Con trai lấy trộm đồ chơi, bị mắng là "đồ vô học": Phản ứng sau đó của người mẹ khiến nhân viên bán hàng "đỏ mặt tía tai"

Ứng Hà Chi, Theo Pháp luật và bạn đọc 13:10 29/03/2022

Hành động của người mẹ được nhiều người xung quanh khen ngợi bởi sự khéo léo, tinh tế.

Tiểu Lý (Trung Quốc) có một cậu con trai tên là Bảo Bảo, năm nay tròn 5 tuổi. Cậu bé khá đáng yêu nhưng có phần nghịch ngợm, hay gây ra rắc rối cho bố mẹ. Một ngày nọ, Bảo Bảo được mẹ đưa đến trung tâm mua sắm. Cậu bé tỏ ra vô cùng khoái trí. Trong khi Tiểu Lý đang cẩn thận lựa chọn sản phẩm thì đột nhiên nghe thấy người bán hàng hét ầm lên: "Đúng là đồ vô học, đồ ăn trộm!".

Tiểu Lý giật mình quay lại thì thấy nhân viên đang quát mắng con mình. Hoá ra, Bảo Bảo đã giấu mẹ lấy trộm một món đồ chơi rồi thả vào túi quần. Tiểu Lý cố gắng giữ bình tĩnh, không trốn tránh sự việc, vội vàng xin lỗi người bán hàng. Cô cũng nghiêm khắc yêu cầu con cúi đầu xin lỗi nhân viên.

Con trai lấy trộm đồ chơi, bị mắng là đồ vô học: Phản ứng sau đó của người mẹ khiến nhân viên bán hàng đỏ mặt tía tai - Ảnh 1.

Bảo Bảo đã lấy trộm một món đồ chơi trong trung tâm thương mại

Sau đó, Tiểu Lý đã nhẹ nhàng giải thích cho con hiểu rằng, đồ chơi trên kệ không phải của mình nên không được tuỳ tiện lấy. Con chỉ được bỏ sản phẩm vào xe đẩy hàng khi được sự đồng ý của bố mẹ hoặc người đi cùng, rồi mới đến quầy thu ngân thanh toán.

Tiểu Lý ôn tồn nói với con trai: "Hành vi cho đồ vào túi của con khi chưa được mẹ chấp thuận mua là sai. Con cần lưu ý để không tái phạm! Mẹ biết con không hề có ý nghĩ xấu".

Mọi người trong siêu thị đứng xem đều hết lời khen ngợi cách dạy con tinh tế. Còn nhân viên bán hàng cúi gằm mặt xuống, xấu hổ trước cách hành xử nóng nảy của mình. Thực tế, trẻ mắc sai lầm không phải là điều quá ghê gớm. Phụ huynh và những người xung quanh cần khéo léo coi đó là cơ hội dạy trẻ những bài học sâu sắc. Không nên quát mắng, lăng mạ trước đám đông bởi sẽ khiến trẻ xấu hổ. Thậm chí, nhiều đứa trẻ còn không hiểu mình đã làm sai điều gì khiến người khác nặng lời.

Khi trẻ có hành vi thiếu văn minh nơi công cộng, bố mẹ cần ngăn chặn kịp thời. Tuy nhiên, cần lưu ý cách thức, phương pháp để tránh để lại tổn thương tâm lý. Nếu chẳng may rơi vào tình huống tương tự như Tiểu Lý, bố mẹ cần chú ý những điều sau:

- Không đôi co, cãi vã với người khác trước mặt con: Bố mẹ nên học cách giao tiếp một cách bình tĩnh, nhìn nhận đúng về những điều đang xảy ra. Không nên cãi vã, to tiếng với người khác trước mặt con cái để tránh làm con sợ hãi, xấu hổ.

Con trai lấy trộm đồ chơi, bị mắng là đồ vô học: Phản ứng sau đó của người mẹ khiến nhân viên bán hàng đỏ mặt tía tai - Ảnh 2.

Khi con có hành vi không đúng, bố mẹ cần bình tĩnh xử lý khéo léo (Ảnh minh hoạ)

- Không quát mắng con nơi công cộng: Bố mẹ cần học cách tôn trọng con cái, không quát mắng con nơi đông người, đặc biệt là trước mặt các bạn. Hãy học cách kiềm chế cảm xúc, tránh làm tổn thương lòng tự trọng của con. Những đứa trẻ bị tổn thương tâm lý có thể dẫn đến khiếm khuyết về nhân cách như: Nhút nhát, mặc cảm, tự ti, không có chính kiến,… Nguy hiểm hơn là trẻ khó có thể xây dựng được những mối quan hệ xã hội khi trưởng thành.

- Cho con cơ hội sửa chữa lỗi sai: Khi con mắc lỗi, không thể bao che mà cần giúp con dũng cảm nhận lỗi. Bố mẹ hãy hướng dẫn con những nguyên tắc đạo đức như: Không được tuỳ tiện sờ vào đồ người khác, lấy đồ khi chưa được sự cho phép là hành vi xấu,… Sau khi đã giúp con có nhận thức đầy đủ, hãy bao dung, tha thứ cho việc làm chưa đúng đắn của con.

Mọi lời nói và việc làm của trẻ đều cần sự uốn nắn từ bố mẹ. Vì thế, bố mẹ nên chú ý đến hành động của mình, hãy làm gương để con noi theo và học tập. Bố mẹ chính là người thầy đầu tiên trong cuộc đời con cái.

https://kenh14.vn/con-trai-lay-trom-do-choi-bi-mang-la-do-vo-hoc-phan-ung-sau-do-cua-nguoi-me-khien-nhan-vien-ban-hang-do-mat-tia-tai-20220329093528173.chn