Khao khát cuộc sống đủ đầy ẩn sau những nụ cười lấm lem nơi miền quê mộc mạc

Toàn Nguyễn, Thiết kế: Minh thần kì, Theo Trí Thức Trẻ 18:49 11/10/2019
Chia sẻ

Nụ cười giống như một đặc quyền mà ông trời dành tặng cho con nít vậy, cứ như thể gian nan nào rồi cũng vượt qua. Thế nhưng đằng sau sự hồn nhiên đó là bao tâm tư mà chỉ khi nhìn sâu vào đôi mắt bọn trẻ ta mới thấu cảm bằng hết.

Trong một lần về miền quê, có một cô bé đã tâm sự với Khoai Lang Thang rằng:

-  Mẹ con bị bệnh, cha con phải đi làm để kiếm tiền để nuôi mẹ nên con không còn đủ tiền để đi học". 

Khoai đã hỏi em:

- Vậy con có ước mơ gì không?

Em gái thành thật trả lời:

- Con mơ ước được nhà giàu, để có tiền đi học, để sướng như người ta. 

Cái ước mơ "nhà giàu" nghe nó xa vời và mông lung, nhưng với những đứa trẻ sinh ra ở miền quê nghèo nó là giấc mơ tuyệt vời nhất, ở đó gia đình chúng không còn phải chạy ăn từng ngày, có đủ tiền để sắm một bộ quần áo mới hay ở đó các em được vui chơi đúng với tuổi của mình chứ không phải bương chải làm việc phụ cha mẹ kiếm chén cơm.

Khao khát cuộc sống đủ đầy ẩn sau những nụ cười lấm lem nơi miền quê mộc mạc - Ảnh 1.
Khao khát cuộc sống đủ đầy ẩn sau những nụ cười lấm lem nơi miền quê mộc mạc - Ảnh 2.

Cách đây 2 năm trong một dịp về Tiền Giang để làm việc, tôi được gặp cô giáo Hương và được cô kể về câu chuyện mà cô nhớ mãi trong đời. Chuyện của Kha.

Hôm đó là tới tiết dạy của cô Hương, cô gọi Kha lên bảng để trả bài, nhưng cu cậu không thuộc mà đứng gãi đầu, lóng ngóng một hồi lâu vẫn không nói lý do vì sao chưa thuộc. Cô Bảy giận lắm, biểu nó xòe tay ra để cô đánh đòn, đặng chừa cái tật ham chơi. Thế nhưng khi Kha xoè tay ra, lòng cô chợt thắt lại.

Khao khát cuộc sống đủ đầy ẩn sau những nụ cười lấm lem nơi miền quê mộc mạc - Ảnh 3.

Đôi bàn tay nhỏ xíu của thằng nhỏ gần như nát tươm vì những vết kẹp của cua. Mấy hôm nay nước lớn, anh em Kha tranh thủ ra ruộng bắt cua đi bán phụ giúp ba má. Để bắt được cua, tụi nhỏ phải ngâm mình dưới nước, đưa tay vào hang cho cua kẹp vào bàn tay rồi mới lôi ra ngoài. Bất kể ở trong hang có thể là rắn hoặc một con vật nào đó, tụi nhỏ cũng chẳng chút e dè, thiệt ra chúng đã quen với công việc này rồi. Bàn tay nó cũng vì thế mà chi chít những vết thương.

Cô Hương im lặng một lúc rồi bảo nó quay về chỗ ngồi. Ai ở vị trí của cô cũng chẳng nỡ đánh vào đôi tay đã quá nhiều vết đau của thằng bé. Hôm đó, cô đến nhà Kha để tìm hiểu nhiều hơn về hoàn cảnh gia đình. Ba má của Kha không có nổi một miếng đất cắm sào. Họ đưa đàn con nhỏ đi khắp nơi, tới chỗ nào có người thuê làm thì dựng tạm cái chòi lá để ở rồi đi làm kiếm sống. Nhà đông con, tiền làm ra chẳng được bao nhiêu. Thương ba mẹ, tụi thằng Kha tranh thủ ra đồng bắt cua, bắt ốc đi bán để đỡ đần.

Khao khát cuộc sống đủ đầy ẩn sau những nụ cười lấm lem nơi miền quê mộc mạc - Ảnh 4.

Hiểu hoàn cảnh, nhà trường đã miễn toàn bộ học phí cho Kha, nhưng hành trình với con chữ của cậu vẫn còn vô vàn gian nan. Cô Hương buồn rầu nói: "Ăn còn không no thì tâm trí đâu mà học chữ". 

Mấy hôm trước nghe đâu ba thằng Kha khóc, ổng kể: "Tụi nhỏ đòi nghỉ học để đi làm phụ ba má trả nợ". Trên cái rẻo đất nghèo này, con chữ sao xa vời quá, tụi nhỏ mơ miết, mơ miết mà vẫn thấy xa.

Khao khát cuộc sống đủ đầy ẩn sau những nụ cười lấm lem nơi miền quê mộc mạc - Ảnh 5.

Khi Khoai Lang Thang chia sẻ clip Việt Nam chuyện chưa kể tôi đã nhìn thấy bóng dáng những đứa trẻ vất vả ở miền nông thôn mà mình đã từng gặp. Có một điểm chung là tất cả các em đều hồn nhiên và tận hưởng cuộc sống của mình.

Hiếm có đứa trẻ nào mà miệng không cười tươi rói dù cuộc sống có vất vả. Dẫu có thiếu bộ quần áo tươm tất để đến trường, chưa có một bữa cơm ngon với đầy đủ rau cá hay dù phải thức khuya dậy sớm, đạp xe hàng cây số để bán mấy tờ vé số phụ ba má, thì tụi nhỏ vẫn cứ cười rất tươi. 

Nụ cười giống như một đặc ân mà ông trời dành tặng cho con nít vậy, cứ như thể gian nan nào rồi cũng vượt qua. Thế nhưng đằng sau sự hồn nhiên đó là bao tâm tư mà chỉ khi nhìn sâu vào đôi mắt bọn trẻ ta mới thấu cảm bằng hết.

Khao khát cuộc sống đủ đầy ẩn sau những nụ cười lấm lem nơi miền quê mộc mạc - Ảnh 7.

Khoai Lang Thang đã từng bảo rằng: "Tụi nhỏ lúc nào cũng vui, cũng cười, chỉ khi nhắc đến gia đình thì các em bất chợt chùn xuống". Rõ ràng là thực tế thì không chối bỏ được, sinh ra trong hoàn cảnh khó khăn các em buộc phải trưởng thành sớm hơn, bươn chải với cuộc đời nhiều hơn, cũng vì thế mà tuổi thơ cũng ngắn đi.

Môi trường học tập ở nông thôn cũng còn nhiều hạn chế, chính vì vậy các em nhỏ không có điều kiện để phát triển năng kiếu cũng như sở trường của mình. Khoai Lang Thang khi hỏi một em nhỏ ở miền quê rằng em ước sau này lớn lên sẽ làm công việc gì. Và câu trả lời của cậu nhóc đã khiến Khoai luôn nhớ mãi. Cậu nhóc bảo: "Lớn lên con thích làm nghề sửa xe". 

Khao khát cuộc sống đủ đầy ẩn sau những nụ cười lấm lem nơi miền quê mộc mạc - Ảnh 8.

Mơ ước của các em giản đơn như vậy thôi, nhìn thấy gì thì ước mơ như vậy, các em không ước trở thành kỹ sư, bác sĩ hay tiếp viên hàng không bay trên bầu trời, chỉ ước là được đi học, được ăn no, chơi những trò chơi được xem trên truyền hình hay làm nghề sửa xe như ông chú ở đầu xóm mình ở. Chỉ vậy thôi! 

Là nhãn hàng chăm lo cho hàng triệu vết lấm bẩn trên áo quần, OMO với sứ mệnh khuyến khích gia đình và trẻ em Việt Nam luôn tự tin lấm bẩn và trải nghiệm cuộc sống, đem đến chương trình "Điều kỳ diệu của vui chơi lấm bẩn" nhằm cung cấp những dụng cụ và tài liệu vui chơi vận động an toàn, bổ ích cho trẻ em nông thôn trên khắp Việt Nam. 30 trường tiểu học sẽ được hộ trợ bởi OMO và các đối tác. Chương trình nằm trong khuôn khổ hợp tác dài hạn giữa Bộ Giáo Dục & Đào Tạo và Unilever Việt Nam giúp hỗ trợ xây dựng trường học theo mô hình Xanh-Sạch-Khỏe.

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày