Hiện nay, tính đa dạng sinh vật trên Trái đất đang bị đe dọa đặc biệt nghiêm trọng. Dựa vào bảng phân tích dữ liệu và đánh giá mới của các chuyên gia thuộc ĐH Stanford, những cuộc Đại Tuyệt chủng trước đây có thể bị thúc đẩy bởi yếu tố tự nhiên hay vũ trụ nhưng cuộc Đại Tuyệt chủng thứ 6 này là kết quả hành động của con người.
Theo các chuyên gia, con người đóng vai trò ảnh hưởng chính trong cuộc Đại Tuyệt chủng thứ 6 này.
Tác giả nghiên cứu - giáo sư sinh học Rodolfo Dirzo thuộc ĐH Stanford cho biết: "Kể từ năm 1500, hơn 320 loài động vật có xương sống trên cạn đã bị tuyệt chủng. Quần thể các loài sinh vật khác, kể cả động vật không xương sống cũng có sự suy giảm mạnh, trung bình là 25%. Ít nhất, 80 loài động vật có vú trong tổng số 5.570 loài được phát hiện đã tuyệt chủng trong vòng 500 năm qua".
Ở động vật có xương sống, 16 - 33% các loài đang ở trong tình trạng bị đe dọa trên toàn cầu. Những động vật lớn như voi, tê giác, gấu Bắc Cực đang phải đối mặt với tỷ lệ suy giảm đặc biệt nghiêm trọng, rất có thể bị tuyệt chủng hàng loạt trong thời gian không xa.
Do đó là những loài động vật to lớn, có lợi về kinh tế nên trở thành mục tiêu săn bắn hấp dẫn của con người. Nếu những loài động vật này biến mất trên Trái đất, nó sẽ kéo theo sự bất ổn định ở những loài khác và thậm chí là sức khỏe con người.
Trước đây, Kenya đã tiến hành một cuộc thử nghiệm khi phân lập tất cả những loài động vật lớn như ngựa vằn, hươu cao cổ, voi và quan sát cách thức hệ sinh thái còn lại phản ứng như thế nào trước sự mất mát đó.
Kết quả là, số lượng các loài động vật gặm nhấm tăng lên một cách nhanh chóng, cọ và bụi cây mọc um tùm. Điều này càng thuận lợi cho những loài vật bé nhỏ ẩn nấp, sinh sôi và gia tăng mầm bệnh truyền nhiễm.
Số lượng các loài động vật không xương sống như bọ cánh cứng, bướm, nhện, sâu... đã giảm 15%.
Cùng với đó, các chuyên gia chỉ ra, dân số đã tăng gấp đôi trong 35 năm qua. Trong thời gian này, số lượng các loài động vật không xương sống như bọ cánh cứng, bướm, nhện, sâu... đã giảm 15%. Như vậy, sự mất mát của động vật lớn chủ yếu là do môi trường sống và sự thay đổi của khí hậu toàn cầu. Điều này đã phần nào tác động đến cuộc sống hàng ngày của chúng ta.
Các loài côn trùng thụ phấn cho 75% cây lương thực trên thế giới và đóng vai trò quan trọng trong quá trình dinh dưỡng, phân hủy chất hữu cơ, duy trì sự vận hành của hệ sinh thái. Nếu ngay lập tức môi trường sống thay đổi đột ngột hay bị khai thác quá mức sẽ dẫn đến hậu quả khó có thể lường trước được.
Cuộc Đại Tuyệt chủng thứ 6 này kéo dài bao nhiêu năm hiện tại vẫn rất khó dự đoán, nhưng chúng có khả năng đã thực sự bắt đầu.
(Nguồn tham khảo: Dailymail)