Những loài vật tuyệt chủng do bàn tay con người

Đức Huy, Theo Mask Online 00:45 05/09/2014
Chia sẻ

Chim bồ câu viễn khách, hổ Tasmania, chim Dodo... là những loài động vật đã bị tuyệt chủng dưới bàn tay con người.

Hiện nay, tính đa dạng sinh vật trên Trái đất đang bị đe dọa đặc biệt nghiêm trọng. Chính bởi vậy mà nhiều chuyên gia tin rằng, cuộc Đại Tuyệt chủng thứ 6 mà con người đóng vai trò ảnh hưởng chính đã thực sự bắt đầu.

Nhưng ít ai biết rằng, trong quá khứ có không ít các loài động vật đã bị tuyệt chủng trực tiếp và gián tiếp dưới bàn tay của con người.

1. Chim bồ câu viễn khách

Bồ câu viễn khách hay bồ câu rừng là loài chim sinh sống chủ yếu ở Bắc Mỹ. Loài chim này đặc biệt ở chỗ, chúng di cư thành đàn với số lượng rất lớn, có khi lên đến 2 tỷ con, trải dài trong một khu vực rộng 1,6km, kéo dài 500km trên bầu trời.

Chim bồ câu viễn khách.

Để tồn tại được trong tự nhiên, loài chim này phải đối mặt với nhiều mối đe dọa như việc thay đổi nhiệt độ, bị nhiều loài động vật khác ăn thịt... 

Tuy nhiên, con người chính là mối đe dọa lớn nhất đối với loài chim này. Khi người châu Âu đến định cư ở Bắc Mỹ vào thế kỷ XIX, số lượng chim bồ câu viễn khách bắt đầu bị giảm sút do nạn phá rừng và săn bắn để lấy thịt.

Nhiều cuộc tàn sát chim bồ câu với quy mô lớn đã diễn ra. Không chỉ vậy, chim bồ câu viễn khách dần trở nên thương mại hóa do đây trở thành thức ăn phổ biến của nô lệ và người nghèo. Loài chim này bắt đầu bị giảm sút về số lượng kể từ năm 1800 và lên đến đỉnh điểm vào thập niên 1870, 1890. 

Martha, con chim bồ câu viễn khách cuối cùng.

Chú chim bồ câu viễn khách cuối cùng tên là Martha đã mất vào ngày 1/9/1914 tại vườn thú Cincinnati (bang Ohio, Mỹ). Ngày nay, xác của Martha vẫn được lưu giữ trong viện bảo tàng nhưng không được trưng bày.

2. Hổ Tasmania

Hổ Tasmania được biết đến là loài thú ăn thịt có túi lớn nhất thời hiện đại, phân bố chủ yếu ở Australia và Papua New Guinea từ 2.000 năm trước. Chúng còn có tên gọi khác là chó sói Tasmanian vì có ngoại hình khá giống chó sói. 


Hổ Tasmania được tái hiện qua tranh vẽ.

Nguyên nhân khiến loài hổ Tasmania tuyệt chủng trực tiếp là do việc di cư của con người. Những người châu Âu khi di cư sang Úc đã sinh sống, trồng trọt và chăn nuôi trên chính lãnh thổ của loài này. 

Vào thập niên 1800, những người nông dân đã buộc tội hổ Tasmania tấn công cừu của họ nên dùng nhiều biện pháp khác nhau để tiêu diệt. 


Một con hổ Tasmania trong vườn thú.

Sau 70 năm với mức độ tàn sát không ngừng, loài hổ Tasmania gần như hoàn toàn biến mất. Chú hổ Tasmania cuối cùng đã chết trong một vườn thú ở Tasmania vào năm 1936.

3. Voi ma mút lông mịn

Voi ma mút lông mịn hay ma mút lãnh nguyên là loài động vật khổng lồ với chiều cao tới hơn 3m và nặng đến 6 tấn. 

Loài này đặc biệt thích nghi với khí hậu lạnh giá vào Kỷ Băng hà do có lớp lông dày với chiều dài mỗi sợi lông có thể đến 1m.


Đàn voi ma mút lông mịn.

Loài voi này đã tồn tại trên Trái đất cùng con người tiền sử đầu tiên vào hơn 10.000 năm trước. Sự giảm sút và tuyệt chủng của loài voi ma mút chủ yếu do môi trường sống và khí hậu bị thay đổi một cách đột ngột khiến chúng không kịp thích nghi để tồn tại. 

Tuy nhiên, các nhà khoa học cũng cho rằng, loài voi ma mút đã bị người tiền sử săn bắt quá mức để lấy thịt, da và ngà nhằm đáp ứng những nhu cầu cơ bản của xã hội nguyên thủy lúc bấy giờ.


Xác voi ma mút con được bảo quản hoàn hảo.

Hiện nay, một vài con voi ma mút đã được tìm thấy trong trạng thái được bảo tồn trong các lớp băng tuyết dày, với nhiều bộ phận mềm còn được giữ khá nguyên vẹn. Các con voi ma mút được bảo quản trong băng thông thường có lông màu đỏ thay vì màu đen do các phản ứng hóa học diễn ra sau khi chúng chết.

4. Chim Dodo

Chim Dodo là một loài chim không bay được sống chủ yếu ở vùng Mauritius, Ấn Độ Dương và được xem là họ hàng của loài bồ câu ngày nay. Sự xuất hiện của chim Dodo trong cuộc sống được thể hiện qua những bức vẽ và tài liệu cổ xưa.


Chim Dodo qua tranh vẽ.

