Mới đây, các nhà nghiên cứu Pháp đã công bố một tài liệu cổ về những người từng
trải nghiệm cận chết (near-death experiences - NDE) vào năm 1740 được ghi chép lại bởi bác sĩ quân đội người Pháp - Pierre-Jean du Monchaux.
Cuốn sách mang tên "Anecdotes de Médecine" (tạm dịch: Giai thoại về Y khoa) mô tả chi tiết về trường hợp một bệnh nhân là dược sĩ ở Paris bị bất tỉnh. Sau khi tỉnh lại, ông nói mình đã nhìn thấy ánh sáng trắng ở phía cuối con đường, ngỡ như đang ở thiên đường và làm bạn với
cái chết.
Cuốn tài liệu "Anecdotes de Médecine" ghi chép lại những trường hợp bệnh nhân trải nghiệm cận chết.
Một vài trường hợp bệnh nhân khác cũng được Monchaux lưu trữ thông tin và so sánh khi họ trải nghiệm cận chết. Trong đó có cả những người sắp bị chết đuối, hạ thân nhiệt hay treo cổ. Với những trường hợp này, bác sĩ Monchaux suy đoán rằng, chính sự gia tăng lưu lượng máu đến não đã khiến người bệnh bị ảo giác như vậy.
Tiến sĩ Phillippe Charlier - bác sỹ y khoa và nhà khảo cổ học nổi tiếng ở Pháp vô cùng bất ngờ trước phát hiện về tài liệu này của mình. Theo lý giải hiện tại, Trải nghiệm cận chết (NDE) là danh từ khoa học chỉ những cảm giác cá nhân, điều mà người sắp chết nhìn thấy, nghe thấy và cho rằng đó là hiện thực.
Tuy nhiên, tiến sĩ Charlier cũng không phản đối những lý giải về trải nghiệm cận chết theo lý thuyết tôn giáo. Theo đó, con người có linh hồn. Khi người ta sắp qua đời, linh hồn tách ra khỏi cơ thể, đi tới thế giới bên kia - một chiều không gian khác thông qua những đường hầm ánh sáng. Trước đó, linh hồn có khả năng đặc biệt là trải nghiệm lại những gì đã từng xảy ra khi còn sống.
Mặc dù theo tiến sĩ Charlier, những trường hợp được Monchaux đề cập đến trong cuốn tài liệu trên vẫn còn bị hạn chế nhưng nó cũng phần nào đưa đến cho các bác sĩ y khoa nhận thức bước đầu về lý thuyết của trải nghiệm cận chết.
Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu hiện đại cho rằng, cơ chế gây ra hiện tượng trải nghiệm cận chết nằm ở hoạt động não bộ. Do đó, khi gần qua đời, những bộ phận - giác quan trên cơ thể người hoạt động yếu đi, khiến con người dễ rơi vào trạng thái nửa tỉnh nửa mê.
Trạng thái đó cùng với việc não thiếu oxy là nguyên nhân khiến họ trải qua hình ảnh mơ hồ, không rõ thực hư. Tuy nhiên, theo các nhà nghiên cứu, những lý giải khoa học này mới giải quyết được phần nào trải nghiệm này. Vẫn còn rất nhiều điều bí ẩn đằng sau trải nghiệm cận tử mà các nhà khoa học vẫn cố gắng nghiên cứu để tìm ra.
(Nguồn tham khảo: Livescience)