận 12, TP.HCM), cho rằng: "Trẻ như tờ giấy trắng, bất cứ hành động nhỏ nào của cha mẹ cũng được trẻ ghi nhớ. Việc lấy đồ của người khác ở nơi công cộng có thể khiến trẻ trở thành đứa trẻ chôm đồ sau này cũng là dễ hiểu thôi".
Tác động xấu lên trẻ, nhưng cha mẹ có thể sửa chữa sai lầm
Câu chuyện trên đây có thể xem là một ví dụ, nhưng không phải là chuyện hy hữu. Phân tích với Tuổi Trẻ về khía cạnh tâm lý học, TS Ngô Xuân Điệp - trưởng khoa tâm lý học Trường ĐH Khoa học xã hội và Nhân văn (ĐH Quốc gia TP.HCM) - cho biết có mối liên hệ giữa hành vi và lý trí con người và môi trường sống ảnh hưởng lớn đến hành vi của mỗi người.
"Tại sao vào trường hợp này người này lại ứng xử thế này mà không ứng xử khác hơn? Trên thực tế, những cư xử, hành vi của mỗi con người được hình thành dựa trên thói quen hành vi từ gia đình, từ những người thân xung quanh".
TS Ngô Xuân Điệp nói thêm rằng: Dù là thú nhồi bông nhưng đó chính là hành vi lấy đồ người khác khi người khác vắng mặt mà chưa được phép nên sẽ có thể ảnh hưởng xấu đến đứa trẻ, ngay cả một đứa trẻ nhỏ chỉ 1, 2 tuổi.
Một hành vi xấu sẽ rất nhanh tạo thành tiền lệ đối với trẻ vì thỏa mãn các cảm giác thoải mái của trẻ nên trẻ dễ ghi nhớ hành động này hơn là việc cha mẹ không cho phép con lấy đồ của người khác.
Nhìn sự việc ở góc độ là phụ huynh và nhà giáo dục, TS Dương Minh Thành, trưởng khoa giáo dục tiểu học Trường ĐH Sư phạm TP.HCM, khẳng định: "Làm cha mẹ ai cũng yêu thương con mình và nhiều người sẵn sàng mang cả thế giới về cho con miễn là con muốn. Nhưng điều đó không có tác dụng tốt cho đứa trẻ. Vì đứa trẻ không phân biệt được đâu là hành vi được làm và đâu là hành vi không được làm...
Nếu không rõ ràng với trẻ, trẻ sẽ không phân biệt được đúng sai và rất dễ mắc lỗi về sau. Trong trường hợp này, trẻ chỉ biết cha mẹ đã lấy gấu bông trên xe của người khác và ghi nhớ hành vi này. Khi đi học, trẻ sẽ có thể giành đồ của bạn học trên tay bạn học, trẻ cũng có thể lấy đồ của bạn ở trong lớp học...", TS Dương Minh Thành phân tích.
Việc làm sai này của cha mẹ vẫn có thể sửa chữa được nếu họ mong muốn giáo dục con cái.
"Có thể tức thời họ bị cảm xúc của mình về việc thương con, thỏa mãn con mà làm như vậy. Nhưng để giáo dục đứa trẻ, cha mẹ đó có thể gặp người bị lấy gấu nhồi bông đó để trả lại đồ trước mặt con với lời xin lỗi thì sẽ giảm thiểu tác động lên đứa trẻ rất nhiều. Vì việc trả lại là hướng trẻ đến hành vi tốt", TS Dương Minh Thành nhìn nhận.