Chim Dodo được biết đến lần đầu tiên khi những thủy thủ người Hà Lan đặt chân đến hòn đảo ở vùng Ấn Độ Dương vào năm 1598. Sau đó, loài chim này nhanh chóng bị sụt giảm về số lượng do trở thành vật nuôi, thực phẩm và là nạn nhân của sự mở rộng phạm vi sinh sống của con người.


Chim Dodo được trưng bày ở bảo tàng.

Chim Dodo bắt đầu tuyệt chủng vào giữa thế kỷ thứ XVII. Mặc dù không biết chính xác nhưng người ta tin rằng, con chim Dodo cuối cùng đã bị giết chết vào năm 1681. Loài này được xem là một ví dụ tiêu biểu cho sự tuyệt chủng liên quan trực tiếp đến các hoạt động của con người và được ghi lại qua những tư liệu lịch sử. 

5. Bò biển Steller

Bò biển Steller là một loài động vật có vú ăn thực vật to lớn dưới biển, được phát hiện ở vùng biển Bering, Alaska bởi một đoàn thám hiểm Nga trong năm 1741. Sinh vật khổng lồ này nhanh chóng trở thành mục tiêu của các thủy thủ và thợ săn.


Bò biển Steller.

Bò biển Steller bị săn bắt để lấy thịt, da để làm thuyền, mỡ làm bơ và đèn dầu. Việc đánh bắt bò biển Steller diễn ra dồn dập đến mức gấp 7 lần so với quy định đánh bắt vào thời kỳ đó. 

Học viện khoa học California cho biết, để săn được bò biển Steller các thợ săn sẽ đâm vào một cá thể, sau đó để cho nó bơi đi và hy vọng rằng, bò biển sẽ chết, trôi dạt vào bờ. Với việc bị săn bắt ồ ạt nên vào năm 1768, chỉ 27 năm sau khi được phát hiện, loài bò biển Steller đã hoàn toàn bị tuyệt chủng.

6. Hổ Java

Hổ Java là một loài hổ đặc biệt, chỉ sinh sống duy nhất trên đảo Java của Indonesia. Hổ Java rất nhỏ so với các phân loài hổ ở lục địa châu Á nhưng lớn hơn so với hổ Bali.

Loài hổ Java lừng danh.

Trong thế kỷ XIX, trên đảo vẫn còn tồn tại một số lượng lớn hổ Java nhưng do dân số trên đảo ngày càng đông nên việc đẩy mạnh khai phá đồn điền đã khiến phạm vi sinh sống của hổ Java bị thu hẹp.


Hổ Java bị làm chiến lợi phẩm săn bắt.

Mặt khác do hươu trên đảo Java bị dịch bệnh chết nhiều nên nguồn thức ăn của hổ Java không được đáp ứng. Một yếu tố khác dẫn đến sự tuyệt chủng của hổ Java đó là bởi sự săn bắt quá mức của con người. Theo một vài tài liệu, chú hổ Java cuối cùng đã bị tiêu diệt vào năm 1972.

7. Báo Zanzibar

Báo Zanzibar là một phân loài của báo, sinh sống chủ yếu trên quần đảo Zanzibar, Tanzania. Loài báo này được cho là tuyệt chủng vào thập niên 1990.


Mô hình báo Zanzibar trong một bảo tàng.

Những vụ tấn công của báo Zanzibar đối với con người đã dẫn đến nỗ lực tiêu diệt chúng của loài người. Bên cạnh đó, báo Zanzibar cũng trở thành mục tiêu tiêu diệt hàng đầu và bị đẩy đến bờ vực của sự tuyệt chủng vào những năm 1964 trong cuộc cách mạng Zanzibar sau khi nhiều người dân bản xứ tin rằng loài báo này là tay sai của phù thủy để uy hiếp những ngôi làng của mình. 

Báo Zanzibar đã bị săn lùng, tiêu diệt nhiều bởi người dân tin rằng, chúng là "đệ tử" của phù thủy được sai đến để uy hiếp, làm hại con người trên Trái đất.  


Da báo Zanzibar là chiến lợi phẩm đáng giá của thợ săn.

Ngoài ra, sự phát triển của dân số và nền công nghiệp trong thế kỷ XX cũng thu hẹp dần phạm vi sinh sống và làm biến đổi môi trường sống của loài báo Zanzibar này. Đây là nguyên nhân dẫn đến sự tuyệt chủng của loài báo Zanzibar.

8. Tê giác đen Tây Phi

Tê giác đen Tây Phi là một phân loài tê giác hiếm của loài tê giác đen sinh sống ở châu Phi. Năm 2011, Liên minh Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế tuyên bố rằng, loài tê giác đen Tây Phi đã tuyệt chủng.


Loài tê giác đen Tây Phi nổi bật với 2 sừng.

Với cặp sừng quý giá, tê giác đen Tây Phi trở thành mục tiêu săn bắt của nhiều người vào đầu thế kỷ XX. Mặc dù chính quyền và các tổ chức hoang dã đã có nhiều biện pháp để bảo tồn nhưng nạn săn bắt vẫn tiếp diễn. 


Một cặp tê giác đen Tây Phi.

Đến năm 2000, người ta ước tính chỉ còn 10 cá thể tê giác đen Tây Phi còn sống. Trong một cuộc khảo sát vào năm 2006, nhóm khảo sát không tìm thấy bất kỳ một cá thể tê giác đen Tây Phi nào nhưng mãi đến năm 2011 mới chính thức công bố phân loài này đã tuyệt chủng.

(Nguồn: BusinessInsider/Wikipedia)
TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày