Mabel Stark là một “cô nuôi dạy hổ” đúng nghĩa - người chuyên thuần hóa hổ và các loài động vật họ mèo hung dữ khác. Bà tiếp xúc với động vật từ năm 1911 - 1968, thậm chí vẫn tiếp tục làm việc khi về già. Điều này đã khiến cho Stark trở thành nữ dạy thú nổi tiếng nhất mọi thời đại.
Câu chuyện về cuộc đời của Mabel Stark rất khó xác định chính xác, do đã được tô vẽ thêm qua nhiều cuốn tự truyện.
Hầu hết các nguồn tin đều cho rằng, Mabel Stark tên thật là Mary Haynie, sinh năm 1889, tại Kentucky (có thông tin cho rằng tại Canada). Bà được đào tạo trở thành y tá trước khi gia nhập đoàn xiếc Al. G Barnes để trở thành người huấn luyện thú.
Ban đầu, Stark chỉ được huấn luyện ngựa - công việc bà ghét nhất. Sau đó, bà tiếp cận trưởng nhóm huấn luyện thú rạp xiếc - Hungarian Louis Roth (hai người kết hôn ít lâu sau đó) và được chỉ dạy trực tiếp từ "người thầy" tài hoa này. Roth muốn Stark huấn luyện sư tử, nhưng bà thích hổ hơn.
Theo Roth, "bí kíp" huấn luyện những chú mèo to lớn, bên cạnh đòn roi thì phải có thịt - thưởng phạt rõ ràng. Nhờ vậy, màn trình diễn đầu tiên của Stark đã thành công với 2 cặp hổ và sư tử. Thậm chí, một kỳ tích mà bà lập ra là có thể cùng lúc điều khiển 18 chú hổ.
Stark nhận nuôi một con hổ bị mẹ bỏ rơi từ khi mới lọt lòng, đặt tên Rajah. Nhờ Rajah, Stark đã thiết kế một tiết mục đặc biệt: đấu vật với hổ.
Màn vật lộn rất thật, khiến người xem có cảm giác bà bị quần tơi tả, sắp bị xơi tái đến nơi. Màn trình diễn vô cùng ấn tượng này đã làm nên tên tuổi Mabel Stark. Bộ trang phục trắng mặc khi trình diễn cũng được bà sử dụng làm điểm đặc trưng của mình cho đến cuối sự nghiệp.
Đến năm 1920, Stark gia nhập gánh xiếc nổi tiếng Ringling Brothers and Barnum & Bailey. Lúc này, bà đã là một ngôi sao nổi tiếng. Cuộc hôn nhân trước đó tan vỡ, Stark làm đám cưới với kế toán rạp xiếc Albert Ewing, nhưng họ li dị ngay sau khi Ewing bị phát hiện biển thủ công quỹ.
Tuy nhiên, Stark cho rằng, bà đã bị "trừng phạt" vì tội lỗi của chồng khi rạp xiếc cắt giảm tất cả tiết mục trình diễn với thú dữ của bà.
Lý do được đưa ra là bởi việc lắp đặt và tháo dỡ lồng sắt trong quá trình biểu diễn tốn quá nhiều thời gian. Lúc này, Stark buộc phải trình diễn cùng ngựa, còn những chú hổ của bà được giám sát bởi Art Rooney - nhân viên trông coi bầy thú xiếc.
Bà thổ lộ rằng mình thực sự yêu Rooney nên họ cùng nhau làm đám cưới.
Tuy nhiên, sau đó ít lâu, Rooney qua đời không rõ nguyên nhân.
Năm 1928, Stark bị thương nặng khi đang có tour lưu diễn với công ty John Robinson. Mặc cho việc những chú hổ chưa được ăn no, bị nhiều người ngăn cản, Stark vẫn kiên quyết trình diễn tiết mục của mình. Kết quả là 2 con hổ đói hung dữ suýt chút nữa xé nát cơ thể bà.
Với một nỗ lực đáng kinh ngạc, Stark rời khỏi lồng với sự trợ giúp của những người luyện thú khác. Lúc này, bà vẫn tỉnh táo tìm cách thay bộ đồ đẫm máu trước khi tới bệnh viện.
Với 378 mũi khâu, các bác sỹ gần như đã hết hi vọng, nhưng điều kỳ lạ xảy ra, bà đã sống. Không những thế, Stark còn trở lại làm việc sau đó vài tuần mặc dù bà phải tới bệnh viện nhiều lần trong 2 năm để phục hồi các cơ bị tổn thương.
Nhưng đây cũng chỉ là một trong ba vết thương nghiêm trọng nhất. Năm 1933, màn trình diễn với 18 con hổ đã để lại một vết thương thấu vai. Đến năm 1950, bà lại trải qua một vết thương trên vai phải với 175 mũi khâu.
Trong sự nghiệp của Stark vẫn còn nhiều vết thương khá nghiêm trọng do hổ gây ra, nhưng bà luôn tự trách mình hoặc đổ cho nguyên nhân khác, chứ không trách những con hổ. Bà rất yêu quý và tôn trọng chúng, nhưng đồng thời khẳng định, không có một “con hổ thuần” nào tồn tại.
Stark từng tuyên bố nghỉ hưu vài lần, nhưng đều quay trở lại trình diễn sau đó. Bà xuất hiện tại nhiều rạp xiếc khác nhau trong thập niên 30 của thế kỷ XX.
Ngoài ra, bà tham gia đóng thế vai dạy sư tử cho Mae West trong phim "I’m No Angel" - phim được cho là lấy cảm hứng từ sự nghiệp của Stark.
Hollywood giới thiệu bà cho Jungleland, California - một cơ sở huấn luyện động vật để quay phim. Năm 1938, Mabel Stark bắt đầu công việc tại đây. Trong 30 năm tại Jungleland, dù cho bị mua đi bán lại nhiều lần, Stark vẫn không quên thực hiện những màn trình diễn với hổ.
Người chủ sở hữu của Jungleland vào năm 1968 không thích Stark nên đã sa thải bà, nhưng “cô nuôi dạy hổ” 79 tuổi này vẫn chưa muốn nghỉ hưu. Tuy nhiên, mất việc, cộng thêm sự cố con hổ của bà trốn thoát và bị giết đã khiến bà hoàn toàn suy sụp.
Theo tự truyện của Stark, bà luôn mong được chết dưới tay của một con hổ, thay vì bất kỳ lý do nào khác nhưng ước muốn này không thành công. Mabel Stark được phát hiện đã chết tại nhà riêng vào ngày 20/4/1968 do sử dụng quá liều chất an thần.
Bạn có thể xem thêm: