Nghiên cứu mới đây của các nhà khảo cổ học thuộc ĐH Edinburgh đã chỉ ra chính "cơn bão hoàn hảo" của việc thay đổi mực nước biển, núi lửa phun trào và cuối cùng là cuộc tấn công của tiểu hành tinh đã gây ra sự tuyệt chủng cho loài
khủng long.
Các nhà nghiên cứu cho rằng, sinh vật thời tiền sử đã có thể sống sót lâu hơn sau cuộc tấn công của tiểu hành tinh dẫn đến sự tuyệt chủng nhưng do đã trải qua cuộc biến động từ môi trường trước đó nên chúng đã bị tổn thương, không đủ sức chống chọi lại.
Bằng việc nghiên cứu các hóa thạch khủng long, chủ yếu ở Bắc Mỹ, các chuyên gia thuộc ĐH Edinburgh nhận thấy, phạm vi núi lửa hoạt động lan rộng, thay đổi mực nước biển và nhiệt độ đã làm suy yếu các nguồn thực phẩm của khủng long khi thảm họa thứ 3 xảy ra.
Các chuyên gia cho rằng, nếu tiểu hành tinh chỉ va chạm với Trái đất vài triệu năm trước đó, khi các loài khủng long lớn, khỏe mạnh hơn và có chuỗi thức ăn phong phú thì chưa chắc chúng đã bị tuyệt chủng.
Tương tự như vậy, nếu như thảm họa tiểu hành tinh tấn công Trái đất xảy ra sau đó một khoảng thời gian - khoảng 5 triệu năm, rất có thể nhiều loài khủng long đã có cơ hội phát triển và trốn thoát khỏi nạn tuyệt chủng.
Tiến sĩ Steve Brusatte thuộc ĐH Edinburgh cho biết: "Cuộc tấn công của tiểu hành tinh đã có thể gây ra sóng thần, động đất, cháy rừng, thay đổi môi trường... trong khi khủng long đã dần suy yếu trước hai thảm họa trước đó. Nếu có vài năm chuẩn bị trước sự kiện hủy diệt thứ 3, khủng long sẽ có cơ hội sống sót cao hơn và biết đâu, chúng sẽ vẫn có mặt ở đây thay vì chúng ta".
(Nguồn tham khảo: Telegraph)